Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo là sự thể hiện giá trị dưới dạng điện tử mà giá trị này có thể giao dịch, mua bán, trao đổi bằng phương thức điện tử và có chức năng trung gian trao đổi, thước đo giá trị và tích luỹ giá trị, nhưng không được công nhận là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào.
Tiền ảo không được phát hành và đảm bảo bởi bất kỳ quốc gia và thực hiện các chức năng trên chỉ bằng thoả thuận trong nhóm cộng đồng người sử dụng tiền ảo.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đồng tiền ảo nổi tiếng nhất - Bitcoin - có thể trở thành công cụ cho tội phạm rửa tiền, buôn ma túy... |
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền ảo có khả năng chuyển đổi có thể phân thành hai loại tiền là tiền ảo tập trung và tiền ảo phi tập trung, tiền ảo tập trung là đồng tiền có một tổ chức kiểm soát, quản lý duy nhất, tức là có bên thứ ba kiểm soát hệ thống tiền ảo đó.
Tổ chức này phát hành tiền ảo, thiết lập các quy định sử dụng tiền ảo, duy trì một sổ cái ghi chép giao dịch trung tâm và có quyền thu hồi lại tiền ảo.
Tỷ lệ quy đổi của tiền ảo loại này có thể dao động tuỳ theo cung, cầu đối với đồng tiền ảo đó hoặc được tổ chức quản lý hệ thống gắn chặt với một giá trị cố định quy theo tiền pháp định hoặc vật lưu trữ giá trị thực tế như vàng… Hiện nay, phần lớn các giao dịch tiền ảo đều liên quan tới loại tiền ảo tập trung này như E-gold (đã ngừng hoạt động), Liberty Reserve gắn với USD/Euro (đã ngừng hoạt động).
Đáng chú ý, Bitcoin là đồng tiền ảo nổi tiếng nhất nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp…
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, có thể coi là trái pháp luật.