Hội thảo “Mô hình quản trị sáng tạo thành công trên thế giới - Bài học cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Quản trị kinh doanh tổ chức.
Giáo sư tiến sĩ Wim chia sẻ tại hội thảo. |
Tại buổi chia sẻ, giáo sư Vanhaverbek cho rằng các doanh nghiệp đang chuyển dần sang chiến lược “sáng tạo mở”. Trước những năm 90, "sáng tạo đóng" được coi là thiên đường của các doanh nghiệp quy mô lớn ở phương Tây. Gần đây, các doanh nghiệp đang chuyển dần sang chiến lược “sáng tạo mở”.
Ông lý giải: Sáng tạo mở là doanh nghiệp chỉ đảm nhiệm một phần của quá trình sáng tạo, phần còn lại được thực hiện bởi các đối tác bên ngoài; có sự phối hợp của các nguồn lực bên trong và bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, “sáng tạo đóng” là hình thức sáng tạo truyền thống, chủ yếu được tiến hành trong nội bộ doanh nghiệp, mọi hoạt động từ nghiên cứu đến đưa ra sản phẩm đều do doanh nghiệp tiến hành.
Sáng tạo mở - mô hình tạo nên sự thảnh công cho một số doanh nghiệp trên thế giới. |
Theo giáo sư, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ở Việt Nam, không có vốn mạo hiểm để hiện thực hóa những ý tưởng hay, họ cần áp dụng mô hình “sáng tạo mở” để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc biến ý tưởng thành sản phẩm trên thị trường.
Ông cho biết, có 3 lý do để các doanh nghiệp cần phải chuyển sang "sáng tạo mở: Thứ nhất, để có thể sáng tạo ra một sản phẩm mới cần có sự kết hợp các tri thức, năng lực khác nhau chứ không chỉ nằm trong doanh nghiệp đó. Thứ hai là tốc độ - nếu một doanh nghiệp tự xây dựng những năng lực công nghệ để tự nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm thì có thể mất vài năm, trong thời gian đó, rất có thể các doanh nghiệp khác đã kịp đưa ra nhiều sản phẩm mới khiến cho sản phẩm của bạn trở nên lỗi thời. Thứ 3 là có một số nghiên cứu rất rủi ro và đòi hỏi chi phí lớn nên sẽ an toàn nếu nhiều doanh nghiệp lớn cùng phối hợp nguồn lực để thực hiện từng phần của nghiên cứu và cùng chia sẻ kết quả.
Đánh giá về mô hình kinh doanh ở Việt Nam, giáo sư cho rằng các doanh nghiệp vẫn quen kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp. Ông cho rằng, trong 5 năm gần đây, chi phí nhân công của Việt Nam đã tăng lên, cao hơn các nước Thái Lan, Indonexia hay các nước mới ở Châu Phi. Vì thế các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mang tính sáng tạo cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn.
“Doanh nghiệp Việt cần phải chuyển đổi nhanh hơn nữa chiến lược từ kinh doanh truyền thống dựa trên chi phí thấp sang kinh doanh mới dựa trên sự sáng tạo, nhằm tận dụng tốt hơn những lợi thế về kinh tế mà Việt Nam vẫn đang giữ được”, giáo sư nhấn mạnh.