Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là ba trong số những nhà lãnh đạo đã tham gia hội nghị trực tuyến để khởi động sáng kiến về chống dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mục đích của sáng kiến này là tăng tốc phát triển an toàn và hiệu quả các bộ kit xét nghiệm, thuốc và vắc-xin để chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Sáng kiến cũng đồng thời đảm bảo cả người nghèo và người giàu đều được tiếp cận với các biện pháp chống dịch.
“Chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa chung mà chúng ta chỉ có thể đánh bại bằng một cách tiếp cận chung”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp.
“Kinh nghiệm đã chỉ ra cho chúng ta rằng ngay cả khi các thiết bị có sẵn, chúng vẫn không thể đáp ứng bình đẳng cho tất cả. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự cuộc họp trực tuyến với WHO và các nhà lãnh đạo thế giới. Ảnh: Reuters. |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng mục tiêu của cam kết toàn cầu là tăng 7,5 tỷ euro (8,10 tỷ USD) vào đầu tháng 5 để đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị.
“Đây chỉ là bước đầu và sẽ còn nhiều việc phải làm hơn nữa trong tương lai”, chủ tịch EC nói tại cuộc họp.
Trong khi đó, tổng thống Pháp cho biết: “Hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động tất cả quốc gia G7 và G20 đồng hành cùng sáng kiến này. Và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đồng lòng với sáng kiến này, kể cả Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Ramaphosa, Chủ tịch Liên minh châu Phi, cảnh báo rằng lục địa đen với các tiêu chuẩn y tế yếu kém sẽ “rất dễ bị tổn thương trước sự tàn phá của virus và cần được hỗ trợ”.
Các nhà lãnh đạo từ châu Á, Trung Đông và châu Mỹ cũng tham gia hội nghị trực tuyến này. Riêng đối với Mỹ, phát ngôn viên của phái đoàn nước này tại Geneva trước đó đã nói với Reuters rằng Washington sẽ không tham gia.
“Sẽ không có sự tham gia chính thức của Mỹ”, ông này viết trong email trả lời. “Chúng tôi chờ đợi được học hỏi về sáng kiến này trong việc hỗ trợ cộng đồng quốc tế phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt”.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích WHO phản ứng chậm chạp trước sự bùng phát của đại dịch, thiên vị Trung Quốc và tuyên bố ngừng tài trợ tổ chức quốc tế này.