Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các loài vật đặc trưng không còn, sông Dương Tử sắp chết?

Cá heo baiji, cá mái chèo, cá heo không vây, cá tầm - những loài vật đặc trưng của sông Dương Tử đã và đang dần biến mất, khiến nhiều người lo ngại về tương lai của dòng sông này.

Theo truyền thuyết, một nàng công chúa Trung Quốc chuẩn bị được gả cho một người đàn ông mà nàng không hề có cảm xúc. Vì dám cãi lại lời cha và không đồng ý với cuộc hôn nhân sắp đặt này, nàng bị nhà vua đẩy xuống sông Dương Tử.

Nhưng vị thần sông, vì cảm thương nàng công chúa, đã cho nàng tái sinh thành một con cá heo. Và trong cả thiên niên kỷ, loài cá trong truyền thuyết này đã được người dân gọi là nữ thần sông Dương Tử.

Ca heo khong vay song Duong Tu anh 1

Cá heo sông Dương Tử (baiji) được chính thức tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2006, mặc dù có một lần người dân tuyên bố nhìn thấy chúng vào năm 2016 nhưng không có bằng chứng ảnh. Ảnh: AFP.

Khi nữ thần biến mất

Mặc dù vậy, chỉ trong vòng 4 thập kỷ qua, nữ thần đã biến mất. Trung Quốc trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ngư dân tăng cường đánh bắt cá khiến nữ thần không còn thức ăn, tàu thuyền qua lại đông đúc khiến nữ thần bị thương khi bơi trên mặt nước, và nữ thần cũng nhiều lần mắc vào lưới đánh cá.

Cuối cùng, những chất thải công nghiệp đổ ra sông đã định đoạt số phận của nữ thần. Cá heo sông Dương Tử chính thức được tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2006, trở thành loại cá heo đầu tiên trên thế giới tuyệt chủng do hoạt động của con người.

Tiền lệ khủng khiếp này cũng xảy ra với những loại cá khác, trong đó có cá mái chèo khổng lồ Trung Quốc - một trong những loại cá nước ngọt lớn nhất thế giới, vốn được tuyên bố tuyệt chủng hồi đầu năm nay.

Cá tầm sông Dương Tử cũng đang trên bờ vực biến mất. Nhưng điều kỳ diệu là loài cá heo không vây - loài vật chị em ít nổi tiếng hơn của cá heo sông Dương Tử - vẫn sống sót. Ít nhất là cho đến bây giờ.

Cá heo không vây sông Dương Tử được người dân địa phương gọi là "heo sông", và ở trạng thái tự nhiên miệng của chúng như đang mỉm cười với tất cả mọi thứ.

Năm 1991, Trung Quốc ước tính có khoảng 2.500 cá thể đang sống ở lưu vực sông Dương Tử, nhưng tới nay số lượng chỉ còn khoảng 1.000 con - ít hơn quần thể gấu trúc Trung Quốc.

Cá heo không vây đang cực kỳ nguy cấp, và nếu không có sự can thiệp trực tiếp từ chính phủ, rất có thể loài vật có vú cuối cùng trên sông Dương Tử cũng sẽ chịu chung số phận với nữ thần của dòng sông.

"Nếu cá heo không vây tuyệt chủng, chúng ta đã thất bại trong việc cứu lấy sông Dương Tử", người đứng đầu bộ phận bảo tồn nước của WWF ở Trung Quốc, ông Ren Wenwei, nhận định.

Từ khởi nguồn ở cao nguyên Tây Tạng băng giá, sông Dương Tử chạy dài 6.300 km và đổ ra biển Hoa Đông ở Thượng Hải. Con sông kết nối các địa phương ở phía nam Trung Quốc, kết nối các nền văn hoá khác nhau và là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Lưu vực sông rộng 1,8 triệu km2, cung cấp nước, thực phẩm và giao thông cho khoảng một phần ba dân số Trung Quốc. 40% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đến từ khu vực này.

Điều này cũng khiến cho con sông bị can thiệp quá mức. Nhiều đoạn sông được đào sâu và mở rộng, bờ sông được kè để phục vụ tàu thuyền neo đậu. Nhưng theo ông Wang Hong Zhu, nhà nghiên cứu thuỷ sinh ở Học viện Khoa học Trung Quốc, những loại vật như cá heo không vây thường sống ở khu vực nước nông và ngoằn ngoèo. Rất ít loài có thể tồn tại ở khu vực nước sâu và thẳng.

Ca heo khong vay song Duong Tu anh 2

Một cá heo không vây xuất hiện trên đoạn sông Dương Tử qua thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hồi tháng 8 năm ngoái. Ước tính chỉ còn khoảng 1.000 cá thể loài này trong tự nhiên. Ảnh: Reuters.

