Bài thơ Tiếng hát nảy mầm. Ảnh: Loigiai. |
Hiện nay, có nhiều luồng tranh luận xung quanh bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của nhà thơ Tô Hà, được in trong sách Tiếng Việt lớp 5 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Trên một fanpage, một bài viết đặt vấn đề về bài thơ, cho rằng ngôn ngữ trong bài thơ chứa những từ ghép lạ lẫm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Các ý kiến còn tập trung vào việc cho rằng từ ngữ và hình ảnh trong thơ khó hiểu. Bài viết thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Trước sự việc đó, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã lên tiếng bảo vệ bài thơ. Ông cho rằng đây là tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc khi giáo dục trẻ em về lớp học của người khiếm thính. Việc sử dụng các hình ảnh ẩn dụ như "hạt nảy mầm" là sự lựa chọn tinh tế của tác giả, nhằm mô tả hành động giảng dạy bằng cử chỉ của cô giáo, giúp học sinh khiếm thính tiếp thu tiếng Việt.
“Việc lựa chọn ngôn ngữ trong bài thơ hoàn toàn hợp lý và không có gì quá khó hiểu, nếu người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn và hiểu rõ về nghệ thuật thơ ca”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Nhà văn Thiên Sơn cũng có cùng quan điểm với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ông nhấn mạnh rằng thơ ca là một loại hình nghệ thuật phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén trong ngôn ngữ và tư duy cảm xúc. Những người không có hiểu biết sâu về thơ ca thường gặp khó khăn trong việc cảm nhận và đánh giá chính xác những tác phẩm có tính trừu tượng cao như bài thơ Tiếng hạt nảy mầm. Nhà văn cũng chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tranh cãi là do sự hời hợt trong cách đọc và tiếp cận văn bản, đặc biệt là từ phía một số giáo viên và phụ huynh.
Một vấn đề khác được nhà văn Thiên Sơn đề cập đến là sự thiếu thấu đáo trong việc hướng dẫn giáo viên tiếp cận tác phẩm thơ trong sách giáo khoa mới.
“Trong những sách giáo khoa cũ, tác giả, bối cảnh sáng tác và chủ đề của bài thơ thường được giải thích rõ ràng, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp thu và giải mã những thủ pháp nghệ thuật. Tuy nhiên, sách giáo khoa hiện nay thiếu các phần hướng dẫn này, dẫn đến việc nhiều giáo viên không nắm bắt được trọn vẹn thông điệp của bài thơ, gây ra những hiểu nhầm không đáng có”, nhà văn Thiên Sơn cho biết.
Ngoài ra, qua sự việc này, các nhà văn, nhà phê bình còn chỉ ra việc chỉ trích hay lên án một tác phẩm trên mạng xã hội là điều rất nhạy cảm. Nhiều người dù không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của tác phẩm vẫn vội vàng đưa ra những lời chê bôi. Một số bài đăng, bình luận được cho là chỉ nhằm mục đích câu view, thay vì đóng góp một cách tích cực vào việc giải quyết vấn đề. Việc khen chê tùy tiện, thiếu hiểu biết này đã trở thành một hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội, gây ra những tranh cãi không cần thiết và làm mất đi giá trị thực sự của những tác phẩm văn học như Tiếng hạt nảy mầm.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà phê bình cho rằng cần có sự chấn chỉnh lại cách tiếp cận và giảng dạy văn học trong nhà trường, đặc biệt là đối với thơ ca. Sự hướng dẫn rõ ràng từ sách giáo khoa và sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ phía giáo viên sẽ giúp học sinh tiếp cận những tác phẩm văn học có chiều sâu một cách dễ dàng hơn, đồng thời tránh được những hiểu lầm không đáng có trong việc cảm thụ nghệ thuật. Bài thơ của tác giả Tô Hà xứng đáng nhận được sự đánh giá công bằng và đúng đắn với những giá trị nhân văn sâu sắc.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.