Bloomberg đưa tin theo một phân tích gần đây, các nước giàu có thể thừa đến 1,2 tỷ liều để tái phân phối vào cuối năm nay.
Theo hãng phân tích Airfinity Ltd. (có trụ sở tại London), Mỹ, Anh, các quốc gia châu Âu và những nước khác có thể tiêm chủng cho 80% dân số trên 12 tuổi, tiếp tục các chương trình tiêm liều bổ sung và vẫn còn số lượng lớn vaccine để tái phân phối trên toàn cầu.
Theo Bloomberg, đến nay, những quốc gia này chỉ giao cho các nước nghèo hơn một lượng nhỏ vaccine so với cam kết. Nhiều nước bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch tiêm mũi bổ sung để đối phó với biến chủng Delta nguy hiểm và dễ lây lan hơn.
Bất bình đẳng vaccine
Tính đến ngày 23/8, khoảng 5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, theo dữ liệu của Our World in Data. Trong số đó, chỉ 15,02 triệu liều dành cho những quốc gia thu nhập thấp.
"Các chiến dịch tiêm chủng ở những nền kinh tế có thu nhập thấp đang tiến triển với tốc độ rất chậm", báo cáo mới đây của Economist Intelligence Unit (EIU) nhấn mạnh.
Theo báo cáo, nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng tiêm chủng trên toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực sản xuất, nguyên liệu vaccine, những khó khăn hậu cần về vận chuyển và lưu trữ vaccine, cũng như sự do dự của người dân.
Theo dữ liệu của UNICEF, các hãng sản xuất vaccine đã được cấp phép có đủ năng lực sản xuất 18,5 tỷ liều vaccine vào năm 2022. Con số này đủ để tiêm cho các quốc gia và nhóm tuổi chưa thể tiêm chủng trong năm nay. Tuy nhiên, nếu mọi nước giàu tiêm liều tăng cường 5 tháng 1 lần, nguồn cung sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Chúng ta phải giao vaccine cho những ai cần chúng và công khai mọi hợp đồng
- Bà Fatima Hassan, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Health Justice Initiative
Giới chuyên gia lo ngại rằng tốc độ triển khai tiêm chủng chậm trên toàn cầu sẽ kéo dài đại dịch và làm tăng nguy cơ xuất hiện thêm các biến chủng nguy hiểm hơn. Nhiều người cũng kêu gọi sự minh bạch trong thỏa thuận giữa chính phủ và nhà sản xuất.
"Chúng ta phải giao vaccine cho những ai cần chúng và công khai mọi hợp đồng", bà Fatima Hassan, nhà sáng lập kiêm Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Health Justice Initiative, bình luận.
Trong hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 mà G7 và Liên minh châu Âu (EU) cam kết, chưa đến 15% được chuyển giao cho các nước nghèo hơn, theo Airfinity.
"Vấn đề nằm ở sự lựa chọn giữa các chiến dịch tiêm chủng tăng cường trong nước và tái phân bổ sang nước ngoài", ông Rasmus Bech Hansen - Giám đốc điều hành Airfinity - nhận định.
"Đó là một song quan luận sai lầm", ông nhận xét, đề cập đến lối ngụy biện đưa ra hai lựa chọn và buộc chỉ được chọn một. "Các vị hoàn toàn có thể làm cả hai", ông Hansen nhấn mạnh.
Thừa hàng tỷ liều vaccine
Theo ông, sản lượng vaccine toàn cầu đang tăng đều và khó xảy ra gián đoạn. Airfinity ước tính sản lượng có thể vượt 12 tỷ liều vào cuối năm nay. Con số đó lớn hơn 11 tỷ liều cần thiết để tiêm chủng cho mọi người dân trên thế giới.
Khoảng 500 liều vaccine hiện có thể được các nước phương Tây phân phối lại. Con số đó sẽ tăng lên khoảng 2,2 tỷ USD vào giữa năm 2022, theo phân tích.
Theo Airfinity, vaccine của Pfizer Inc. và BioNTech SE sẽ chiếm khoảng 45% số vaccine sẵn có để phân phối lại. Trong khi đó, vaccine của Moderna Inc. chiếm khoảng 25%.
Nhiều nước thu nhập thấp phụ thuộc vào COVAX, sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, chương trình đã không hoàn thành sứ mệnh.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, các kế hoạch tiêm tăng cường nên được hoãn lại cho đến khi vaccine được phân phối nhiều hơn đến những quốc gia khan hiếm.
Trong khi đó, kế hoạch tiêm liều bổ sung của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vướng nhiều tranh cãi. Chương trình bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chỉ trích là thiếu căn cứ khoa học.
Các chuyên gia y tế EU cũng cho rằng việc tiêm liều thứ 3 là chưa cần thiết. Bởi phác đồ tiêm hiện tại vẫn hiệu quả.
"Các quốc gia thu nhập cao đã đặt gấp đôi liều lượng cần thiết cho người dân của họ", các cựu đồng chủ tịch của một hội đồng xem xét phản ứng Covid-19 nhận định.
"Giờ là lúc để thể hiện tình đoàn kết với những nước chưa thể tiêm chủng cho nhân viên y tế tuyến đầu và nhóm cư dân dễ tổn thương nhất", các chuyên gia viết thêm.
Theo ông Bech Hansen, cần một nỗ lực phối hợp trên toàn cầu để những quốc gia có nguồn cung dồi dào bán lại hoặc tặng cho các nước thu nhập thấp hơn.
Singapore đẩy mạnh kế hoạch mở cửa kinh tế nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao
Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp Singapore có thêm bước tiến mới trong lộ trình hướng đến việc sống chung với Covid-19 và tái mở cửa, giữ vị thế trung tâm kinh tế toàn cầu.
Các trung tâm mua sắm, nhà hàng Thái Lan mở cửa trở lại
Các trung tâm mua sắm, nhà hàng, công viên, tiệm làm đẹp và trường học ở Thái Lan đã mở cửa trở lại sau khi nước này nới lỏng các hạn chế hôm 1/9.
Tỷ phú Thái lại muốn gom cổ phiếu Vinamilk sau nhiều lần bất thành
Sau nhiều lần mua hụt, F&N Dairy Investments của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi lại đăng ký mua thêm 20,9 triệu cổ phiếu Vinamilk để nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,69%.