Theo CNBC, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã một lần nữa cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu.
Cụ thể, hôm 20/1, ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm từ 3,8% xuống 3,7%. Vào tháng 12, PBoC hạ lãi suất cho khoản vay một năm lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Lãi suất cơ bản cho khoản vay năm năm cũng được hạ 5 điểm từ 5,64% xuống 4,6%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020 - thời điểm đợt bùng phát Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế.
PBoC liên tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang chao đảo. Ảnh: Reuters. |
Liên tục hạ lãi suất
Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.
Theo Capital Economics, chính quyền Bắc Kinh hạ lãi suất nhằm giảm chi phí đi vay. "Điều này có thể giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở", nhà kinh tế Sheana Yue tại Capital Economics bình luận.
"Việc hỗ trợ có mục tiêu cho người mua bất động sản có thể hạn chế một trong những rủi ro suy giảm nghiêm trọng mà nền kinh tế phải đối mặt", vị chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, ông Ting Lu - Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc tại Nomura - cho rằng tác động của việc cắt giảm LPR "sẽ khá hạn chế". Bởi những khoản cắt giảm này khá nhỏ để tạo ra tác động đáng kể.
Việc hỗ trợ có mục tiêu cho người mua bất động sản có thể hạn chế một trong những rủi ro suy giảm nghiêm trọng mà nền kinh tế phải đối mặt
Nhà kinh tế Sheana Yue tại Capital Economics
"Chúng không đủ khả năng để giải tỏa những nút thắt lớn", ông nhận định.
Trước đó, PBoC đã giảm lãi suất của các khoản vay trung hạn từ 2,95% xuống 2,85%. Ông Bruce Pang tại China Renaissance nhấn mạnh rằng việc PBoC liên tục hạ lãi suất sẽ giúp hỗ trợ thị trường bất động sản vốn đang chao đảo. Những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể hưởng lợi.
PBoC cũng bơm thanh khoản vào nền kinh tế bằng cách cung cấp 700 tỷ NDT (tương đương 110 tỷ USD) công cụ cho vay trung hạn, vượt quá 500 tỷ NDT nợ vay đến hạn, rót thêm 100 tỷ NDT với các hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày, vượt quá giá trị 10 tỷ USD đến hạn.
"Những khoản cắt giảm đã gửi đi tín hiệu tích cực. Chúng cho thấy rằng ngân hàng trung ương đang phản ứng nhanh hơn và tìm cách giảm bớt áp lực lên thị trường bất động sản, đồng thời thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và đầu tư", ông bình luận.
Các chính sách nới lỏng của PBoC được đưa ra khi nhu cầu vay để mua nhà vẫn yếu. Những khoản vay trung và dài hạn của các hộ gia đình chứng kiến mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc - bắt đầu từ China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn - đã khiến niềm tin của các khách mua nhà nước này suy yếu trầm trọng.
Nới lỏng chính sách
Tình trạng suy yếu của thị trường nhà ở tại đất nước 1,4 tỷ dân tiếp tục gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Các dữ liệu chính thức chỉ ra ngành bất động sản của Trung Quốc sụt giảm nhanh hơn trong quý IV/2021.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng trong lĩnh vực bất động sản giảm 2,9% trong quý IV/2021, sau khi lao dốc 1,6% vào quý III. Kể từ năm 2008, ngành công nghiệp chưa từng chứng kiến hai quý sụt giảm liên tiếp.
Ngành xây dựng cũng chứng kiến sản lượng sụt giảm 2,1% cùng kỳ. Theo tính toán của Bloomberg, hai lĩnh vực này chiếm 13,8% GDP vào năm 2021, thấp hơn mức 14,5% của năm 2020.
Đầu tư vào bất động sản trong tháng 12/2021 sụt giảm 14% so với một năm trước đó. Đầu tư cả năm 2021 tăng 4,4%.
Dữ liệu được công bố hôm 17/2 chỉ ra trong quý IV/2021, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng hơn một năm. Nền kinh tế thứ hai thế giới bị đè nặng bởi sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản và chi tiêu tiêu dùng suy yếu.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nới lỏng gọng kìm. Ảnh: Reuters. |
GDP tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi quý III, mức tăng là 4,9%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 12, nhưng doanh số bán lẻ chậm lại.
“Không thể thay đổi được thực tế rằng động lực chính của nền kinh tế trong 20 năm qua giờ sẽ trở thành lực cản đối với tăng trưởng, ít nhất là trong vài năm tới”, ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong Ltd - nhận định.
Việc PBoC cắt giảm lãi suất hôm 17/1 và 20/1 nằm ngoài các dự báo của giới quan sát. Động thái của giới chức Bắc Kinh cũng trái ngược với những ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Các ngân hàng trung ương như FED đang lên kế hoạch nâng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.