Phát biểu tại sự kiện ở Washington hôm 14/5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, lưu ý Trung Quốc "đang ngày càng cô lập và trở thành chủ thể gây lo ngại", hãng Kyodo đưa tin. Theo bà, những nước muốn hợp tác với Trung Quốc "đang ngày càng khó chịu và lảng tránh Bắc Kinh bởi các hành động khiêu khích trên biển".
Bà Rice hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng tham vọng của Trung Quốc là "được chào đón và thừa nhận như một cường quốc, không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu".
Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: AP. |
Hôm 14/5, Reuters cũng dẫn lời Nhà Trắng cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển chủ quyền Việt Nam cần được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải bằng sự đe dọa.
Jay Carney, người phát ngôn của Nhà Trắng, cho biết, mặc dù Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp, song trong chuyến công du châu Á gần đây, Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc đối thoại hòa bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp.
Căng thẳng về chủ quyền trên biển là một trong những thách thức lớn nhất ở châu Á mà ông Obama đối mặt. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhiều lần phản đối Trung Quốc đơn phương gây căng thẳng tại Biển Đông. Ông muốn các bên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế về biển.
“Mọi quốc gia liên quan tới khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông đều quan ngại sâu sắc về hành động gây hấn của Trung Quốc. Mỹ muốn thấy bộ quy tắc ứng xử trong khu vực. Chúng tôi muốn các bên giải quyết căng thẳng một cách hòa bình thông qua luật pháp, Tòa án trọng tài quốc tế về Luật biển hoặc một phương thức nào đó, chứ không phải bằng cách đối đầu trực tiếp và hành động hiếu chiến”, ông Kerry nhấn mạnh.
Nhiều hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ Mỹ cũng kịch liệt lên án hành động đơn phương của phía Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng Luật Biển 1982.
Hôm 12/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố Mỹ phóng đại sự việc ở Biển Đông, nhưng Washington khẳng định việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là hành động khiêu khích. Bà Jen Psaki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng dường như Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hài lòng về nội dung cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 12/5.
Khi phóng viên hỏi về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ “thực hiện những hành động và phát ngôn sai trái” về căng thẳng trên Biển Đông, bà Psaki khẳng định: “Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại rằng, hành động đơn phương của Trung Quốc nằm trong một chuỗi hành động quy mô lớn hơn nhằm tuyên bố chủ quyền với các vùng biển tranh chấp. Theo quan điểm của chúng tôi, nó sẽ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ thành viên nào của cộng đồng quốc tế cũng có quyền bày tỏ mối quan ngại về vấn đề này, dù chúng tôi không đứng về bên nào".