Ngày nay, nếu bạn muốn bảo vệ tài sản của mình đơn giản chỉ việc liên hệ với các công ty bảo hiểm. Đó cũng là điều FIFA đã làm với chương trình bảo vệ đội tuyển, chính thức có hiệu lực lần đầu tiên tại kỳ World Cup 2014.
Tháng 6/2012, tổng thư ký liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, Jérôme Valcke, tuyên bố: "Theo chương trình này, các câu lạc bộ sẽ được bồi thường ở một mức độ nhất định, nếu cầu thủ của họ bị thương khi thi đấu đại diện cho quốc gia tại các trận quốc tế giai đoạn 1/9/2012 – 31/12/2014".
Thực ra đây giống như hợp đồng bảo hiểm. Theo ước tính của công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới Lloyd's tại London, dưới đây là tổng giá trị bảo hiểm của mỗi đội bóng tham dự World Cup 2014.
Như vậy, theo Lloyd’s, tổng giá trị bảo hiểm cho các cầu thủ tham gia thi đấu ở Brazil trong kỳ World Cup năm nay là khoảng hơn 6,2 tỷ bảng Anh, tương đương 10,577 tỷ USD. Đây là khoản tiền khổng lồ, và dù với môn thể thao vua thì việc thanh toán số tiền bảo hiểm này cũng khá “chật vật”. Số tiền này thậm chí còn nhiều hơn phần thưởng dành cho tất cả các câu lạc bộ tham gia cúp C1 (Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu) trong 8 mùa giải.
Liệu với chính sách bảo hiểm này của FIFA, các câu lạc bộ thực sự chẳng còn gì phải lo lắng? Thực tế là, trong phát biểu của tổng thư ký Jérôme Valcke, cụm “ở một mức độ nhất định” có sức nặng hơn cụm từ trước đó (“sẽ được bồi thường”). Bởi vì có nhiều giới hạn về việc chi trả bảo hiểm cho mỗi cầu thủ. Theo các điều khoản và điều kiện của chương trình bảo vệ câu lạc bộ, “mỗi cầu thủ sẽ được bồi thường tối đa là 7,5 triệu bảng Anh cho một tai nạn, và mức bồi thường tối đa mỗi ngày không vượt quá 20.548 bảng Anh cho một tai nạn”.
Trong khi đó, Lionel Messi đã phải nghỉ đá suốt 12 tháng vì chấn thương, thậm chí cả khi giao đấu với Nigeria, vết thương ấy vẫn đang hành hạ anh. Câu lạc bộ Barcelona trả cho Messi 16 triệu bảng Anh trong vòng một năm, tương đương khoảng 43.835 bảng Anh mỗi ngày. Trong khi đó câu lạc bộ này chỉ nhận lại 7,5 triệu bảng từ công ty bảo hiểm của FIFA.
Để tránh trường hợp nợ nần, chương trình bảo vệ câu lạc bộ cũng nêu rõ: “Việc bồi thường sẽ chấm dứt khi khả năng thanh toán tối đa cho mỗi tai nạn của cầu thủ bị cạn kiệt”.
Giả sử chấn thương gân kheo mức 3 của Messi khiến anh phải ngừng thi đấu trong 6 tháng, khi ấy Barcelona sẽ phải trả cho anh ít nhất 8 triệu bảng Anh. Nhưng họ có thể sẽ chẳng nhận lại được đồng nào do quy định về “trường hợp ngoại trừ” trong chính sách của FIFA. Nếu các bác sỹ của đội tuyển quốc gia và Barcelona không trình lên FIFA những tài liệu cần thiết, như bản chụp cắt lớp vi tính CT, MRI và các báo cáo chứng minh rằng chấn thương lúc trước đó của Messi đã hoàn toàn bình phục khi được chẩn đoán vết thương mới, rất có khả năng Barcelona sẽ chẳng nhận được đồng nào.Một điều khoản nữa là: “Sẽ không có bất cứ khoản bồi thường nào cho việc ốm đau, bao gồm cả nhồi máu cơ tim”. Và những chấn thương dẫn đến việc các cầu thủ phải giải nghệ sớm cũng không được bồi thường.
Bởi vậy nếu từ giờ đến hết mùa World Cup, nếu Messi, Cristiano Ronaldo, hay bất cứ cầu thủ nào khác với giá trị thị trường tương đối cao bị chấn thương khiến họ mãi mãi không thể thi đấu, thì chính câu lạc bộ của họ là đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường chứ không phải công ty bảo hiểm của FIFA.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tiền đạo Mesut Ozil của Arsenal bị gãy chân, giống như Eduardo da Silva's khiến giá trị chuyển nhượng giảm xuống một nửa? Công ty bảo hiểm của FIFA có lẽ sẽ thanh toán một khoản nhất định trong quá trình anh hồi phục, nhưng những ảnh hưởng của chấn thương đối với giá trị chuyển nhượng và khả năng thi đấu của Arsenal thì chẳng hề được đoái hoài tới.
Ozil được trả 42,5 triệu bảng Anh mỗi năm. Một chấn thương nghiêm trọng khi đá dưới màu áo đội tuyển Đức khiến anh không thể thi đấu hết khả năng của mình cho Arsenal suốt 9 tháng trong mùa giải 2014-2015. Câu lạc bộ này buộc phải mua lại hoặc chí ít là mượn tạm một cầu thủ khác để lấp vị trí của Ozil. Đến khi quay trở lại với sân cỏ, rõ ràng chấn thương khiến anh không thể hiện tốt được như lúc trước.
Một năm sau đó, anh được chuyển nhượng lại với cái giá “bèo bọt” khoảng vài triệu bảng để tiếp tục đá trong các giải đấu hạng thấp hơn. Khi ấy, công ty bảo hiểm của FIFA trả cho Arsenal 3,75 triệu bảng Anh. Nghe có vẻ giống như việc đứa bạn thân ngỏ lời mượn bạn chiếc siêu xe Bugatti để lượn lờ quanh Brazil cả tháng trời và dặn dò: “Không việc gì phải lo lắng bởi bảo hiểm sẽ thanh toán đầy đủ…nếu chiếc đài trong xe bị mất”.
Trong những kỳ World Cup trước, đây có lẽ không phải là vấn đề quá lớn, nhưng Lloyds chỉ ra rằng, kinh tế học nghiên cứu về kinh doanh bóng đá hiện đại đã thay đổi chóng mặt. Trái bóng lăn trên sân của World Cup 2014 có thể sẽ khiến cho những tài sản trị giá hàng tỷ USD bị mất mát nếu không được bảo vệ cẩn thận.
Công bằng với FIFA mà nói, thì chương trình bảo vệ câu lạc bộ cũng khá giống những chính sách bảo hiểm áp dụng cho các đội bóng hàng đầu. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thay đổi. Tới đây, các công ty bảo hiểm sẵn sàng bảo vệ giá trị tài sản của các cầu thủ, dù họ chơi cho câu lạc bộ của mình hay đảm đương vai trò quốc tế.
Chắc chắn các câu lạc bộ luôn muốn có chính sách để đảm bảo được bồi thường thỏa đáng cho những mất mát về doanh thu xuất phát từ chấn thương của các cầu thủ. Họ cần một chính sách mà theo đó, dù cầu thủ bị thương từ những trận đấu trước làm ảnh hưởng đến chất lượng của trận đấu hiện tại, thì vẫn được bồi thường. Thêm nữa, những tai nạn khiến các cầu thủ phải giã từ sân cỏ, hay những cơn nhồi máu cơ tim khi thi đấu cũng cần được bảo hiểm để mắt tới.