Chiến hạm Nga và Trung Quốc tập trận chung. |
Trung Quốc đang vươn mình mạnh mẽ và muốn gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên nhiều trở ngại khiến họ không dễ dàng đạt tham vọng này. Tác giả gốc Nhật Kyle Mizokami đã đăng tải bài viết lý giải vì sao về mặt quốc phòng, Trung Quốc lại được ông xem chỉ là một con rồng giấy.
Dưới đây là phần lược dịch nhận định của Mizokami về các trở ngại khiến cho Trung Quốc không dễ triển khai sức mạnh quân sự ra bên ngoài với tư cách cường quốc.
Sau nhiều thập kỷ phát triển hai con số, ngày nay Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng với đó, chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 10 lần trong 25 năm. Bắc Kinh đang xây dựng một lực lượng hải quân nước xanh mạnh mẽ, phát triển chiến đấu cơ tàng hình, và đang thận trọng thử nghiệm các hoạt động gìn giữ hòa bình và viễn chinh.
Việc Trung Quốc xây dựng thực lực quân sự cùng với chính sách đối ngoại ngày càng “rắn” của nước này đã khiến cho phương Tây ngày càng cảnh giác. Một số nhà hoạch định chính sách của Mỹ coi Bắc Kinh là “đối thủ gần ngang cơ” duy nhất của Washington. Nói cách khác, họ coi Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh quân sự đủ để đánh bại Mỹ trong một số trường hợp nhất định.
Tuy nhiên, phương Tây đã sai. Thậm chí ngay cả sau nhiều thập niên tái vũ trang sâu rộng, Trung Quốc vẫn chỉ là một con rồng giấy.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng không ngừng ở mức hai con số năm này qua năm khác. Tuy nhiên, lạm phát đã trung hòa bớt nhiều phần trong sự tăng trưởng đầu tư đó. Đã vậy, cả lục quân, hải quân, không quân và tên lửa chiến lược của Trung Quốc đều đã bị tổn hại nhiều do nạn tham nhũng. Vũ khí của các quân chủng này nhìn chung đều thua xa vũ khí tương ứng của phương Tây.
Về mặt công nghệ, đúng là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang từng bước mạnh lên. Nhưng điều đó không có nghĩa Bắc Kinh có thể huy động quân đội mình cho các sứ mệnh toàn cầu.
Vị trí bất lợi
Cũng giống Nga, Trung Quốc có đường biên giới dài và tiếp giáp với rất nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia ít nhiều trong tình trạng bất ổn như Pakistan, Afghanistan, Myanmar hay Triều Tiên, hoặc các quốc gia có va chạm biên giới trên bộ với nước này như Ấn Độ, Bhutan. Trong 14 quốc gia chung biên giới với Trung Quốc, có tới hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân, đó là Pakistan và Triều Tiên.
Riêng tình hình Triều Tiên rất khó đoán định. Khi xảy ra biến cố, có khả năng nhiều triệu người Triều Tiên sẽ vượt biên giới đổ vào Trung Quốc. Đã rò rỉ các thông tin về phương án dự phòng của quân đội Trung Quốc (PLA), trong đó PLA sẽ được đưa vào Triều Tiên để lập vùng đệm. Phản ứng trước các tiết lộ này, Bình Nhưỡng đã ít nhiều thay đổi thái độ với Bắc Kinh.
Gần như hoàn toàn đơn côi
Về cơ bản, Trung Quốc thiếu vắng các đồng minh thực sự và đáng tin cậy. Riêng ở vùng Thái Bình Dương, nước Mỹ có thể dựa vào Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, và Philippines với tư cách là các đồng minh thân cận, cũng như duy trì mối quan hệ thân thiện với các nước khác bao gồm Malaysia và Indonesia.
Trong khi đó, danh sách các đồng minh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương lại rất ngắn, chỉ có Nga. Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc có thêm một số đồng minh là Pakistan, Zimbabwe, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan. Nhiều nước trong số này đang vật lộn với những vấn đề nội bộ.
Bắc Kinh bắt tay với các nước này nhằm kiềm chế họ. Tuy nhiên, việc này chỉ có hiệu quả trong trường hợp Pakistan chứ không phải Triều Tiên.
Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và Nhật Bản cũng không tốt đẹp, đặc biệt là sau những hành động gây hấn trên biển Hoa Đông và Biển Đông cùng với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông.
Trong khi hải quân Mỹ có thể đi khắp Thái Bình Dương và có thể ghé thăm hàng chục cảng, chiến hạm Trung Quốc chỉ có thể đi ven bên ngoài hải phận của mình. Ngoài cảng Vladivostok của Nga, hải quân Trung Quốc không có nơi nào xa khác để tới.
