HLV Mai Đức Chung (HLV 2 lần đưa đội tuyển nữ Việt Nam lên ngôi vô địch SEA Games) từng nhiều lần đề xuất các kế hoạch đẩy mạnh đào tạo trẻ ở bóng đá nữ lên VFF khi ông còn là Trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục thể dục thể thao nhưng không được lắng nghe. |
- Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội tuyển nữ Việt Nam, thưa ông?
- Tạm gác sang một bên chuyện Thái Lan nhỉnh hơn chúng ta, tôi thấy có 2 nguyên nhân chính đã khiến đội tuyển Việt Nam thất bại. Thứ nhất, tâm lý thi đấu của các cầu thủ bị căng cứng nên đã không thể hiện đúng khả năng của họ, nóng vội trong xử lý tình huống và không cho thấy sự thuần thục về mặt lối chơi.
Thứ hai, cách tiếp cận trận đấu của chúng ta có vấn đề. Tất nhiên, mỗi HLV có quan điểm khác nhau song nếu là mình tôi sẽ không lựa chọn lối đá chuyền dài, câu bổng như ngày hôm qua mà chọn lối chơi phối hợp ở cự ly ngắn và trung bình. Thực tế diễn biến của trận đấu đã cho thấy Thái Lan không gặp phải nhiều khó khăn để hóa giải lối chơi của đội tuyển Việt Nam.
Cách Thái Lan phòng ngự cũng chủ động hơn chúng ta rất nhiều, họ chấp nhận chơi nửa sân, pressing sân nhà chặt chẽ mỗi khi cầu thủ Việt Nam có bóng và tung ra những đợt phản công sắc bén. Trong khi đó, dấu ấn về chiến thuật trong lối chơi của chúng ta rõ ràng là rất nhạt nhòa.
Cầu thủ Thái Lan (phải) tiến bộ quá nhanh, trong khi Việt Nam có chiều hướng đi xuống. |
- HLV Trần Vân Phát để ngỏ khả năng thôi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về điều này?
- Nếu ở vào địa vị của HLV Trần Vân Phát, tôi cũng sẽ cân nhắc nghiêm túc về ý định đó. Bởi đấy là lòng tự trọng của bất cứ HLV nào.
- Nhưng có nên quy hết trách nhiệm cho HLV Trần Vân Phát?
- Tôi thấy bóng đá nữ của chúng ta sau chu kỳ thành công đang dần bước vào giai đoạn thoái trào. Bằng chứng là 2 năm liên tiếp đội tuyển Việt Nam đều thất bại trước Thái Lan trong những trận đấu buộc phải thắng. Đây là một quá trình tất yếu khi nhiều cầu thủ trụ cột của đội tuyển Việt Nam đã ở sườn bên kia sự nghiệp. Nên nếu không phải là HLV Trần Vân Phát mà là một cái tên khác dẫn dắt đội tuyển thì tôi e chúng ta cũng khó tránh được thất bại.
Hình ảnh yếu đuối và bất lực của đội trưởng Lê Thị Thương trước sức mạnh của dàn cầu thủ trẻ Thái Lan. |
- Bóng đá nữ Việt Nam phải rút ra bài học gì sau thất bại này, thưa ông?
- Hãy học theo người Thái! Tôi còn nhớ năm 2005, trong khuôn khổ của chương trình Funturo, tôi được sang Thái Lan đào tạo. Tại thời điểm ấy, bóng đá nữ Việt Nam đang giữ ngôi vị số 1 Đông Nam Á nhưng sang đến Thái Lan tôi thấy rất ấn tượng với cách họ đào tạo trẻ.
Họ có các tuyến từ 10-12 tuổi cho đến đội tuyển quốc gia được đào tạo rất bài bản và chuyên nghiệp. Dạo đó, tôi có trực tiếp thị phạm một vài buổi tập của đội U16 Thái Lan và nhớ rất rõ thủ môn của đội tuyển Thái Lan hiện nay cũng từng được đào tạo và trưởng thành từ các lứa mầm non ấy.
Đầu tư tốn kém để làm bóng đá trẻ nhưng Thái Lan không chạy đua theo thành tích. Họ chấp nhận hy sinh vài kỳ SEA Games để có một lứa cầu thủ mới tài năng hơn và hướng tới những mục tiêu dài hơi hơn. Nếu đối chiếu với cách làm của chúng ta, người Thái rõ ràng đã nhìn xa hơn và đi trước một nhịp.
Theo HLV Mai Đức Chung, bóng đá nữ Việt Nam cần làm lại chân đế trước khi để Thái Lan bứt quá xa. |
- Và bóng đá nữ Việt Nam cũng cần phải bắt đầu lại từ khâu gieo mầm?
- Không thể làm khác được nếu chúng ta muốn có một nền móng vững chắc! Theo tôi đây là vấn đề căn bản nhất để phát triển bóng đá nữ Việt Nam nhằm tìm kiếm những thành công trong tương lai. Các bạn có thể tự suy luận từ những gì các cầu thủ U19 nam Việt Nam đang làm được. Việc đẩy mạnh đào tạo bóng đá nữ trẻ phải được thực hiện xuyên suốt từ cấp CLB cho đến VFF.