Công nhân sử dụng kính AR trong sản xuất tại nhà máy Airbus. Ảnh: Airbus. |
“Nhà máy thông minh” là thuật ngữ chỉ một cơ sở sản xuất hiện đại nơi hiệu suất được cải thiện bằng cách sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày nay, công nghệ thực tế tăng cường đã và đang thay đổi các xưởng sản xuất cũng như môi trường nhà máy, giúp biến nhà máy thông minh trở thành hiện thực.
Trong một nhà máy sử dụng công nghệ AR, các công nhân có được thông tin cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của mình qua những hình ảnh nằm trên vật thể thực. Những hình ảnh chồng lên vật thể thực cho phép người công nhân dễ dàng thu được những dữ liệu thiết yếu, chẳng hạn thông tin về các bộ phận máy móc, tình trạng hàng trong kho, bản vẽ lắp ráp, tình trạng hoạt động của nhà máy, thời gian sản xuất (thời gian kể từ lúc bắt đầu quy trình sản xuất cho đến khi hoàn thành). Công nhân sử dụng những thông tin này để giảm thiểu sai sót và ngăn chặn sự gián đoạn trong công việc. Nhờ vậy giúp cải thiện thời gian sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, công nghệ AR còn hiệu quả trong việc ngăn ngừa các tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc, giúp các nhà máy quản lý an toàn tốt hơn.
Hãy cùng xem xét ví dụ về một nhà máy chuyên sản xuất máy móc trong công nghiệp. Để hoàn thành một sản phẩm, nhiều công nhân phải làm việc cùng nhau để lắp ráp 2.000 bộ phận theo đúng trình tự dựa trên bản vẽ. Trong một phân xưởng truyền thống, các công nhân vừa sản xuất, vừa kiểm tra nội dung này trong các tập tài liệu hoặc tập tin trên máy tính. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ AR, các thông tin về bộ phận và bản vẽ sẽ tự động được cung cấp trong quá trình sản xuất thông qua kính AR của công nhân.
Ví dụ, một nhà máy lắp ráp máy bay sử dụng các quy trình sản xuất phức tạp có thể mất vài năm chỉ để đào tạo các kỹ sư làm việc tại dây chuyền lắp ráp. Nhưng bằng cách đưa công nghệ AR vào quy trình lắp ráp, người kỹ sư có thể kiểm tra thông tin liên quan đến các bộ phận và xác định được phương thức để lắp ráp các bộ phận đó trong thời gian thực.
Trong một quy trình sản xuất máy bay chiến đấu có sử dụng công nghệ AR, độ chính xác và tốc độ sản xuất đã được cải thiện lần lượt là 96% và 30%. Trên thực tế, hãng sản xuất máy bay Airbus đã sử dụng một hệ thống AR mang tên MiRA nhằm cung cấp cho các kỹ sư của mình tất cả thông tin về chiếc máy bay đang được sản xuất dưới dạng hình ảnh 3D. Nhờ sử dụng MiRA, Airbus đã giảm thời gian cần thiết để kiểm tra khung máy bay từ ba tuần xuống chỉ còn ba ngày. Boeing cũng đã áp dụng công nghệ AR và quy trình nối đường dây cho máy bay Boeing 747-8, từ đó cắt giảm được 25% thời gian sản xuất và tỉ lệ giảm lỗi xuống còn gần 0%.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp tương tự với quy trình bảo dưỡng và sửa chữa sản phẩm sau khi chúng đã được vận chuyển cho khách hàng. Bằng cách sử dụng một chiếc kính thông minh hay máy tính bảng, các kỹ sư đang làm việc trực tiếp với khách hàng có thể nhận được chỉ dẫn chính xác về bộ phận cần bảo dưỡng hoặc sửa chữa, cũng như nên sửa chữa bằng phương pháp nào và sử dụng những bộ phận nào.
Công nghệ này còn có thể được sử dụng nhằm giúp các kỹ sư giải quyết vấn đề mà không cần trực tiếp tới nơi có sản phẩm cần bảo trì. Khi thiết bị của một khách hàng ở xa gặp trục trặc, nhân viên sửa chữa sẽ dùng công nghệ AR để xác định vấn đề từ xa và cung cấp cho khách hàng một giải pháp khả thi mà không cần phải rời khỏi nhà hoặc văn phòng.