Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các khu công nghiệp Trung Quốc vật vã níu chân công ty nước ngoài

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung buộc hàng loạt công ty nước ngoài "tháo chạy" khỏi Trung Quốc. Nhiều khu công nghiệp tại quốc gia tỷ dân đang tìm mọi cách cản trở làn sóng này.

Theo South China Morning Post, hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được cảm nhận một cách rõ rệt tại Khu công nghiệp (KCN) Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. 

Đây là một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suốt gần 30 năm qua. Có diện tích rộng gấp năm lần Manhattan (New York, Mỹ), KCN Tô Châu cực kỳ thành công trong việc thu hút các tập đoàn nước ngoài nhờ nguồn lao động giá rẻ dồi dào và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Ngay trong 10 năm đầu phát triển, KCN Tô Châu đã thu hút hàng loạt công ty đa quốc gia tên tuổi như Microsoft, Siemens, Honeywell hay Panasonic, giúp quy mô nền kinh tế thành phố Tô Châu tăng gấp đôi. Kể từ năm 1994, KCN Tô Châu thu hút 31,27 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến cuối năm 2019, KCN này đóng góp khoảng 800 tỷ NDT (112,8 tỷ USD) tiền thuế. 

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Khu công nghiệp Tô Châu thu hút hơn 5.000 công ty nước ngoài. Ảnh: Handout.

Quyết liệt níu kéo

Trong nửa đầu năm 2019, KCN Tô Châu chiếm 14% tổng sản lượng nền kinh tế thành phố. Tuy nhiên, “ngôi nhà” của hơn 5.000 doanh nghiệp nước ngoài đang bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình trạng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt. 

Trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của KCN Tô Châu sụt giảm tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của hải quan Trung Quốc. Đây là mức sụt rất đáng kể đối với một khu công nghiệp được xây dựng để phục vụ các hoạt động ngoại thương. Nhập khẩu cũng tụt dốc 15%. 

KCN Tô Châu đang đối mặt với nguy cơ doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi đây và đến với các quốc gia khác ở Đông Nam Á để tránh thuế trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và chính quyền địa phương đang tìm đủ mọi cách để níu chân các tập đoàn đa quốc gia. 

SCMP cho biết hồi tháng 8, các quan chức Sở Thương mại Giang Tô đã đến KCN Tô Châu để thăm hỏi một số doanh nghiệp nước ngoài đang "nhấp nhổm" và lo lắng vì chiến tranh thương mại. 

Một trong số đó là nhà sản xuất bao bì SIG Combibloc của Thụy Sĩ. Công ty này đã mất 8% đơn hàng xuất khẩu do chiến tranh thương mại. SIG cũng có rất nhiều khách hàng lớn tại Trung Quốc và cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mức thuế 10% chính quyền Bắc Kinh đánh lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 2
KCN Tô Châu được thành lập từ năm 1994. Ảnh: CSSIPDC

Chính quyền địa phương giữ chân SIG bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi thuế. Đại diện SIG cho biết công ty này phải nhập khẩu nhiều máy móc sản xuất đắt tiền và được miễn thuế 10%. "Ví dụ, nếu nhập khẩu số máy móc trị giá 1 tỷ NDT (141,9 triệu USD), chúng tôi sẽ tiết kiệm được 100 triệu NDT", Giám đốc truyền thông SIG Chen Minhua cho biết. 

Giám đốc SIG Sha Haitao mô tả chính phủ các nước Đông Nam Á cũng đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài. Một đối thủ lớn của SIG đã thành lập nhà máy tại Việt Nam. Dù vậy, trước mắt các chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương vẫn giữ chân được SIG ở KCN Tô Châu. 

Bảo vệ "con bò sữa"

Níu giữ các doanh nghiệp nước ngoài là vấn đề sống còn đối với KCN Tô Châu. Các công ty nước ngoài chiếm 60-70% nhập khẩu và xuất khẩu ở Tô Châu. Tại KCN Tô Châu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng nhập khẩu nguyên liệu thô và máy móc quan trọng.

Chuyên gia Liu Zhibiao thuộc Đại học Nam Kinh cho biết do thương mại sụt giảm, tăng trưởng GDP của Tô Châu giảm xuống 6% trong nửa đầu năm 2019, thấp hơn mức bình quân 6,5% của tỉnh Giang Tô.

Tuy nhiên, chuyên gia Liu Zhibiao cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách thuế của Tổng thống Trump. Theo ông, Giang Tô nói riêng và Trung Quốc nói chung đang đánh mất dần những lợi thế như lao động và quỹ đất giá rẻ.

"Từ vài năm qua, số lượng công ty nước ngoài đến Giang Tô đã giảm sút dù quy mô đầu tư có tăng. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giờ chủ yếu nhắm vào thị trường trong nước, chứ không chú trọng đến xuất khẩu như trước đây", chuyên gia Liu phân tích.

Giới quan sát nhận định những thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế "công xưởng toàn cầu" của Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động ở nước này buộc phải chuyển hướng sang thị trường trong nước.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 3
Các khu công nghiệp Trung Quốc đang đánh mất lợi thế nhân công và quỹ đất giá rẻ. Ảnh: Xinhua.

Ví dụ Automation Techonologies, hãng sản xuất phụ tùng xe hơi Đức ở KCN Tô Châu, từng xuất khẩu 30% tổng sản phẩm. Tỷ lệ này đã giảm xuống 10%. Tuy nhiên hãng vẫn quyết định bám trụ tại đây vì được ưu đãi mua đất. 

Trong khi đó, Samsung Electronics Suzhou Semiconductor lập tức chuyển dây chuyền sản xuất bán dẫn xuất khẩu sang Mỹ qua nước khác. Khách hàng Mỹ lớn nhất của hãng chính là Apple. Samsung Electronics Suzhou Semiconductor giữ cơ sở sản xuất sản phẩm bán cho Huawei tại KCN Tô Châu. 

Theo chính quyền địa phương, KCN Tô Châu chính là "con bò sữa" cần được bảo vệ. Không may mắn như KCN Tô Châu, KCN Côn Sơn gần đó cũng đối mặt với làn sóng "di cư" của các công ty điện tử Đài Loan, đối tác cung cấp thiết bị quan trọng của Apple.

Khác với Tô Châu, Côn Sơn đang rơi vào tình trạng hoang vắng. Trả lời SCMP, nhiều công nhân ở KCN Côn Sơn tỏ ra rất lo ngại về tương lai. "Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi vẫn có thể tìm được việc làm tại các nhà máy của Trung Quốc. Nhưng sẽ rất khó để tìm được việc tại các doanh nghiệp nước ngoài”, một công nhân thừa nhận.

Kinh tế Trung Quốc đau nhức toàn thân vì thương chiến

Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc cũng phải thừa nhận rất khó duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "đau nhức khắp người".

 

An Chi

Bạn có thể quan tâm