Con số này có ý nghĩa vì trong tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch năm 2018, có tới 50% là CO2 từ nhà máy điện than. Điện than cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất nên các nước phát triển như Mỹ, châu Âu đều đã cắt giảm hoặc ngừng sử dụng các nhà máy điện than.
Nhờ sản lượng điện than giảm 3% năm nay, phát thải CO2 toàn cầu có thể sẽ tăng chậm hơn. Dù vậy, lượng than sử dụng và lượng phát thải tạo ra vẫn vượt xa mức cần để đạt các mục tiêu trong Thỏa thuận chung Paris.
Các nhà máy nhiệt điện lớn (công suất trên 600 MW) ở miền Bắc. Khí thải điện than đang đóng góp ngày càng lớn vào ô nhiễm không khí ở miền Bắc. Đồ họa: Minh Hồng. |
Mức giảm này tương đương 300 TWh (terawatt giờ), nhiều hơn tổng sản lượng điện từ than của Đức, Tây Ban Nha và Anh gộp lại.
Dưới đây là các biến động trong bức tranh từng khu vực về điện than và điện tái tạo, theo Lauri Myllyvirta, Trưởng nhóm phân tích, Trung Tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), trong bài viết trên trang Carbon Brief chuyên theo dõi chính sách khí hậu và năng lượng.
Dữ liệu được ông tổng hợp từ cơ quan thống kê của các nước và từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đối với các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Con số giảm 3% sản lượng điện than toàn cầu là do mức giảm kỷ lục ở các nước phát triển, cũng như do sản lượng ở Trung Quốc không tăng lên so với năm ngoái.
Người đi xe đạp trước một nhà máy điện than ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CarbonBrief. |
Các biến chuyển đáng chú ý bao gồm một số nước thuộc khối OECD, chứng kiến năng lượng gió và mặt trời tăng mạnh trong năm 2019, còn nhu cầu điện năng giảm do kinh tế tăng chậm hơn.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng giảm nhu cầu điện năng. Xuất khẩu của hai nước này đã giảm mạnh. Điện hạt nhân đã tăng đáng kể, khiến lượng than dùng cho phát điện giảm.
Ở Bắc Mỹ, 60% của mức giảm lượng than là vì chuyển sang điện khí, do các nhà máy điện than đóng cửa và các nhà máy điện khí đi vào hoạt động.
Điện than Đông Nam Á tăng 10% - VN đóng góp nhiều nhất
Sản lượng điện than khu vực dự đoán sẽ tăng 10% vào năm 2019, do nhiều nhà máy điện than mới được khánh thành.
Việt Nam đóng góp nhiều nhất vào mức tăng 10% này. Nhập khẩu than của Việt Nam đã tăng gấp đôi, trong khi sản lượng than nội địa tăng 10% trong 10 tháng đầu 2019.
Đông Nam Á thường được cho là khu vực thúc đẩy tăng trưởng cho ngành than toàn cầu, do nhập khẩu khối lượng lớn. Báo cáo Năng lượng Tái tạo 2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói khu vực này đang đi sau thế giới trong việc chuyển hướng sang điện tái tạo.
Nhà máy điện mặt trời lớn nhất châu Á được xây dựng tại Tây Ninh, nằm ở phần bán ngập nước hồ Dầu Tiếng với công suất 420 MW. Sản lượng điện dự kiến là 1,56 tỷ kWh/năm. Ảnh: Trần Nguyễn. |
Trung Quốc - giá điện gió, điện mặt trời rẻ bằng điện than
Nhu cầu điện năm nay ở Trung Quốc chỉ tăng 3%, so với 6,7% trong hai năm qua. Các mức tăng này đều được đáp ứng bởi năng lượng tái tạo.
Năm 2019, sản lượng điện hạt nhân, điện gió, và thủy điện của Trung Quốc đều tăng, và lượng than sử dụng để phát điện không tăng so với năm ngoái.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn xây nhiều nhà máy, khoảng một nhà máy mỗi hai tuần. Do vậy tỷ lệ vận hành giảm xuống mức kỷ lục 48,6% - năm thứ tư liên tiếp mà tỷ lệ này dưới mức 50% ở Trung Quốc, và dưới trung bình toàn cầu 54%.
