Quản lý tiền bạc là một kỹ năng cha mẹ nên dạy con từ khi còn nhỏ. Ảnh: M.L. |
Đến một thời điểm nhất định, trẻ sẽ phải đối mặt với trách nhiệm tài chính, ở một dạng thức cơ bản và sơ khai nhất: tiền tiêu vặt. Thường thì một đứa trẻ sẽ bắt đầu được nhận tiền tiêu vặt khi được năm, sáu tuổi.
Chúng ta cho trẻ tiền tiêu vặt để dạy chúng cách quản lý tiền bạc. Những đứa trẻ vật lộn để quản lý tiền bạc không chỉ có trách nhiệm với các khoản chi tiêu mà còn có trách nhiệm với mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Những nguyên tắc hữu ích sau sẽ giúp trẻ có những trải nghiệm thú vị hơn với tiền tiêu vặt:
- Trẻ không làm việc để nhận tiền tiêu vặt: Chúng ta không trả lương cho trẻ để chúng làm việc nhà, bởi việc này sẽ khiến trẻ mất đi ý thức tự giác và niềm vui được chia sẻ công việc nhà với cha mẹ. Chúng ta chỉ nên trả tiền để trẻ làm việc nhà khi chúng làm thay phần việc của cha mẹ.
- Đưa tiền tiêu vặt vào thời gian cố định trong tuần: Bạn có thể để tiền tiêu vặt và một tờ giấy ghi rõ mục đích của số tiền đó trong một phong bì có viết tên trẻ bên ngoài. Hãy ký tên vào cuối tờ giấy cùng dòng chữ “Hãy chi tiêu thật đúng cách và hợp lý. Cha mẹ yêu con”. Trẻ sẽ có ý thức giữ gìn phong bì đó cẩn thận.
- Không bao giờ ép trẻ tiết kiệm tiền tiêu vặt: Trẻ không thể học cách quản lý tài chính bằng việc cất tiền tiêu vặt trong hộp đựng giày phía sau tủ quần áo với mục tiêu tiết kiệm để có được khoản tiền lớn hơn.
Trẻ phải tự mình trải qua những khó khăn về kinh tế, lãng phí tiền bạc và rồi không còn một xu khi cần - để nhận thức được giá trị đồng tiền. Nhìn chung, mọi người chỉ học được cách tiết kiệm sau khi hiểu vì sao mình lại rỗng túi.
- Miễn là trẻ không dính dáng đến các hoạt động bất hợp pháp, hãy cho phép trẻ tiêu tiền, tiết kiệm tiền hoặc lãng phí tiền theo cách chúng muốn: Chúng có thể dùng tiền để thuê người khác làm phần việc nhà của mình, thậm chí thuê người trông trẻ nếu chúng không muốn đi đâu đó cùng gia đình. Nhưng có một quy tắc: hết là hết. Cha mẹ không cho con thêm tiền tiêu vặt cho tới lần tiếp theo.
Khi con tiêu sạch tiền và tìm tới chúng ta để xin thêm trước thời hạn nhận tiền tiêu vặt, chúng ta phải thật cứng rắn. Chắc chắn chúng ta sẽ cho chúng tiền, nhưng là vào ngày cho tiền tiêu vặt tuần sau. Ngay cả khi con cái cầu xin khẩn khoản, chúng ta vẫn phải thật cứng rắn và không cho chúng thêm tiền.
Hãy theo dõi xem bố của Jenna xử lý khủng hoảng giữa tuần của cô bé như thế nào:
Jenna: “Bố ơi, con muốn có thêm tiền tiêu vặt ạ.”
Bố: “Ừ, bố cũng có mong muốn giống con. Bố luôn muốn có nhiều tiền hơn trong phiếu trả lương của mình. Thế con định làm thế nào để có thêm tiền?”
Jenna: “Vâng, con đang xin tiền bố mà. Bố cho con thêm tiền tiêu vặt nhé?”
Bố: “À, bố sẽ rất vui khi đưa cho con tiền tiêu vặt vào thứ Bảy. Còn bây giờ, con có thể làm hộ phần việc nhà của ai đó để kiếm thêm tiền.”
Jenna : “Nhưng con cần ngay bây giờ cơ!”
Bố: “Con gái ạ, bố biết là con đang cần. Nhưng đừng lo. Con sẽ có thêm tiền vào thứ Bảy.”
Jenna: “Thật bất công!”
Bố: “Đúng thế, và con sẽ có thêm tiền vào thứ Bảy.”
Jenna: “Các bạn con không bị như vậy vì các bạn ấy được cha mẹ yêu quý và cho thêm tiền.”
Bố: “Bố cũng nghĩ đó là sự thật, và con sẽ có thêm tiền vào thứ Bảy.”
Nếu Jenna cứ tiếp tục đòi, bố cô bé có thể kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu: “Nếu bố cũng vòi vĩnh như vậy với sếp của bố, con đoán xem ông ấy sẽ nghĩ gì? Ông ấy sẽ trả lương bố thấp hơn, đúng không? Thế nên hãy cố gắng để xử lý vấn đề này đi, Jenna ạ. Gặp lại con sau nhé.”
Bình luận