CNBC đưa tin theo ông Luo Junjie - một quan chức thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc - hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc đang đối mặt với áp lực giảm “khá lớn” trong quý I/2022.
Theo ông Luo, nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ bởi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, tăng trưởng thương mại suy yếu, nhu cầu tiêu dùng lao dốc và các yếu tố khác. “Trên hết, những đợt bùng dịch Covid-19 ngày càng nhiều. Trong quý đầu tiên, nền kinh tế công nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực giảm khá lớn”, vị quan chức nhận định.
Kể từ cuối tháng 12, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra những quy định gắt gao để kiểm soát các đợt bùng phát dịch mới. Nhóm chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế 1,4 tỷ dân bị đè nặng bởi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, tăng trưởng thương mại suy yếu và nhu cầu tiêu dùng lao dốc. Ảnh: Reuters. |
Sức ép lớn
“Biến thể virus mới dễ lây lan hơn có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc không thể ra ngoài trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này sẽ kìm hãm chi tiêu đối với lĩnh vực dịch vụ”, báo cáo của Morgan Stanley nhận định.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã lao dốc trong quý IV/2021. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cảnh báo về “áp lực gấp ba” đối với tăng trưởng do nhu cầu suy yếu, cú sốc nguồn cung và triển vọng kinh tế mờ mịt.
Trong những tuần gần đây, các ổ dịch rải rác trên khắp đất nước đã khiến nhiều nhà máy sản xuất Trung Quốc phải đóng cửa. Hoạt động vận chuyển tại Ninh Ba - một trong những cảng biển lớn nhất Trung Quốc - bị gián đoạn, hoạt động của các nhà sản xuất chip máy tính ở Tây An đình trệ.
Nền kinh tế vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ bởi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu, tăng trưởng thương mại suy yếu, nhu cầu tiêu dùng lao dốc và các yếu tố khác
Ông Luo Junjie, một quan chức thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc
Bắc Kinh đã phong tỏa một số thành phố để ngăn ngừa dịch lây lan. Nhiều thành phố lân cận cũng đối mặt với các hạn chế. Chính quyền Thâm Quyến - trung tâm sản xuất và công nghệ của Trung Quốc - siết chặt hạn chế đối với những phương tiện di chuyển vào thành phố.
Các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn và hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. Người lao động thuộc những ngành này có thể phải sống bằng tiền tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn hơn.
Chi tiêu tiêu dùng chậm lại có thể kéo tụt nền kinh tế Trung Quốc. Theo ông Wang Jun - nhà kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank - nguyên nhân chính khiến Trung Quốc không thể duy trì tăng trưởng kinh tế là nhu cầu suy yếu. Ông Wang Jun nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với thu nhập của người lao động.
Để hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục hạ lãi suất. Hôm 20/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm từ 3,8% xuống 3,7%. Vào tháng 12, PBoC hạ lãi suất cho khoản vay một năm lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm cũng được hạ 5 điểm từ 5,64% xuống 4,6%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020 - thời điểm đợt bùng phát Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế.
PBoC vào cuộc
Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, PBoC đã giảm lãi suất của các khoản vay trung hạn từ 2,95% xuống 2,85%. Cơ quan này cũng bơm thanh khoản vào nền kinh tế bằng cách cung cấp 700 tỷ NDT (tương đương 110 tỷ USD) công cụ cho vay trung hạn, vượt quá 500 tỷ NDT nợ vay đến hạn, rót thêm 100 tỷ NDT với các hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày, vượt quá giá trị 10 tỷ USD đến hạn.
Theo Capital Economics, chính quyền Bắc Kinh hạ lãi suất nhằm giảm chi phí đi vay. "Điều này có thể giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở", nhà kinh tế Sheana Yue tại Capital Economics bình luận.
"Việc hỗ trợ có mục tiêu cho người mua bất động sản có thể hạn chế một trong những rủi ro suy giảm nghiêm trọng mà nền kinh tế phải đối mặt", vị chuyên gia nói thêm.
Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã được cải thiện phần nào, nhưng nguồn cung vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ông Ting Lu - Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc tại Nomura - cho rằng tác động của việc cắt giảm LPR "sẽ khá hạn chế". Bởi những khoản cắt giảm này khá nhỏ để tạo ra tác động đáng kể.
Theo ông Luo, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn sẽ eo hẹp trong một thời gian.
Theo dữ liệu được công bố hồi đầu tuần, sản lượng chất bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 33% vào năm 2021 so với một năm trước đó. Chỉ riêng trong tháng 12, sản lượng chip tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 29,9 tỷ đơn vị chip.
Sản lượng ôtô tháng 12 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ tháng 4.