Về tình hình sản xuất, kinh doanh, chỉ số điều tra 8 tháng đầu năm cho biết, tổng doanh số đạt 8 điểm, giá bán bình quân âm -2 điểm, hiệu suất sử dụng máy móc 8 điểm, số lượng công nhân viên 6 điểm, năng suất lao động bình quân 13 điểm, lượng đơn đặt hàng 9 điểm.
Doanh nghiệp Việt ngày càng teo tóp và nguy cơ “chết” do bế tắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm. |
Tuy nhiên, nếu như năm 2010, lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp là âm -3 điểm thì 8 tháng đầu năm nay tụt xuống còn âm -10 điểm. Mặc dù vậy, tình hình vẫn khả quan hơn năm 2013 (năm 2013, con số này xuống mức âm -30 điểm).
Về các yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 8 tháng đầu năm, theo Viện Phát triển Doanh nghiệp, nhu cầu thị trường trong nước chỉ đạt 1 điểm, nhu cầu thị trường quốc tế đạt 16 điểm, khả năng tiếp cận vốn đạt 12 điểm.
Điều này cho thấy rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu và FDI có điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt hơn, thị trường quốc tế được mở rộng, khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn các doanh nghiệp chỉ quanh quẩn thị trường trong nước.
TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, việc không tìm được thị trường đầu ra là nguyên nhân chính (chiếm tỷ lệ 50%) khiến các doanh nghiệp ngừng hoạt động.
“Điều này cho thấy rằng, bên cạnh các khó khăn trong sản xuất kinh doanh như thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực yếu, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ thấp… thì khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp”, TS. Phạm Thị Thu Hằng nhận định.
Cũng theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, các doanh nghiệp hiện còn đang phải đối mặt với sự suy giảm về quy mô doanh nghiệp. Tỷ trọng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn luôn chiếm tỷ lệ nhỏ và ngày càng có xu hướng giảm đi. Nguy cơ Việt Nam thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa ngày càng tăng.
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4%. Không chỉ thiếu doanh nghiệp dẫn đầu, Việt Nam còn thiếu cả một khu vực đủ lớn các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận thị trường mới, công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo bà Đoàn Thị Quyên (Viện Phát triển Doanh nghiệp), các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc, thiết lập chiến lược kinh doanh có tầm nhìn trung và dài hạn; đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, trong đó bao gồm quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, mở rộng thị trường, tăng cường tính liên kết và thường xuyên cập nhật, theo dõi các chính sách.