Về mặt chiến lược, rõ ràng Trung Quốc ở vào thế bất lợi. Bắc Kinh không có đồng minh cung cấp căn cứ, chia sẻ gánh nặng, chia sẻ thông tin tình báo hoặc động viên về tinh thần.
Lạm phát "ăn mòn" vũ khí
Kể từ năm 1990, chi phí quốc phòng Trung Quốc đã tăng ít nhất 10% mỗi năm. Kết quả, sau 24 năm, chi phí quân sự của nước này đã tăng tổng cộng 10 lần.
Nhưng nếu tính đến lạm phát, mức tăng thực sự của Trung Quốc trong chi phí quốc phòng chỉ là một con số mỗi năm.
Nhìn lại lịch sử, vào năm 1989, quân Giải phóng Trung Quốc có 3,9 triệu quân nhân nhận lương, đa phần trong đó là bộ binh thiếu phương tiện và vũ khí hiện đại. Xe tăng chủ công của lục quân Trung Quốc là phiên bản chiếc T-55 có từ những năm 1950.
Tàu ngầm Trung Quốc. |
Không quân và hải quân Trung Quốc chỉ có khả năng phòng thủ ven biển. Trung Quốc có một tàu ngầm tên lửa hạt nhân duy nhất.
Trung Quốc khi ấy là một nước nghèo. GDP của nó là 451 triệu USD so với 8.840 tỷ của Mỹ cùng thời điểm. Năm đó, Bắc Kinh chi 18,83 tỷ USD cho quốc phòng.
Vào thời điểm năm 1989, nếu tính bình quân, chi phí quốc phòng trên mỗi người lính Trung Quốc là 4,6 USD, còn con số tương ứng của Mỹ là 246 USD.
Cuối thập niên 1980, học thuyết quân sự của Trung Quốc là “Chiến tranh nhân dân”. Theo học thuyết phòng thủ này, đối phương sẽ được nhử sâu vào trong nội địa và bị tiêu diệt bằng chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích.
Nhưng đến năm 1991, Bắc Kinh hãi hùng theo dõi những diễn biến mới ở Iraq và Kuwait. Khi ấy, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã đập tan quân đội của ông Saddam Hussein và đánh bật nó ra khỏi lãnh thổ Kuwait. Một chiến dịch không kích kéo dài vài tuần và một cuộc tiến công trên bộ trong chỉ 100 tiếng đồng hồ đã phá hủy một lực lượng Iraq áp đảo về số lượng.
An ninh nội địa bất ổn
Theo một số tính toán, năm 2013 Trung Quốc còn chi cho “an ninh công cộng” nhiều hơn cả cho quốc phòng đối ngoại.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề an ninh nội địa như các cuộc bạo động bắt nguồn từ môi trường ô nhiễm nặng nề, lạm dụng sức lao động, tham nhũng, nạn “chiếm đất”…
Dưới tình cảnh hiện nay, Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chi nhiều hơn cho an ninh công cộng, và do đó làm ảnh hưởng đến sức mạnh quốc phòng đối ngoại của nước này.
Tham nhũng có thể làm tổn hại PLAHarnett phân tích: “Việc mua hàng cho PLA nhiều khi không xuất hiện từ lợi ích tối thượng của PLA. Người ta có thể mua một thiết bị nào đó sau đó nhận lại quả, thậm chí ngay cả khi hàng đó có chất lượng thấp hoặc không cần thiết”.
Tham nhũng có thể gây chia rẽ giữa người dân Trung Quốc và PLA. Nếu quân đội được xem là một thể chế tham nhũng, giống như hồi đầu thập niên 1980, sự ủng hộ nói chung dành cho PLA có thể bị suy giảm. Điều này hoàn toàn đi ngược lại hình ảnh mà quân đội vẫn tự xây dựng về mình đó là danh dự, thanh liêm.
Tinh thần của giới sĩ quan PLA đã sụt giảm đáng kể sau vụ scandal Cốc Tuấn Sơn. Theo Reuters, nhiều sĩ quan lo sợ bị trừng phạt. Còn những người có phẩm chất nhưng lại bị phớt lờ trong chuyện thăng tiến lại hết sức bất mãn.
Tờ Foreign Policy dẫn lời một chính ủy hàng đầu của PLA nói rằng: “Không nước nào đánh thắng Trung Quốc. Chỉ nạn tham nhũng trong chúng ta có thể hủy diệt chúng ta và khiến cho quân đội của chúng ta chưa tham chiến mà đã bại trận”.