Theo tạp chí Newsweek, nữ phóng viên của tờ này, cô Leah McGrath Goodman, đã tìm thấy và gặp mặt “cha đẻ” tiền ảo Bitcoin, ông Satoshi Nakamoto sau suốt 2 tháng tìm hiểu và điều tra.
Được biết, ông Satoshi Nakamoto đang sống ẩn mình trong một căn nhà trên sườn đồi ở thành phố Temple, phía Nam California. Satoshi Nakamoto năm nay 64 tuổi, là người Mỹ gốc Nhật. Ông đã từng tốt nghiệp chuyên ngành vật lý tại Đại học Bách khoa bang California, Mỹ.
Cái tên Satoshi Nakamoto lần đầu tiên xuất hiện trong một nghiên cứu năm 2008, viết về đồng tiền điện tử Bitcoin. Tác giả đã đưa ra một kế hoạch cho một "hệ thống thanh toán điện tử dựa trên mật mã, thay vì tin tưởng lẫn nhau". Nhưng hầu hết mọi người khi đó cho rằng, Satoshi Nakamoto là bí danh của một người hay một nhóm người nào đó, chứ không nghĩ có người tên như vậy. Suốt nhiều năm, "tỷ phú ẩn dật" trên khá kín tiếng, để lại rất ít manh mối khiến giới chuyên gia và truyền thông rất khó tìm ra.
Ông Satoshi Nakamoto. |
Được biết, Satoshi Nakamoto đã rất tích cực trong việc phát triển phần mềm mã nguồn mở Bitcoin. Nhưng vào cuối năm 2010, có lẽ do nhận thấy thu thập đã đủ để "tồn tại" nên ông bắt đầu rút lui, mờ dần trong cộng đồng tiền ảo.
Thời điểm ẩn danh của Satoshi Nakamoto cũng là lúc ông kiếm gần 500 triệu USD mỗi ngày, bằng việc thực hiện các tính toán mật mã phức tạp khai thác từ Bitcoins.
Điều cuối mà mọi người được biết về ông là vào tháng 4/2011, khi ông gửi qua email để đóng góp cho Bitcoin và thông báo ông đã chuyển sang lĩnh vực khác.
Tại thời điểm nữ phóng viên của tờ Newsweek phỏng vấn và có sự làm chứng của hai sĩ quan cảnh sát, ông Satoshi Nakamoto đã khẳng định: “Hệ thống đã được chuyển sang cho những người khác, và tôi không còn chút liên hệ nào”.
Mặc dù luôn tò mò, kiếm tìm không ngừng nghỉ vị tỷ phú này, nhưng khi danh tính của cha đẻ Bitcoin được công khai chính thức, cộng đồng Bitcoin tỏ ra tức giận. Họ cho rằng, việc cố gắng tìm ra danh tính thực sự của người sáng lập là trái với sứ mệnh của đồng tiền ảo. Danh tính bị lộ cũng có thể khiến Nakatomo gặp nhiều nguy hiểm.
Tại Phần Lan, Na Uy, Bitcoin không đủ tiêu chuẩn làm tiền tệ, hoặc thậm chí cũng không được dùng để thanh toán điện tử.
Trung Quốc, Thái Lan là những nước cấm lưu hành Bitcoin. Bitcoin cũng không được chấp nhận tại Việt Nam.
Anh hiện đánh thuế 20% lên việc mua bán Bitcoin, do lo ngại nó có thể được dùng để rửa tiền và trốn thuế.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc sẽ thiết lập các quy định đối với hoạt động giao dịch Bitcoin, định nghĩa Bitcoin không phải một đồng tiền nhưng là một loại hàng hóa, giống như vàng.