"Xuất phát từ lập trường cam kết sâu sắc và kiên định đối với giá trị nhân đạo và công lý, chúng tôi khẳng định hoàn toàn đồng tình và ủng hộ quyền chính đáng của bà Trần Tố Nga được đưa vụ kiện của Bà với tư cách nạn nhân chất độc dioxine/da cam ra xét xử trước tòa án", Ủy ban Hòa bình TP.HCM và Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM cho biết trong thông cáo hôm 1/2.
Trước đó, vào ngày 25/1, sau nhiều năm đấu tranh, bà Trần Tố Nga (78 tuổi, người Pháp gốc Việt) đã được một tòa án tại Pháp chấp thuận xét xử vụ kiện chống lại 14 công ty hóa chất đa quốc gia.
Bà Nga cáo buộc các công ty nói trên đã gây ra tổn hại đau đớn cho bản thân và các con của bà vì bán chất độc da cam mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Cụ thể, bà Nga đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam, bao gồm Monsanto - công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức), và Dow Chemical. Phiên tòa diễn ra từ hôm 25/1 tại tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris.
"Bà Trần Tố Nga đã tuyên bố rõ ràng và dứt khoát rằng sự nghiệp này của bà cũng chính là vì quyền lợi của hàng triệu nạn nhân chất độc dioxine/da cam khác", hai tổ chức nói trên nhận định về phiên tòa đại hình tại Pháp hôm 25/1.
Hai tổ chức cũng đồng tình quan điểm rằng các nhà sản xuất chất độc dioxine/da cam không thể hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm đạo lý của họ trước nỗi đau kéo dài của vô số quân nhân và thường dân, không thể đơn thuần phủ nhận thực tế cáo buộc nặng nề đó.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Julien Falsimagne. |
Hai tổ chức này nhận định việc hợp tác quốc tế - kể cả giữa hai chính quyền Việt Nam và Mỹ - đã mang lại một phần tiến bộ trong việc giảm thiểu tác hại của chất độc dioxine/da cam đối với hệ sinh thái tại Việt Nam, cụ thể qua chương trình tẩy độc các điểm nóng tại một số căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng còn sự thiếu sự công nhận đầy đủ đối với hậu quả nhiều mặt và xuyên thế hệ của chất độc dioxine/da cam đối với con người, nhất là thường dân, ở Việt Nam.
"Mặt khác quá trình ứng xử và giảm thiểu hậu quả đó còn quá hạn hẹp và chậm chạp", thông cáo nói thêm.
Ngoài ra, "việc một tòa án Pháp mở phiên tòa xem xét đơn kiện của bà Trần Tố Nga mở ra một tiền lệ và nhắc nhở công luận rằng di sản khủng khiếp này của chiến tranh không thể lụi tàn và biến đi. Vấn đề này vẫn đánh thức lương tâm của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới", hai tổ chức trên tuyên bố.