Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các tập đoàn, tổng công ty đang nợ gần 1,3 triệu tỷ đồng

Những tập đoàn đứng đầu danh sách nợ lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí PVN, Tập đoàn Điện lực EVN...

Các tập đoàn, tổng công ty đang nợ gần 1,3 triệu tỷ đồng

Những tập đoàn đứng đầu danh sách nợ lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí PVN, Tập đoàn Điện lực EVN...

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính , năm 2011, tổng số nợ phải trả của 91 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lên tới 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010.

Xét từng tập đoàn, tổng công ty, có 30 đơn vị tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 đơn vị trên 10 lần, 10 đơn vị trên từ 5-10 lần, có 12 đơn vị từ 3-5 lần.

Những tập đoàn đứng đầu danh sách nợ lớn gồm: Tập đoàn dầu khí PVN, số nợ phải trả đến gần 287.000 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực EVN số nợ hơn 257.000 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp xây dựng nợ 69.500 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải VN số nợ sấp xỉ 62.000 tỷ đồng, Tập đoàn Than – Khoáng sản nợ 71.000 tỷ đồng; Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị nợ 40.000 tỷ đồng

Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) bình quân năm 2011 là 1,62 lần. Bộ Tài chính đánh giá, điều đó cho thấy các tập đoàn, Tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.

Nhiều tập đoàn Tổng công ty đang nợ rất nhiều. Ảnh minh họa

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng đầu danh sách đơn vị đang nợ quá hạn lớn với tổng số tới 10.149 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng (nợ của công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất – nhận bàn giao từ Vinashin). Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nợ quá hạn 467 tỷ đồng. Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 nợ quá hạn 128 tỷ đồng

Về tình hình lỗ lãi, theo thống kê, năm 2011, doanh thu theo báo cáo hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty là 1.577.311 tỷ đồng, tăng 25,1% so với 2010. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 12% so với năm 2010, đạt 135.111 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận bình quân/vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 18,57%.

Tuy nhiên, số lỗ của nhiều tập đoàn được “điểm danh” cũng rất lớn. Năm 2011, 5 tập đoàn lỗ hợp nhất 5.823 tỷ đồng

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - lỗ hợp nhất 2.589 tỷ đồng; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam là 2.390 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam 791 tỷ đồng, Tổng công ty xây dựng đường thủy 66 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu quân đội 17 tỷ đồng.

Trong 5 công ty mẹ có lỗ phát sinh 3.104 tỷ đồng có công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2.177 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam lỗ 857 tỷ đồng

Lỗ lũy kế theo theo báo cáo hợp nhất của 13 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2011 là 48.988 tỷ đồng. Kỷ lục vẫn là EVN với 38.104 tỷ đồng, báo cáo cho biết. Tiếp đó là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 5.738 tỷ đồng, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam 2.390 tỷ đồng

Số lỗ lũy kế theo báo cáo của 9 công ty mẹ cũng được thống kê với 12.800 tỷ đồng. Công ty mẹ - EVN lỗ 8.084 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu 2.706 tỷ đồng

Khó rút vốn 24.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành

Về tình hình tài chính, theo báo cáo, tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty năm 2011 theo báo cáo hợp nhất là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2010.

Tuy nhiên, một phần rất lớn tài sản của các tập đoàn, Tổng công ty này đang ở dạng nợ và… nợ khó đòi.

Về nợ phải thu, vẫn theo báo cáo hợp nhất là 296.541 tỷ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản) tăng 13,8% so với 2010, trong đó nợ phải thu khó đòi là 3.753 tỷ đồng, chiếm 1,26% so với tổng nợ phải thu.

Một số tập đoàn, Tổng công ty có số nợ lớn tập đoàn Dầu khí 408 tỷ đồng, Tập đoàn Sông Đà 366 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam 353 tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, có những công ty mẹ, nợ phải thu khó đòi số tuyệt đối không lớn nhưng tỷ lệ so với tổng nợ phải thu đang ở mức rất cao. Như công ty mẹ Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam nợ phải thu khó đòi là 44,391 tỷ đồng, chiếm 74% số nợ phải thu. Hay công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn số nợ phải thu khó đòi cũng chiếm 32%, với 173,470 tỷ đồng.

Việc thoái vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ quan ngại.

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo là tình hình đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản. Trong đó, Bộ Tài chính xác nhận, việc thoái vốn đầu tư ở những lĩnh vực này không đơn giản.

Theo báo cáo, số tiền đầu tư vào các lĩnh vực này đến 31/12/2011 của các công ty mẹ vẫn đạt 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng (15% ) so với năm 2010. Trong đó, tiền đầu tư vào bất động sản tăng đến 2.840 tỷ đồng, ngân hàng 11.403 tỷ đồng, bảo hiểm 1.682 tỷ đồng

Tổng giá trị các khoản đầu tư nêu trên nếu xét trên báo cáo hợp nhất chỉ chiếm 3,3% vốn chủ sở hữu nhưng xét trên báo cáo của công ty mẹ chiếm 3,5% vốn chủ sở hữu (1,8% tổng tài sản), báo cáo của Chính phủ đưa ra phân tích.

Bộ Tài chính nhấn mạnh yêu cầu, việc thoái vốn ở những ngành tay trái cần phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

Theo Dân trí

 

Theo Dân trí

Bạn có thể quan tâm