Thế chiến I (1914-1918): Thế chiến I kết thúc giai đoạn kinh tế thế giới bùng nổ và đẩy hàng loạt quốc gia vào suy thoái. Mỹ trầy trật suốt 6 tháng với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 11,7%. Sau đó, nước này hồi phục mạnh mẽ dù chính phủ không có hành động can thiệp nào. GDP bình quân đầu người tăng đột biến từ 6.460 USD lên 8.016 USD. Ảnh: Wiki Commons. |
Trong khi đó, Anh chứng kiến tốc độ hồi phục chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp của Anh có lúc lên tới 10% và không hồi phục trong suốt cả thập kỷ sau đó. Đức cũng hứng chịu hậu quả tàn khốc do chi phí bồi thường lên tới 269 tỷ USD cho phe đồng minh theo Hiệp ước Versailles. Chính phủ in thêm tiền dẫn đến tình trạng siêu lạm phát. Ảnh: Getty. |
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918: Cái tên dịch bệnh không nói lên nguồn gốc của nó. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn tranh cãi về nơi xuất phát mầm bệnh đã lây cho 2/5 dân số toàn cầu và giết chết từ 20-50 triệu người khi đó. Thời điểm bùng phát là vào cuối Thế chiến I. Ảnh: Getty. |
Mỹ là một trong những nước chịu tác động nặng nề từ đại dịch cúm. Chỉ sau 10 ngày dịch xuất hiện tại Philadelphia, đã có tới 748 người chết. Tuy nhiên, thành phố St. Louis thực hiện nghiêm lệnh cách ly ngay khi có ca bệnh xuất hiện, do đó chỉ có 358 người tử vong trên 100.000 ca. Ảnh: Getty. |
Dịch cúm Tây Ban Nha chủ yếu tấn công vào người độ tuổi 15-40, nghĩa là lực lượng lao động chính. Do đó, các doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề về nhân lực. Khu vực châu Á và châu Phi lao đao do mật độ dân số đông trong khi điều kiện chăm sóc sức khỏe công cộng cực kỳ hạn chế. Ấn Độ chứng kiến tỷ lệ tử vong lên tới 5% và gánh chịu tác động kinh tế kép: tăng trưởng GDP lao xuống mức thấp nhất trong lịch sử (-10,5%), lạm phát vọt lên mức cao chưa từng thấp. Ảnh: Getty. |
Thời kỳ Đại suy thoái (1929-1939): Cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong thế kỷ trước bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929. Sau một thập kỷ thịnh vượng ở Mỹ, làn sóng đổ tiền tiết kiệm vào cổ phiếu khiến thị trường tài chính tăng trưởng nóng. Ảnh: Getty. |
Trong thời kỳ ác mộng này, Mỹ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao 25%, giá nhà lao dốc 2/3 và tốc độ tăng trưởng giảm 10%. Năm 1929, chứng khoán tăng trưởng quá nóng, vượt xa giá trị thực. Bong bóng vỡ khiến giới đầu tư điên cuồng bán tháo. Giá cổ phiếu lao dốc hơn 50% từ tháng 9-11/1929, hơn 30 tỷ USD bay hơi khỏi thị trường. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Kinh tế Mỹ hồi phục chậm chạp. Chính sách thúc đẩy chi tiêu của Tổng thống Mỹ Franklin đã giúp cải thiện nền kinh tế trong các năm 1934-1937. Làn sóng thanh niên gia nhập tham gia Thế chiến II cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nước giảm mạnh. Anh cũng chịu ảnh hưởng khi xuất khẩu giảm 50%, công nghiệp đình đốn. Ảnh: Getty |
Thế chiến II (1939-1945): Thế chiến II kết thúc là giai đoạn bùng nổ kinh tế ở nhiều quốc gia. Đức thậm chí còn chứng kiến tốc độ phát triển nhanh như một “phép màu”. Từ một nền kinh tế gần như bị xóa sổ bởi chiến tranh, Đức vươn lên để trở thành một trong các cường quốc kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty. |
Ludwig Erhard, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội Đức được coi là có vai trò đáng kể trong quá trình đó. Ông phát minh ra đồng mark vào năm 1948, mở ra một thời kỳ lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế bùng nổ. Ludwig Erhard loại bỏ quy định giá trần với hàng hóa, xóa sổ thị trường chợ đen. Năm 1958, sản xuất công nghiệp của Đức tăng 4 lần so với một thập kỷ trước đó. Ảnh: BY-SA 30. |
Mỹ cũng chứng kiến sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau chiến tranh. Giai đoạn 1940-1950, tổng GNP của Mỹ đã tăng vọt từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD. Sự hồi sinh của ngành sản xuất nội địa khiến Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Năm 1944, dự luật GI dẫn đến sự bùng nổ thị trường nhà ở và hệ thống trường đại học miễn phí, nâng cao trình độ lực lượng lao động nước này. Ảnh: Getty |
Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973: Cuộc khủng hoảng dầu được kích hoạt khi OPEC ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ từ tháng 10/1973 để trả đũa các nước phương Tây hỗ trợ Israel trong chiến tranh ở Trung Đông. Loạt quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề là Mỹ, Anh, Hà Lan, Canada, Nhật Bản… Khủng hoảng này kéo theo cuộc suy thoái của phần lớn thế giới phương Tây vào giai đoạn 1973-1975. Ảnh: Shutterstock. |
Thị trường dầu hỗn loạn, giá dầu ở Mỹ tăng gấp 4 lần từ 2,90 USD, lên tới 11,65 USD/thùng vào cuối tháng 1/1974. Dầu khan hiếm và giá cả leo thang, chính phủ Mỹ ứng phó bằng quy định hạn chế tốc độ, giảm đi lại và phân phối lại dầu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường sản xuất trong nước và đẩy mạnh nguồn nhiên liệu thay thế. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Anh vốn đang vật lộn với khủng hoảng lương thực và giá cả tăng cao. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đẩy lạm phát nước này tăng vọt lên 24%. Suốt thập niên 1970, tốc độ tăng trưởng của Anh chỉ bằng một nửa của Đức và Pháp. Ảnh: Getty. |
Khủng hoảng dầu mỏ cuối thập niên 1980: Năm 1979, thế giới tiếp tục chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran. Giá dầu thô nhảy vọt từ 15,85 USD lên gần 40 USD/thùng trong vòng 12 tháng. Hậu quả là giá cả leo thang, tăng trưởng kinh tế chậm lại suốt nhiều tháng sau đó ở Mỹ. Ảnh: Shutterstock. |
Mỹ bắt đầu điều tiết việc phân phối dầu và các quốc gia tích cực tìm nguồn năng lượng thay thế. Sự phát triển công nghiệp mới tại các quốc gia dẫn đến sự sụt giảm trong cầu dầu trên toàn cầu, tình trạng dư cung khiến giá dầu lao dốc. Các nước OPEC như Kuwait buộc phải cắt giảm sản lượng từ gần 2 triệu thùng/ngày xuống còn 600.000 thùng/ngày. Ảnh: Getty. |
Khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2009): Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ và kéo dài nhất trong lịch sử bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ vào năm 2007. Hàng loạt chỉ số thị trường lao dốc, Dow Jones bay hơi hơn 50% giá trị trong giai đoạn 2007-2009. Ảnh: Shutterstock. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama tung ra gói kích thích trị giá 787 tỷ USD vào tháng 2/2009, bao gồm cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, nền kinh tế hồi phục với tốc độ cực kỳ chậm chạp sau khủng hoảng khi các ngân hàng giải ngân thận trọng hơn. Ảnh: Getty. |
Từ tháng 4/2008, Anh bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng của khủng hoảng và rơi vào suy thoái trong 5 quý liên tiếp. GDP nước này lao dốc hơn 6% và mất tới 5 năm để hồi phục ngang quy mô trước đó. Mãi đến năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp nước này mới quay trở lại mức trước khủng hoảng, tới năm 2018 tiền lương thực tế mới vượt qua được mức năm 2008. Ảnh: Getty. |
Đức được coi là một mô hình mẫu mực về khả năng hồi sinh kinh tế từ suy thoái. So với các nước trong khu vực đồng euro, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ khi đồng tiền suy yếu hơn, hàng hóa Đức trở nên cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chính phủ tập trung vào giải pháp giảm giờ làm thay vì sa thải công nhân để giảm tỷ lệ thất nghiệp. Ảnh: Getty. |
Ngoài Đức, các quốc gia EU đều hứng chịu tác động suy thoái nghiêm trọng và kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha và Hy Lạp vượt qua ngưỡng 50%. Thâm hụt ngân sách Hy Lạp cao hơn 15% trong năm 2009, kích ngòi sự sụp đổ của thị trường trái phiếu. Nước này phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng khắt khe, đồng thời nhận gói cứu trợ hơn 315 tỷ USD từ EU. Đến năm 2018, quy mô kinh tế nước này vẫn chỉ tương đương 25% so với trước giai đoạn suy thoái. Ảnh: Getty. |