Tỷ lệ này thấp sẽ khiến lợi nhuận từ điện than giảm đi, giảm động lực để các công ty đầu tư xây nhà máy mới.
Tỷ lệ vận hành thấp khiến khoảng 40% nhà máy điện than trên thế giới không có lãi, có thể tăng lên 75% vào năm 2040, theo tổ chức Carbon Tracker. Ảnh: Reuters. |
Năm 2012, IEA từng nói: “Trung Quốc là than, than là Trung Quốc”. Đến 2019, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí áp đảo trong sử dụng than toàn cầu, với tỷ lệ 48,1%, và là nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, 2019 cũng chứng kiến những hợp đồng nhà máy điện gió và mặt trời dự kiến phát điện ở mức giá rẻ hơn điện than vào năm 2020.
Hệ thống điện mặt trời nổi tại Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Imagine China/Newscom. |
Hàn Quốc tham vọng theo đuổi điện tái tạo
Nếu điện than Trung Quốc vẫn tăng, nhưng tăng chậm lại, điện than Hàn Quốc lại giảm kỷ lục. Sản lượng 7 tháng đầu năm giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc, vốn đứng thứ tư thế giới về nhập khẩu than sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, chứng kiến lượng than nhập khẩu 7 tháng đầu năm giảm 10%.
Hàn Quốc đã đề xuất tăng mục tiêu điện tái tạo lên 30-35% vào năm 2040, so với 8% hiện nay.
Nhật Bản đã giảm xuất khẩu than 3,5%, tính trong 9 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu điện không tăng, trong khi điện hạt nhân lại tăng.
Khói bốc lên từ ống khói nhà máy nhiệt điện, nhìn từ bờ sông Hàn chạy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Mỹ, EU - giảm điện than ở mức kỷ lục
Mỹ sẽ có một năm giảm mạnh nhất về điện than. Sản lượng giảm 13,9% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Số nhà máy đóng cửa năm nay cũng ở mức kỷ lục. Dự kiến tổng cộng 57 nhà máy đóng cửa, tổng công suất 14 GW, khoảng 5,8% con số tổng. Năm 2018, lượng công suất bị đóng cửa là 15,5 GW (6%).
EU cũng chứng kiến mức giảm điện than chưa từng thấy là 19% trong nửa đầu năm, và dự báo sẽ lên tới 23% vào nửa sau.
Khoảng một nửa mức giảm đó là do tác động của nguồn điện gió, điện mặt trời mới. Nửa còn lại là do chuyển từ điện than sang điện khí.
Số nhà máy điện than đóng cửa năm nay ở Mỹ lên mức kỷ lục. Ảnh: Getty Images. |
Đồng thời, giá carbon trong hệ thống mua bán phát thải của EU đã lên 20 euro cho một tấn CO2, khiến giá điện than đắt hơn giá điện khí trong suốt năm 2019.
Nhưng điện than sẽ chuyển sang điện gió và điện mặt trời nhiều hơn là chuyển sang điện khí, vốn không có nhiều nhà máy mới xây dựng.
Tất cả nước Tây Âu chứng kiến các mức giảm ấn tượng - từ 22% của Đức đến 79% của Ireland, trong nửa đầu 2019.
Có những nước Tây Âu gần như không sản sinh điện than trong năm nay. Chẳng hạn, Ireland, Pháp và Anh chỉ có 2% điện than, Tây Ban Nha và Italy có 6%, trong nửa đầu 2019. Anh đóng cửa toàn bộ điện than trong hai tuần tháng 5 - lần đầu tiên kể từ Cách mạng Công nghiệp.
Mức giảm ở Đông Âu và Trung Âu nhỏ hơn, vì số nhà máy điện gió và mặt trời mới gần như bằng 0.
Đa dạng hóa năng lượng cũng ở mức ấn tượng ở Ấn Độ. Nhu cầu điện ở Ấn Độ tiếp tục giảm mạnh. Điện từ nguồn không phải than tăng khoảng 12% trong 9 tháng đầu năm, khiến điện than giảm mạnh.