Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ thuế hàng chục tỷ

Không chỉ nhức nhối vấn nạn chuyển giá, lỗ giả, lãi thật, nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đã tranh thủ sự thông thoáng của chính sách xuất nhập khẩu ở Việt Nam, nợ thuế hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn về nước.

Doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, nợ thuế hàng chục tỷ

Không chỉ nhức nhối vấn nạn chuyển giá, lỗ giả, lãi thật, nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đã tranh thủ sự thông thoáng của chính sách xuất nhập khẩu ở Việt Nam, nợ thuế hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn về nước.

>> 'Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thiếu trung thực'
>> Hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài trốn thuế ở Việt Nam

Hôm 3/4, Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính vừa đưa ra cảnh báo này tới tất cả các chi cục Hải quan địa phương.

Cơ quan này cho hay, theo quy định của Luật Thuế Xuất nhập khẩu và Luật Quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan. Hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập tái xuất.

Lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp FDI đã trốn thuế tới hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian được miễn thuế hoặc được ân hạn thời gian nộp thuế, các doanh nghiệp FDI đã tranh thủ nhập số lượng lớn hàng hóa, sau đó, tự ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ về nước. Hậu quả là cơ quan hải quan không thể thu hồi được khoản nợ thuế bị treo lại của các đối tượng này.

Cảnh báo này được đưa ra khi vừa tuần trước, Cục Hải quan Bình Dương đã lên tiếng cho biết, Cục đang gặp khó với trường hợp đòi nợ thuế của Công ty TNHH Diing Long Việt Nam, một doanh nghiệp đến từ Đài Loan có trụ sở tại Khu công nghiệp Mỹ Phước I, Bến Cát, Bình Dương.

Do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nợ thuế đang gia tăng.

Nhà đầu tư FDI này đang nợ thuế nhập khẩu hàng hóa tới 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ ban giám đốc công ty đã bỏ về nước, công ty vắng chủ và tài sản thì đã thế chấp ngân hàng. Hiện công ty chỉ còn một nhà xưởng trên diện tích 3 ha tại Mỹ Phước ước tính trị giá 70 tỷ đồng, song, tài sản này đã được thế chấp tại ngân hàng với số tiền vay trên 100 tỷ đồng. Với trường hợp như vậy, cơ quan hải quan gần như "bó tay" để đòi được thuế của doanh nghiệp.

Hồi tháng 9 năm 2011, tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ cũng đã gây ồn ào dư luận. Ví dụ như tập đoàn Kenmark (Đài Loan) đầu tư 500 triệu USD vào khu công nghiệp Việt Hoà từ năm 2005 tại Hải Dương, sau đó, ông chủ bỏ về nước để lại khoản nợ xấu tới 50 triệu USD cho các ngân hàng Việt Nam.

Tính tới tháng 10/2011, theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới 230 dự án của các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc được cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động nhưng đã giải thể, phá sản. Một số doanh nghiệp FDI sau khi được cấp phép, vay vốn sau đó đã rút về nước để lại khoản nợ kếch xù với 22 dự án tại 12 địa phương và 80 triệu USD tiền nợ. Các doanh nghiệp này chủ yếu ở hai tỉnh Hải Dương và Phú Thọ.

Tuy nhiên, hiện tượng bỏ trốn, xù nợ thuế hay nợ ngân hàng diễn ra không chỉ có ở khu vực doanh nghiệp FDI. Gần đây nhất, theo một báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng trình tới Tổng Cục, tình hình nợ thuế của các doanh nghiệp nói chung đang có xu hướng gia tăng.

Tính tới 26/3, Cục Hải quan Hải Phòng còn tồn đọng số nợ là 7.847 tỷ đồng, trong đó, nợ chuyên thu là 3.107 tỷ đồng và nợ tạm thu là 4.740 tỷ đồng.

Nếu so với cùng kỳ ngày 26/2, nợ quá hạn chuyên thu tính tới 26/3 đã tăng lên 21 tỷ đồng, tương ứng 5%, nợ cưỡng chế chuyên thu tăng tới 82 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 8%. Nợ cưỡng chế tạm thu cũng đã tăng thêm 9% so với cùng kỳ tháng 2, tương ứng 22 tỷ đồng.

Trong tổng số nợ chuyên thu thì chiếm trên 50% là nợ quá hạn và nợ thuộc diện bị cưỡng chế với con số lên tới 1.537 tỷ đồng. Trong đó, có tới 92 tỷ đồng là số nợ của các doanh nghiệp bỏ trốn và mất tích, 47 tỷ đồng là khoản nợ của các doanh nghiệp đã có quyết định giải thể, phá sản. Đáng chú ý, khoản nợ thuộc diện chây ỳ lên tới 509 tỷ đồng và nợ truy thu thuế là 50 tỷ đồng.

Trong tổng số nợ tạm thu, có tới 870 tỷ đồng là nợ quá hạn, cưỡng chế bao gồm, nợ của doanh nghiệp phá sản giải thể là 5 tỷ đồng, nợ của doanh nghiệp ngừng hoạt động là 4 tỷ đồng, nợ của doanh nghiệp có địa chỉ không chính xác là 2 tỷ đồng.

Cục Hải quan Hải Phòng cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang trong giai đoạn giải thể, phá sản, khó tiếp cận nguồn vốn để nộp thuế cho Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp không thanh khoản đúng hạn nên nợ tạm thu cưỡng chế cũng gia tăng.

Tại địa bàn TP.HCM, cơ quan thuế cũng ghi nhận hiện tượng doanh nghiệp mất tích, bỏ trốn với con số khá lớn. Tính tới hết tháng 3, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động tới Cục. Trong số này, 1.198 doanh nghiệp thuộc diện bỏ trốn, mất tích, chiếm tới 23% số doanh nghiệp ngừng hoạt động nói chung. Đồng thời, có 1.725 doanh nghiệp đang chờ thủ tục phá sản, giải thể. Đại đa số, các doanh nghiệp này đều rơi vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, thương mại.

Trước tình trạng này, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các địa phương phải tổng rà soát toàn bộ tình trạng doanh nghiêp nói chung bỏ trốn, mất tích, không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký... hiện còn nợ thuế, bao gồm cả thành phần doanh nghiệp FDI.

Trước ngày 6/4 tới, các đơn vị phải báo cáo cụ thể về số lượng doanh nghiệp, tên địa chỉ, số tiền thuế còn nợ và cả tiền phạt chậm trả nợ thuế.

Đồng thời, Tổng cục cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị địa phương phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm xảy ra tình trạng nợ thuế tại địa bàn mình phụ trách.

Các đơn vị cần theo dõi quản lý chặt tình trạng này, áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế để không phát sinh trường hợp doanh nghiệp nợ thuế, bỏ trốn, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo VEF

Theo VEF

Bạn có thể quan tâm