Các cầu cảng, đường bộ và cầu cũng đang được xây dựng để kết nối 2 đầu của sông Dương Tử với phần còn lại của thế giới, như một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là đang có sự gia tăng lớn về lưu lượng giao thông trên sông, trong khi nó vốn đã phải nhận khoảng 35 tỷ tấn nước thải mỗi năm.

Đập Tam Hiệp, đập thuỷ điện lớn nhất thế giới ở phía thượng nguồn sông, cũng làm thay đổi vận tốc và dòng chảy tự nhiên của sông Dương Tử, cũng như số lượng trầm tích đổ về hạ nguồn, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các loại cá trên sông.

Cam kết bảo tồn và những khó khăn

Trong một cuộc thảo luận cấp cao về tương lai của sông Dương Tử vào tháng 1/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng việc bảo vệ môi trường - chứ không phải là tăng trưởng kinh tế - sẽ là trọng tâm cho kế hoạch phát triển khu vực sông.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thương mại 10 năm trên sông Dương Tử và tất cả các phụ lưu của nó, bao gồm cả các hồ chứa, để bảo vệ đời sống thuỷ sinh.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng lệnh cấm sẽ giúp cho một số loại cá phổ biến trên sông, vốn có vai trò quan trọng với ngành thuỷ sản địa phương, được hồi phục số lượng vì chúng thường đạt tuổi sinh sản sau khoảng 3 đến 5 năm.

Ở vùng hạ lưu sông Dương Tử là một khu vực tập trung các công ty tài chính, công nghệ cao và công nghiệp, đóng góp tới 10% GDP đất nước. Hơn 400 trong số các công ty thuộc danh sách Fortune 500 có chi nhánh ở đây.

Ngành công nghiệp dệt may, nhuộm vải, nước giải khát, đường, trái cây và bao bì, rồi đến các nhà máy lắp ráp điện thoại di động - những ngành chuyên tiêu thụ và xả ra những chất hoá học độc hại, đều tập trung tại đây.

Nhưng trong khi các tập đoàn lớn này thường bị đổ lỗi cho sự huỷ hoại của hệ sinh thái sông Dương Tử, tiềm lực tài chính cũng giúp họ trở thành một nguồn vốn quan trọng của các dự án bảo tồn.

WWF cho biết ngành dệt may trung bình sử dụng tới 2.700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo phông. Làm việc với các đối tác như thương hiệu thời trang nhanh Thuỵ Điển H&M, WWF khuyến khích và giúp đỡ các công ty này trong việc sử dụng nguồn nước một cách "có trách nhiệm".

Nhưng chiến trường quan trọng nhất cho tương lai của sông Dương Tử là khúc giữa của sông, nơi mong muốn phát triển kinh tế đụng độ với ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, trong một cuộc tranh luận về cách Trung Quốc sẽ quản lý tài nguyên thiên nhiên như thế nào.

Trong nhiều thập kỷ, các ngành công nghiệp, xây dựng và hoá chất đã gây thiệt hại nặng nề tới lưu vực sông Dương Tử xung quanh thành phố Vũ Hán.

"Đây là nơi mà ngành nông nghiệp và công nghiệp trực tiếp tác động vào tự nhiên", ông Juang Yong, giám đốc phụ trách đa dạng sinh học của chương trình bảo tồn sông Dương Tử của WWF, nhận định. Khu vực xung quanh Vũ Hán cũng là nơi mà người ta nhìn thấy những con cá heo không vây cuối cùng còn sót lại trong tự nhiên.

Có lẽ không nơi nào thể hiện sự xung đột này rõ hơn là hồ Động Đình của tỉnh Hồ Nam - một hồ thuộc lưu vực lũ của sông Dương Tử, được kết nối và nuôi dưỡng bởi nguồn nước của dòng sông từ nhiều nhánh.

Ca heo khong vay song Duong Tu anh 3

Những núi cát được khai thác từ hồ Động Đình tại tỉnh Hồ Nam, nơi tập trung nhiều cá heo không vây trên sông Dương Tử. Ảnh: South China Morning Post.

Đây cũng là thắng cảnh nổi tiếng thu hút khách du lịch, và là nơi tạm trú của hàng triệu con chim di cư. Các công trình dẫn nước phục vụ nông nghiệp để nuôi sống hàng trăm triệu người ở khu vực đã làm giảm kích thước của hồ nước từng lớn nhất Trung Quốc trước đây, xuống chỉ còn một phần ba diện tích trước đây.

Ngày nay, rất khó để phát hiện một con cá heo không vây trên hồ, nhưng đập ngay vào mắt mọi người là những con tàu nạo vét khổng lồ, các xà lan hút cát từ đáy sông, cũng như những tàu đánh cá cỡ lớn và nhiều công trình ở bờ sông.

Hầu hết cát khai thác ở đây sẽ được vận chuyển hơn 965 km xuống hạ lưu sông Dương Tử cho nhu cầu xây dựng ở các thành phố như Thương Hại. Cát để làm bê tông, để làm kính và để làm nhựa đường cho cao tốc.

Tương lai nào cho loài vật có vú cuối cùng trên sông?

Nhưng cát cũng là một phần tất yếu của hệ sinh thái sông mà những con cá heo không vây phụ thuộc vào đó để sống. Cá heo không vây cũng sử dụng cảm nhận về sóng âm để định hướng và săn mồi, và khả năng hoa tiêu của chúng sẽ bị nhiễu nếu có nhiều tàu đi lại trên sông.

Ông Zhang Xiniao, người quản lý chương trình bảo vệ loài của WWF ở Trung Quốc, cho biết những con cá heo bị mất phương hướng nếu có quá nhiều phương tiện giao thông đường thuỷ.

"Cảm biến nhận diện sóng âm của chúng bị quá tải bởi tất cả những con tàu, và chúng sẽ trở nên kiệt sức khi phải bơi tới rồi lui để thoát khỏi", ông Zhang giải thích. Khi mệt mỏi và bối rối, giống như những con baiji, chúng sẽ dễ va chạm với chân vịt của tàu thuỷ và bị tổn thương.

Cách hồ Động Đình không xa là một khu bảo tồn đặc biệt dành cho những con cá heo không vây, một cơ sở thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Tianezhou Oxbow của tỉnh Hồ Bắc. Hồ nước nhỏ hơn ở khu bảo tồn này khiến việc giám sát nó trở nên dễ hơn, và thông qua một hệ thống cửa cống, dòng nước ô nhiễm chảy vào hồ có thể được kiểm soát.

5 con cá heo không vây được mang tới khu bảo tồn này vào năm 1990, và hiện tại quần thể của chúng đang phát triển mạnh, với gần 80 cá thể, trong khi sức chứa tối đa của khu bảo tồn chỉ là 100 con.

Ông Ding Zeliang, 50 tuổi, từng là một ngư dân nhưng giờ đã trở thành nhân viên chăm sóc cho cá heo ở khu bảo tồn. Khi bắt đầu làm việc vào năm 2008, nhiệm vụ đầu tiên của ông là chăm sóc cho một con cá heo không vây cái có tên là E-E. Một con đực có tên Tian Tian được đưa đến trung tâm vào năm 2011, và sau đó E-E sinh thành công một con non vào đầu năm 2006.

Ca heo khong vay song Duong Tu anh 4

Ông Ding Zeliang bên cạnh một bộ xương của cá mái chèo Trung Quốc - loài vật có thể dài tới 3 mét và là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Chúng được tuyên bố tuyệt chủng đầu năm nay. Ảnh: South China Morning Post.

Khi con cá heo con ra đời, ông Ding cho biết mình đã chăm sóc cho hai mẹ con xuyên đêm, thậm chú ngủ trên một cái chòi ở bờ hồ để được ở gần chúng.

"Tôi quan tâm đến những con cá heo hơn cả cháu nội của mình", ông Ding nói.

Mặc dù việc bảo tồn cá heo không vây trong trung tâm đang cho thấy kết quả tích cực, các chuyên gia cho rằng để đảm bảo số lượng của chúng trong tự nhiên, chúng cần phải trở về và có thể tồn tại được ở sông Dương Tử.

"Chúng ta không thể bảo tồn chúng nếu chỉ nuôi chúng ở các khu vực được bảo vệ", ông Ren từ WWF nhận định.

Giải cứu cá heo trắng bị mắc cạn Vụ việc xảy ra ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 3/5. Cảnh sát giải cứu cá heo trắng bị mắc cạn. Sau 7 giờ, con cá heo trắng đã được đưa về lại vùng nước sâu.

Cá kiếm sông Dương Tử được cho là đã tuyệt chủng

Một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới (con trưởng thành có thể dài tới 7 mét) được cho là đã tuyệt chủng do đánh bắt quá mức và sự xuất hiện của đập Tam Hiệp.

TQ cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử 10 năm để bảo vệ hệ sinh thái

Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thương mại trong 10 năm trên sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á, trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.

Sơn Trần

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm