Công ty dược phẩm Merck cho biết thuốc Molnupiravir của hãng này có thể giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong do nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia, chủ yếu là các nước châu Á, đã hoặc đang ráo riết đặt mua để bảo đảm nguồn cung, mặc dù cơ quan quản lý của các nước này vẫn chưa phê duyệt chế phẩm nói trên, theo New York Times.
Trước đó, vào tháng 6, hãng dược Merck cho biết Mỹ đã đồng ý mua đủ số thuốc Molnupiravir cho 1,7 triệu lần điều trị, với chi phí 1,2 tỷ USD. Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang đàm phán với Merck để mua loại thuốc viên chống Covid-19 này, Reuters đưa tin.
Molnupiravir của Merck là loại thuốc kháng nCoV đường uống đầu tiên có thể dùng tại nhà. Chế phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tác động của các đợt bùng phát trong tương lai, qua đó giảm áp lực lên hệ thống y tế công.
Mỗi bệnh nhân sử dụng Molnupiravir sẽ uống hai lần mỗi ngày, mỗi lần 4 viên, uống liên tục trong 5 ngày, tổng cộng là 40 viên, theo New York Times.
Nếu được phê duyệt, Molnupiravir là loại thuốc kháng nCoV đường uống đầu tiên có thể dùng tại nhà. Ảnh: Merck. |
Đồng loạt mua thuốc kháng Covid-19
Trong khi nhiều quốc gia ở châu Á có khởi đầu tương đối chậm trong việc triển khai chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19, một số nước như Malaysia, Singapore và Hàn Quốc hiện có tỷ lệ phủ vaccine trên đầu người cao hơn cả Mỹ.
Việc đảm bảo nguồn cung Molnupiravir từ Merck được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chống chọi với SARS-CoV-2, song song với giải pháp tiêm vaccine; qua đó thúc đẩy tốc độ phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 5/10 cho biết chính phủ nước này đã đồng ý mua đủ thuốc Molnupiravir cho 300.000 liệu trình điều trị.
"Vaccine và các phương pháp điều trị mới như thế này sẽ thúc đẩy kế hoạch tái mở cửa Australia một cách an toàn", ông Morrison nói.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này đã đạt thỏa thuận mua đủ thuốc cho 150.000 liệu trình điều trị bằng Molnupiravir từ Merck.
"Giải pháp này bổ trợ cho việc triển khai tiêm chủng thành công của Malaysia", ông Jamaluddin viết trên Twitter. Ông cho biết Bộ Y tế nước này cũng đang tìm kiếm và mua thêm các loại dược phẩm kháng nCoV.
Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum cho biết quốc gia Đông Á đã được đảm bảo đủ số lượng thuốc Molnupiravir cho hơn 20.000 lần điều trị và đang tiếp tục đàm phán với Merck để mua thêm.
Trong một thông cáo hôm 6/10, Merck cho biết Singapore đã đạt thỏa thuận để đảm bảo nguồn cung Molnupiravir. Bộ Y tế Singapore cũng xác nhận với Reuters về giao dịch này, song không tiết lộ số lượng cụ thể.
Merck hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ New York Times về giao dịch nói trên.
Merck tuyên bố thuốc Molnupiravir có thể giảm 50% tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Giải pháp bổ trợ vaccine
Ngày 1/10, đại diện Merck cho biết hãng này có kế hoạch xin cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với Molnupiravir ở Mỹ. "Loại thuốc này sẽ thay đổi các cuộc trao đổi xung quanh việc kiểm soát Covid-19", giám đốc điều hành hãng dược phát biểu.
Thông tin trên dựa trên kết quả phân tích của Merck đối với 775 bệnh nhân Covid-19 tham gia nghiên cứu.
775 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: Một nhóm sử dụng Molnupiravir, còn một nhóm dùng giả dược. Tỷ lệ nhập viện trong vòng 29 ngày sau chữa trị ở nhóm sử dụng Molnupiravir là 7,3% trong khi tỷ lệ này ở nhóm dùng giả dược là 14,1%. Nhóm dùng Molnupiravir không có ai tử vong, nhưng nhóm dùng giả dược có 8 người.
Molnupiravir hoạt động dựa trên nguyên lý tạo ra các lỗi trong mã gene của SARS-CoV-2, theo Reuters.
Thuốc Molnupiravir hiện chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ và nhiều quốc gia. Ảnh: New York Times. |
Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics dự định xin phê duyệt khẩn cấp đối với Molnupiravir ở Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể. Do kết quả tích cực, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được kết thúc sớm, theo khuyến nghị của các giám sát viên độc lập.
"Chúng ta rất cần các loại thuốc kháng virus đường uống có thể dùng tại nhà để giúp người mắc Covid-19 không phải nhập viện", giám đốc điều hành Wendy Holman của Ridgeback nói trong một tuyên bố.
Theo Merck, dữ liệu cho thấy Molnupiravir không có khả năng làm thay đổi gene trong tế bào người.
Ban đầu, thuốc Molnupiravir có thể chỉ dành cho những đối tượng có nguy cơ cao trước SARS-CoV-2, chẳng hạn như người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng chế phẩm này có thể được phổ biến rộng rãi hơn.
Các quan chức Nhà Trắng khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine ngay cả khi thuốc Molnupiravir có khả năng giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19.
Jeff Zient, Cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng, cho rằng tiêm chủng "vẫn là công cụ hiệu quả nhất để chống lại Covid-19".