Theo CNBC, thông thường, trong những báo cáo hàng quý với nhà đầu tư, các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba và Tencent sẽ trình bày về những cải tiến và ra mắt các dòng sản phẩm mới.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi từ quý II năm nay. Trái ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư, hai ông lớn công nghệ trên đã đưa ra thông báo cắt giảm chi phí hoạt động.
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã công bố mức tăng trưởng không đổi trong quý II năm 2022. Tập đoàn giải trí, truyền thông Tencent cũng thông báo mức doanh thu hàng quý sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Các tập đoàn công nghệ đang cố gắng cắt giảm chi phí hoạt động. Ảnh: Kuang Da. |
Việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc không đạt doanh thu như kỳ vọng bắt nguồn từ ảnh hưởng kinh tế do Covid-19. Ngoài ra, việc chính quyền thắt chặt các quy định về chống độc quyền cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các tập đoàn.
“Trong quý II, chúng tôi đã chủ động loại bỏ các hoạt động kinh doanh không quan trọng, thắt chặt việc chi tiêu cho marketing cũng như cắt giảm chi phí vận hành. Điều này giúp chúng tôi tăng nguồn thu bất chấp hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn”, ông Ma Huateng, CEO của Tencent, chia sẻ.
Việc cắt giảm chi phí hoạt động đã giúp lợi nhuận của Tencent tăng 10% so với quý trước, phần lợi nhuận này không bao gồm một số khoản mục không dùng tiền mặt và các giao dịch mua bán, sáp nhập.
Ông Martin Lau, Chủ tịch Tencent, cho biết tập đoàn đã loại bỏ các hoạt động kinh doanh không chủ chốt như giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử và livestream game. Chi phí bán hàng và marketing của tập đoàn cũng giảm 21% so với quý II năm ngoái. Ngoài ra, số lượng nhân viên cũng đã sụt giảm 5.000 người so với quý đầu tiên.
Trong quý II, chúng tôi đã chủ động loại bỏ các hoạt động kinh doanh không quan trọng, thắt chặt việc chi tiêu cho marketing cũng như cắt giảm chi phí vận hành
Ông Ma Huateng, CEO của Tencent
Ông Toby Xu, Giám đốc tài chính của Alibaba, cho biết công ty sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tối ưu hóa và kiểm soát chi phí cho đến hết năm. Ngoài ra, Alibaba cũng đã “giảm thiểu khoản lỗ” trong một số hoạt động kinh doanh mang tính chiến lược của mình.
“Để có thể tăng lợi nhuận trở lại, việc tối ưu hóa chi phí là chưa đủ. Họ cần phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới”, Winston Ma, trợ giảng giáo sư luật tại Đại học New York, nhận định tình hình.
Alibaba hiện tập trung vào việc thúc đẩy các lĩnh vực có “tiềm năng dài hạn” như điện toán đám mây và thương mại điện tử tại nước ngoài. Theo báo cáo doanh thu quý II, điện toán đám mây đang là ngành có sức phát triển nhanh nhất tại Alibaba.
Trong khi đó, Tencent đang chú tâm tới nguồn thu quảng cáo thông qua tính năng video ngắn trên Wechat, ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc do Tencent phát triển. Qua đó, tập đoàn sẽ thu được một nguồn doanh thu “đáng kể” trong tương lai.
Các nhà phân tích cấp cao tại công ty Morningstar cho rằng Alibaba sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực có “tiềm năng dài hạn” như điện toán đám mây và thương mại điện tử ở nước ngoài.
Còn đối với Tencent, phân tích viên tại Morningstar nhận định tập đoàn này đã “thực hiện tốt việc cân bằng các khoản đầu tư dài hạn và lợi nhuận ngắn hạn”.