Sau sự việc bé trai ở Hưng Yên bị đàn chó hung dữ cắn tử vong, nhiều người đặt câu hỏi về hoạt động của mô hình bắt giữ chó thả rông trên địa bàn các thành phố lớn. Sau một thời gian hoạt động, mô hình hiện chỉ còn duy trì ở một số quận, huyện.
Chỉ còn một số quận, huyện
Theo đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình bắt chó thả rông, không rọ mõm. Mô hình đi vào hoạt động từ năm 2008 – 2009. Sau 10 năm triển khai, đội bắt chó của thành phố đã không còn trực tiếp thực hiện công việc này.
Trả lời VTV, ông Dương Thanh Đa, đại diện Chi cục Thú y TP.HCM cho biết Chi cục đã không còn nhận nhiệm vụ triển khai các đội săn bắt chó thả rông. Thay vào đó, đơn vị này đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án, thi hành quyết định hành chính và hỗ trợ chuyển giao mô hình bắt chó thả rông cho các quận, huyện.
"Đội săn bắt chó thả rông của Chi cục đã không còn hoạt động, mô hình hiện được chuyển về cho các quận, huyện triển khai", ông Đa cho biết.
Tuy nhiên, chỉ có một số phường trên địa bàn Quận 1 đang duy trì hoạt động của các đội săn bắt. Còn lại, hầu hết địa phương khác đều chưa thể thành lập, triển khai mô hình.
TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố có các địa phương thành lập đội săn bắt chó thả rông. Tuy nhiên đến nay, mô hình chỉ còn được một số phường triển khai. Ảnh: Lê Trai. |
Ngân quỹ hạn hẹp
Trong khi đó, đội săn bắt chó thả rông ở Hà Nội vẫn đang hoạt động trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Trao đổi với Zing.vn, bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Thanh Xuân, cho biết sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, mô hình đang được thực hiện với tần suất 1-2 lần/tháng.
“Dù nhận được phản hồi tích cực từ người dân, mô hình không thể hoạt động đều đặn vì ngân quỹ không cho phép”, bà Hương cho biết.
Việc thực hiện mô hình còn gặp nhiều khó khăn khi ngân sách tại các địa phương không nhiều, không đủ hỗ trợ trang thiết bị đầy đủ cho đội săn bắt.
Trong thời gian nuôi nhốt để chờ chủ đến đón về, địa phương cũng gặp những bất cập trong việc chăm sóc con vật. Phường không có nơi nhốt, giữ chó chuyên dụng mà chủ yếu cho vào lồng, rọ nên khó đảm bảo điều kiện sống, đặc biệt với chó cảnh.
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, Trạm Thú y địa phương phải tập trung toàn bộ nguồn lực cho việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Do đó, ngân sách và nhân lực chưa đủ để nhân rộng mô hình săn bắt chó thả rông trên toàn quận.
Dự kiến trong tháng 5, quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục giao nhiệm vụ triển khai mô hình cho 5 phường trên địa bàn, bao gồm: Nhân Chính, Hạ Đình, Thượng Đình, Kim Giang và Khương Trung.
Đội bắt chó thả rông tại Hà Nội. Ảnh: Trần Anh |
Trước đó, tháng 11/2018, Quận Thanh Xuân (Hà Nội) triển khai thí điểm mô hình săn bắt chó thả rông. Chó lang thang, không rọ mõm, không có chủ đi cùng ở những nơi công cộng sẽ bị bắt và mang về phường. Sau 48 tiếng, nếu không có chủ đến nhận và nộp phạt, chúng sẽ bị tiêu hủy.
Bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm thú y quận Thanh Xuân, cho biết chó bị bắt chủ yếu là chó cảnh, đắt tiền. Sau khi bị bắt, chủ nhân thường đến nộp phạt ngay lập tức, mức phạt 600.000 - 800.000 đồng. Với những chú chó chưa được kiểm dịch, chủ nhân bắt buộc phải tiêm phòng dại cho chó mới được đưa về.
Sau khi mô hình đi vào hoạt động, số chó thả rông trên địa bàn đã giảm đáng kể. Từ tháng 11/2018 đến nay, Trạm Thú y quận chưa ghi nhận trường hợp người bị chó thả rông cắn.