Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải đối mặt với những rủi ro từ thị trường cho vay trực tuyến ngang hàng P2P (peer-to-peer). Dù đã tồn tại trong hơn một thập kỷ tại Trung Quốc hay chỉ mới ở giai đoạn đầu tại Đông Nam Á, mô hình cho vay P2P luôn đem lại những nguy cơ khó lường đối với thị trường tài chính các nước khi tốc độ phát triển của nó tỏ ra quá nhanh so với tốc độ điều chỉnh các quy định quản lý của mỗi nước. Trung Quốc, Maylaysia, Indonesia cũng như các quốc gia ASEAN khác vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung khung pháp lý để quản lý sát sao và hạn chế tối đa rủi ro từ mô hình này.
P2P vẫn khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu
Với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 190 tỷ USD, Trung Quốc hiện là quốc gia có quy mô phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực cho vay ngang hàng P2P trên thế giới. Từ thời điểm mô hình cho vay mới này manh nha tại thị trường Trung Quốc vào năm 2007, đã có hơn 6000 nền tảng cho vay trực tuyến được mở ra theo số liệu của Online Lending House.
Tuy nhiên, sự thiếu kiểm soát của chính phủ Trung Quốc với hoạt động cho vay trực tuyến đã dẫn đến việc hàng loạt sàn giao dịch cho vay P2P sụp đổ hoặc biến mất và tính đến tháng 2/2018, chỉ còn chưa đến 2.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Trước làn sóng giận dữ của các nhà đầu tư khi không thể đòi lại được những khoản tiền đã đầu tư vào các nền tảng cho vay P2P, chính phủ Trung Quốc buộc phải đưa ra nhiều biện pháp siết chặt hoạt động của các sàn giao dịch cho vay P2P.
Theo quy định mới có hiệu lực từ tháng 6/2018, các công ty cho vay P2P bị nghiêm cấm khi tự đứng ra đảm bảo về các khoản vay cũng như lãi suất; các công ty này chỉ được chấp thuận những giao dịch trị giá không quá 1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 146.000 USD) cho cá nhân và 5 triệu Nhân dân tệ cho doanh nghiệp và đặc biệt phải được giám sát bởi các ngân hàng.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra 10 biện pháp để giảm thiểu các rủi ro đến từ hoạt động vay trực tuyến P2P bao gồm việc các chính quyền địa phương phải thiết lập kênh đối thoại để phản hồi những yêu cầu của các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào các sàn giao dịch cho vay P2P cũng như tiến hành kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp này, theo South China Morning Post (SCMP).
Cũng theo SCMP, chính quyền địa phương tuyệt đối không được cấp phép cho bất kì công ty mới nào hoạt động trong lĩnh vực vay P2P hoặc thành lập các nền tảng tài chính online. Những người vay tiền qua các sàn cho vay P2P nhưng chây ì trả nợ sẽ bị đưa vào danh sách đen trong hệ thống xếp hạng tín dụng Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ tìm nhiều cách để giảm thiểu rủi ro thanh khoản với mô hình này và bảo vệ các quyền hợp pháp của những nhà đầu tư tham gia vào các sàn cho vay P2P. Và đồng thời hoạt động tuyên truyền cho các nhà đầu tư cũng sẽ được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức rộng rãi về mức độ rủi ro của hoạt động cho vay P2P trong công chúng.
Các nước ASEAN liên tục bổ sung, hoàn thiện quy định pháp lý với cho vay P2P
Trong khi đã xuất hiện ở Trung Quốc trong hơn một thập kỷ và đạt được mức tăng trưởng theo cấp số mũ, mô hình cho vay trực tuyến ngang hàng P2P lại mới chỉ đang ở trong giai đoạn đầu tại Đông Nam Á.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý đối với mô hình cho vay P2P nhằm đạt được cả hai mục tiêu: đưa ngành kinh doanh này phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích của những người tham gia.
Tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay P2P. Từ năm 2016, SC đã ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý các nền tảng cho vay P2P tại Malaysia.
Một số điểm đáng chú ý bao gồm việc các nền tảng cho vay P2P phải đảm bảo lãi suất không vượt mức 18% mỗi năm và nếu muốn tăng lãi suất lên hơn 18%/năm, các công ty cho vay P2P phải tham vấn ý kiến của SC; chỉ có các công ty Malaysia với số vốn thực góp tối thiểu 5 triệu ringgits (khoảng 1,2 triệu USD) mới được triển khai các nền tảng cho vay P2P.
Còn ở Indonesia - nền kinh tế lớn nhất của ASEAN, việc quản lý hoạt động của các công ty cho vay P2P nói riêng và các doanh nghiệp công nghệ - tài chính (fintech) nói chung thuộc về Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK).
Những công ty fintech muốn vận hành nền tảng cho vay P2P phải đăng kí và chờ đợi sự chấp thuận của OJK. Được thông qua vào cuối tháng 12/2016, quy định bắt buộc các công ty fintech tại Indonesia hoạt động trong lĩnh vực cho vay P2P phải có số vốn tối thiểu 1 triệu rupiahs (khoảng 67.000 USD) khi đăng kí với OJK và 2,5 triệu rupiahs để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh. Với trần lãi suất, OJK không đưa ra một con số cụ thể. Cũng theo quy định này, các công ty cho vay P2P phải kí quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động.
Tính tới tháng 6/2018, đã có 64 công ty cho vay P2P đăng kí hoạt động với OJK. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có tới 227 nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P tại Indonesia chưa có giấy phép kinh doanh và ít nhất một nửa trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo số liệu của chính cơ quan này. Và số lượng các nền tảng cho vay P2P hoạt động trái phép được OJK cập nhật tới đầu tháng 9 đã lên tới 407.
Vào giữa tháng 7 năm nay, OJK tuyên bố sẽ sớm ban hành thêm các quy định mới về quản lý thị trường cho vay P2P sau khi được Bộ Tư pháp và Quyền Con người Indonesia thông qua.
Một số quốc gia khác cũng đã có những bước đi để đưa hoạt động cho vay P2P vào khuôn khổ như Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã bổ sung các quy định quản lý cho vay P2P vào trong Luật Chứng khoán và hợp đồng phái sinh và Luật tư vấn tài chính; Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã ban hành Cẩm nang triển khai Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho vay P2P vào năm 2016.
“Mặc dù chúng ta có thể nói rằng sự thích ứng của các nước Đông Nam Á để quản lý hoạt động cho vay P2P vẫn còn khá chậm, nhưng nếu nhìn xuyên suốt lịch sử, đây rõ ràng là một trong những tiến trình thay đổi pháp lý nhanh nhất trong ngành tài chính”, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của tập đoàn Beehive nhận xét.