Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các kịch bản kết nối đường sắt đô thị với mạng lưới xe buýt Hà Nội

Hà Nội sẽ giảm số lượng các tuyến buýt có lộ trình trùng với trục đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tăng kết nối tại các ga đầu, cuối tránh hiện tượng trùng tuyến.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình UBND TP Phương án kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông), trong đó đề xuất 3 kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt khi tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động.

kich ban duong sat do thi gap su co anh 1
Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ miễn phí vé trong 15 ngày đầu tuyến đường sắt 2A đi vào hoạt động. Ảnh: Việt Linh.

Miễn phí vé 15 ngày đầu

Theo đó, kịch bản thứ nhất, 15 ngày đầu chạy miễn phí: Các tuyến buýt được giữ nguyên như hiện nay để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian tuyến đường sắt chạy miễn phí.

Kịch bản thứ 2: Sau 15 ngày chạy miễn phí, Hà Nội sẽ điều chỉnh có lộ trình 4 tuyến buýt (số 02, 21, 27, 33), tăng số tuyến kết nối tại các ga đầu, cuối; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A.

Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh các tuyến buýt nhằm giảm hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt dọc tuyến đường sắt đô thị, xem xét chỉ giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa tới các khu vực xa trung tâm.

"Các tuyến buýt phải được bố trí hợp lý để đảm bảo thuận lợi cho hành khách sử dụng các tuyến xe buýt khi chuyển tuyến, không để hành khách phải chuyển tuyến quá 1 lần trong hành trình", Sở GTVT Hà Nội nêu trong văn bản.

kich ban duong sat do thi gap su co anh 2
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự kiến khi đưa vào hoạt động, tuyến đường sắt 2A sẽ thu hút từ 15-20% lượng hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang. Ảnh: Việt Linh.

Kịch bản đối phó khi xảy ra sự cố

Ở kịch bản thứ 3, Sở GTVT Hà Nội đưa ra tình huống, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng trong 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Đối với tình huống này, Hà Nội sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2; đồng thời tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga.

Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong thời gian sau 3 tháng đưa vào vận hành khai thác thương mại, Hà Nội sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu (chạy dọc trục Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở về đến Yên Nghĩa).

Việc điều chỉnh tuyến tuân thủ nguyên tắc 3 lượt xe chạy lại lộ trình cũ (tuyến dọc) và 1 lượt xe chạy theo lộ trình mới (tuyến ngang) để tăng cường giải tỏa hành khách cho đến khi đoàn tàu hoạt động trở lại bình thường.

Ngoài ra, tùy thuộc vào từng trường hợp, Hà Nội sẽ tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga.

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội đề nghị bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A. Sau điều chỉnh, toàn tuyến sẽ có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt 2A là 50 tuyến (tăng 7 tuyến).

Năng lực tối đa 10.000 người/giờ/hướng

Theo Sở GTVT, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị 2A là rất lớn với gần 10.000 người/giờ/hướng. Khi tuyến đi vào hoạt động có thể vận chuyển toàn bộ lượng hành khách đang sử dụng xe buýt hiện nay và đồng thời vẫn đảm bảo khả năng thu hút thêm hành khách từ các loại hình phương tiện khác chuyển sang.

Với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải khách công cộng tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ Bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở) tăng từ 3-4 lần so với hiện nay đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.

Trong thời gian đầu, Sở GTVT Hà Nội dự báo khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị 2A, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.

Lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh một trong những hạn chế của xe buýt hiện nay là tốc độ khai thác phương tiện thấp do phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp dẫn tới thời gian chuyến đi của hành khách lớn.

Tuy nhiên, khi tuyến đường sắt đô thị 2A đi vào hoạt động, với hệ thống đường riêng biệt, tốc độ khai thác cao, thời gian chuyến đi của hành khách giảm xuống.

Trường hợp hành khách đi bằng đường sắt 2A (không chuyển tuyến), thời gian chuyến đi giảm khoảng 50%; trường hợp hành khách đi đường sắt 2A và chuyển tuyến đi xe buýt, thời gian chuyến đi dự kiến giảm từ 30-40%.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).

Tuy nhiên, vì bị chậm tiến độ nên đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3-6 tháng.

kich ban duong sat do thi gap su co anh 3
Lộ trình tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) trong tổng thể hệ thống metro dự kiến của Hà Nội. Ảnh: Hanoi Metro.



Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm