Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các hãng hàng không Việt mua sắm máy bay ra sao năm 2017?

Dù đã có nhiều đơn đặt hàng mua máy bay giá trị lớn trong những năm qua, các hãng hàng không Việt vẫn mạnh tay mua sắm trong năm 2017.

Theo số liệu từ Planespotter, tính tới tháng 12/2017, các hãng hàng không Việt Nam đang vận hành khoảng hơn 160 tàu bay các loại. Trong đó, đội bay lớn nhất thuộc về Vietnam Airlines với 86 chiếc, xếp sau là Vietjet Air với 49 chiếc và Jetstar Pacific với 19 chiếc.

Trong năm 2017, hàng không Việt tiếp tục mạnh tay mua sắm thêm nhiều máy bay mới để phục vụ nhu cầu phát triển.

Máy bay tầm trung của Airbus vẫn đắt hàng

Với các hãng hàng không tại Việt Nam, những chiếc A320 hay A321 vẫn là sự lựa chọn ưa thích.

Theo số liệu từ Planespotter, đây là 2 loại máy bay phổ biến nhất tại Việt Nam. Các hãng hàng không tại Việt Nam sở hữu tổng cộng 124 chiếc A320 và A321, chiếm tỷ trọng khoảng 77% lượng máy bay đang vận hành tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng do đã sử dụng chủ yếu hai loại máy bay này nên các hãng trong nước vẫn duy trì mua thêm để tạo sự đồng bộ, thuận lợi cho việc bảo trì cũng như vận hành.

hang khong viet mua may bay moi 2017 anh 1

Cụ thể, hồi tháng 7/2017, Vietjet Air đã đạt được một vài thỏa thuận tài chính để có nguồn lực mua thêm khoảng 7 chiếc A321 từ Airbus. Hãng đã vay hơn 800 triệu USD từ hai đơn vị nước ngoài để phục vụ hai thương vụ, một thương vụ mua 3 chiếc và một thương vụ mua 4 chiếc A321.

Trong năm 2017, hãng cũng đã nhận về khoảng 10 chiếc A321 từ các hợp đồng ký trước đó, giúp phát triển đội bay để khai thác thị trường trong nước. Hiện hãng hàng không bikini sở hữu 12 máy bay, thuê 37 chiếc, tuổi thọ trung bình máy bay khoảng 3 năm, trong đó những chiếc hãng sở hữu đều rất mới, chỉ mới vận hành vài tháng.

Không mua thêm chiếc nào trong năm 2017, nhưng lần đầu tiên Jetstar Pacific có sở hữu máy bay nhờ việc Airbus bàn giao đơn đặt hàng trước đó, ký kết vào tháng 6/2016. Nhờ số máy bay A320 mới mà tuổi thọ máy bay trung bình của đội bay của hãng này đã giảm đáng kể.

hang khong viet mua may bay moi 2017 anh 2

Hiện Jetstar Pacific sở hữu 6 trên tổng số 19 máy bay hãng đang vận hành, tuổi thọ trung bình của đội bay là 5 năm.

Năm trước đó, hãng vận hành 14 máy bay A320-200 nhưng chưa sở hữu chiếc máy bay nào. Số liệu từ Planespoter cho thấy trong số máy bay đi thuê của hãng này có những chiếc rất cũ, tuổi đời đã lên tới hơn 12 năm.

Airbus cũng là đối tác quan trọng trong kế hoạch mua sắm máy bay mới của Vietnam Airlines. Hãng mua thêm 10 chiếc A350-XWB trong năm 2017 từ Airbus, bên cạnh 8 máy bay B787-9 từ Boeing. Tổng giá trị của các hợp đồng này ước tính vào khoảng 2.111,8 tỷ đồng, chiếm 72% tổng kinh phí đầu tư của Vietnam Airlines trong năm 2017.

Khác với những hãng bay giá rẻ khác như Vietjet Air hay Jetstar Pacific, hãng hàng không chưa cất cánh là Bamboo Airways do tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đỡ đầu lại lựa chọn Boeing để đàm phán mua những chiếc máy bay đầu tiên.

Cuối tháng 6/2017, FLC đã đàm phán với Boeing để mua 15 máy bay cho Bamboo Airways. Số máy bay này dự kiến bao gồm 10 máy bay 737 Max 9 và 5 máy bay 777X. Nếu không có gì thay đổi, Bamboo Airways sẽ nhận dần 15 chiếc máy bay này từ năm 2018 đến 2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2017, vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc Bamboo Airways sẽ được cấp phép.

Chi mạnh mua động cơ máy bay

Không chỉ mua máy bay mới, các hãng bay Việt còn mở rộng mua thêm cả động cơ máy bay. Đầu tháng 11/2017, hai hãng là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã mạnh tay chi tổng cộng hơn 2 tỷ USD để mua động cơ máy bay từ tập đoàn Pratt & Whitney (Mỹ).

hang khong viet mua may bay moi 2017 anh 3
A320 và A321 vẫn là những loại máy bay phổ biến nhất tại thị trường hàng không Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, Vietjet Air chi 600 triệu USD để trang bị động cơ PurePower Geared Turbofan cho 10 máy bay mới của hãng.

Vietnam Airlines cũng ký hợp đồng trang bị động cơ cho 20 máy bay Airbus A321neo trị giá hơn 1,5 tỷ USD.

Các hợp đồng mua máy bay trong năm 2017 của các hãng bay Việt đã chuyển nhiều về nhu cầu sử dụng thực tế thay vì những hợp đồng mua hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay để vận hành nghiệp vụ "sale and leaseback" như những năm trước.

3 đại gia hàng không 'ngã ngựa' trong năm 2017

Cạnh tranh khốc liệt với các hãng giá rẻ, cộng thêm tình trạng khủng bố gia tăng tại châu Âu khiến nhiều đại gia hàng không phải phá sản trong năm 2017.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm