Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) vừa phát hành khảo sát hàng năm của các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khảo sát cho thấy nhiều đánh giá mang tính tích cực từ các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực con người và xuất khẩu.
Phạm vi cuộc khảo sát bao gồm 458 công ty đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó 286 là các hãng sản xuất, 172 còn lại thuộc lĩnh vực phi sản xuất. Trong số các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát tại Việt Nam, 240/458 thuộc nhóm doanh nghiệp lớn, còn lại đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Xét về mặt kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, 129 công ty tham gia khảo sát được thành lập từ năm 2011, 289 từ năm 2006 và 376 kể từ năm 2001.
Các con số từ cuộc khảo sát cho thấy Việt Nam được các công ty Nhật Bản đánh giá cao, vượt trội so với mức trung bình trong khu vực. Cụ thể, 80,6% số công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử máy móc lạc quan về lợi nhuận trong năm 2014, so với mức trung bình 64,5% toàn khu vực.
Vấn đề nhân sự
Thách thức trong việc tìm kiếm nhân công lành nghề đã được nhắc tới trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2014 như một "mấu chốt của công cuộc hiện đại hóa kinh tế Việt Nam". Báo cáo này cho thấy sự tồn tại khoảng cách giữa kỹ năng ở các vị trí quản lý, chuyên môn, kỹ thuật.
Mặc dù vậy, dưới 50% số công ty tham gia khảo sát của JETRO cho rằng chất lượng của người lao động Việt Nam là một vấn đề. 57,8% cho biết sẽ thúc đẩy việc thuê lao động địa phương, 59,5% có kế hoạch thuê nhân viên trong các năm tiếp theo.
Các vấn đề về nguồn nhân lực lớn nhất đối với người sử dụng lao ở Việt Nam liên quan tới việc tăng lương, với 74,4%, so với 70,2% ở Thái Lan, và 83,8% tại Indonesia. Tăng lương được coi là vấn đề nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực quản lý, chiếm hơn 80% của các vấn đề được lựa chọn phổ biến nhất tại Campuchia, Trung Quốc, và Indonesia.
Việt Nam được các công ty Nhật Bản đánh giá cao, vượt trội so với mức trung bình trong khu vực. Ảnh: Anh Tuấn |
Các công ty Nhật ngày càng đánh giá cao Việt Nam hơn Trung Quốc
Khảo sát của JETRO cũng cho thấy các công ty Nhật Bản ngày càng đánh giá cao Việt Nam hơn người láng giềng Trung Quốc. Kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1998, các doanh nghiệp có ý định mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc giảm 50%.
Trung Quốc (%) | Việt Nam(%) | |
Công ty quy mô lớn ước tính có lãi năm 2014 | 71,3 | 72,5 |
Công ty quy mô vừa/nhỏ ước tính có lãi năm 2014 | 50,9 | 51,4 |
Doanh nghiệp có ý định mở rộng quy mô trong thời gian từ 1-3 năm | 46,5 | 66,1 |
Doanh nghiệp có ý định thu nhỏ quy mô trong thời gian từ 1-3 năm | 6,5 | 1,3 |
Doanh nghiệp có ý định rút lui hoặc chuyển địa điểm sang một nước thứ 3 | 1 | 0,2 |
Hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản
Quan hệ song phương giữa hai nước được đánh giá là ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam đang tham gia "Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Đây là một nỗ lực để phát triển sáu ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm máy móc nông nghiệp, nông nghiệp và chế biến thủy sản, ô tô và các bộ phận, thiết bị điện tử, môi trường và tiết kiệm năng lượng và đóng tàu.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần phải thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn cao cho xuất khẩu. Kế hoạch này cũng có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe.