Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Các nước không được hành động khiêu khích'

"Dù lớn hay nhỏ thì tất cả các nước đều không được hành động khiêu khích, gây căng thẳng quân sự hóa Biển Đông", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu sáng 7/8 tại Hà Nội.

Sáng 7/8, còn tập tễnh và phải chống nạng sau tai nạn cách đây 2 tháng, nhưng ngay khi xuất hiện, Ngoại trưởng John Kerry lập tức được chào đón bằng tràng pháo tay của khán phòng 300 người. Nhiều quan khách đến từ các bộ, ngành đã có mặt chờ đón ông trong buổi hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: "Giải quyết xung đột cần dựa trên cơ sở nước nào có lập luận, bằng chứng tốt hơn chứ không phải có quân đội mạnh hơn". Ảnh: Lê Hiếu.

Mang sức nóng từ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) 48 vừa kết thúc, ông Kerry tái khẳng định sự chia sẻ quan điểm Mỹ - Việt về tự do lưu thông hàng hải và giải quyết hòa bình xung đột ở Biển Đông. Mỹ không đứng về bên nào trong yêu sách về lãnh thổ nhưng ủng hộ các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng, không thừa nhận ảnh hưởng, quyền lực của nước lớn áp đặt ý chí lên nước nhỏ.

"Giải quyết xung đột cần dựa trên cơ sở nước nào có lập luận, bằng chứng tốt hơn chứ không phải có quân đội mạnh hơn. Dù lớn hay nhỏ thì tất cả các nước đều không được hành động khiêu khích, gây căng thẳng, quân sự hóa vùng biển (Biển Đông)", ông Kerry nhắc lại triết lý cốt lõi về chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực nhiều năm gần đây.

Trong bài phát biểu liên tục hơn 30 phút, chính trị gia 71 tuổi có nhiều gắn bó với Việt Nam đã  nhắc lại những kỷ niệm, trải nghiệm của bản thân trong suốt nửa thế kỷ qua. Theo ông, ở thời điểm năm 1995, hai nước chỉ mới chia sẻ tầm nhìn về sự hợp tác giáo dục, môi trường và kinh tế.

"Có một điều rất khó đoán nhưng đã trở thành bình thường là chúng ta hợp tác cả về an ninh. Việt Nam hiện nay là một đối tác trong sáng kiến Bảo vệ hòa bình toàn cầu của Mỹ", ông Kerry nhấn mạnh.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chào đón sự trở lại của ông John Kerry. Ảnh: Lê Hiếu.

Dù còn khiêm tốn song ông tin chắc, sự hợp tác trong tương lai sẽ còn mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về nghị trình an ninh, y tế.

Say sưa nói gần như không ngắt quãng về tầm nhìn 20 năm tới, ông Kerry nhắc đến dự án thành lập trường Đại học Fulbright. Ông cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cho dự án, đặc biệt từ chuyến thăm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây.

Ông cũng nói nhiều về tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong - vùng đất gắn bó với những năm tháng quân ngũ của vị Ngoại trưởng tại Việt Nam...

"Kết quả của nỗ lực hợp tác hôm nay là bằng chứng sống động chứng tỏ chúng ta đã vượt qua quá khứ, thay thế sự nghi ngờ bằng tin cậy lẫn nhau", ông Kerry nói và khẳng định, chính vì thế, Việt - Mỹ đã tạo ra kỳ tích trong quan hệ song phương.

Trong chuỗi hoạt động ở Việt Nam, sáng 7/8, ông John Kerry đã có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chiều cùng ngày, sau khi tham gia cuộc thảo luận trực tuyến với thanh niên Việt Nam về quan hệ Việt - Mỹ, ông sẽ hội đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Cuối buổi chiều, Ngoại trưởng Mỹ có cuộc hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm