Các cựu lãnh đạo VFF: 'V-League không thể thay đổi ngay lập tức'
Sáng nay, 29/9, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức cuộc họp bất thường để gặp gỡ lãnh đạo các CLB. Nhưng trong cuộc trao đổi với nhiều lãnh đạo cựu trào VFF, tất cả đều không tin cuộc họp này sẽ làm thay đổi bộ mặt V-League ngay lập tức.
>> Các ông ‘bầu’ toàn quyền chọn trưởng giải V-League
Thực tế ngày 23/9 vừa qua, lãnh đạo VFF đã hoàn tất quá trình bỏ phiếu bầu trưởng ban tổ chức V-League 2012 và trưởng ban trọng tài mới. Và sau khi hoàn tất kiểm tra cuộc bỏ phiếu, vị trí trưởng giải dường như được "đặt" sẵn cho Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn. Ở vị trí trưởng ban trọng tài, PCT chuyên môn VFF Phạm Ngọc Viễn được tín nhiệm. Thế nên yêu cầu thay đổi vị trí trưởng giải mới từ lãnh đạo nhiều đội bóng, mà đứng đầu là "bầu" Nguyễn Đức Kiên, khó có thể trở thành hiện thực.
Bởi sau khi các ông "bầu" đòi cựu trưởng giải Dương Nghiệp Khôi từ chức vì chưa thực sự xử lý một cách công minh nhất các "án điểm" thời gian qua, ông Tuấn "Tổng" được trao cơ hội làm "trưởng giải". Nhưng thực ra, vị cán bộ gốc Khánh Hòa từng đảm nhiệm vai trò này vào năm 2009, song lại phải dựa quá nhiều góp ý từ PCT VFF Dương Nghiệp Khôi. Mùa giải 2012, tất cả đòi hỏi BTC giải phải công minh, nhưng sợ rằng trưởng giải Quốc Tuấn lại phải dựa quá nhiều vào "quân sư" Dương Nghiệp Khôi trong mọi quyết định.
Cuộc bỏ phiếu lần này, Hoàng Anh GL, B.Bình Dương và ĐT Long An bỏ phiếu trắng không bầu trưởng giải. Cùng với đó, Lâm Đồng và Than Quảng Ninh ở giải hạng Nhất không gửi phiếu bầu đúng thời hạn. Dù TTK Trần Quốc Tuấn tạm xếp trên PCT Phạm Ngọc Viễn 5 phiếu ( 11 phiếu so với 6 phiếu), thì cuộc họp bất thường sáng nay mới rõ người được chọn đứng đầu BTC giải mùa sau.
Còn ở phần bỏ phiếu bầu trưởng ban trọng tài, PCT Phạm Ngọc Viễn xếp đầu với 11 phiếu lựa chọn, cựu chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi chỉ được 1 phiếu. Và nếu không có gì thay đổi, ông Viễn sẽ ngồi lên chiếc ghế điều hành công tác trọng tài. Nhưng điều dư luận và 28 đội bóng V-League, hạng Nhất quan tâm tới là việc VFF, BTC giải phải công khai minh bạch trong việc cải tổ giải đấu, nâng cấp Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, ban bố quy chế chuyển nhượng, mua bán cầu thủ, đội bóng... Nhất là bản quyền truyền hình với AVG tại sao phải ký tới 20 năm, chứ không phải 5 năm. Các đội bóng sẽ được lợi gì từ việc ký bản quyền thương mại... cũng sẽ được bàn thảo trong cuộc họp này tại Hà Nội.
Ông Trần Quốc Tuấn là ứng cử viên số một cho ghế trưởng giải |
Nhưng sợ rằng thời gian tổ chức cuộc họp bất thường quá ngắn, trong khi bức xúc từ các đội bóng là quá lớn. Bản thân lãnh đạo VFF cũng thừa nhận cuộc họp bất thường chưa thể đáp ứng yêu cầu cải tổ triệt để mạnh mẽ từ các đội bóng. Như phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn nói: "Cuộc họp này là nơi các CLB giãi bày bức xúc và những yêu cầu với VFF. Nhưng tôi nghĩ rằng dù đòi cải tổ triệt để và có hiệu quả ngay lúc này là không thể. Trưởng giải mới cũng cần phải đề ra kế hoạch cải tổ, thành lập ê-kíp và cần một thời gian nắm rõ công việc. Bởi thế việc bầu trưởng giải chỉ giải quyết bức bách tạm thời, chứ muốn cải tổ VFF, lẫn các CLB đều phải tự thay đổi mình mới có thể đạt được sự tiến bộ như ý muốn".
Cựu tổng thư ký VFF Lê Thế Thọ nói: "Tôi chưa tin cuộc họp bất thường này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt để VFF cải tổ triệt để. Việc bầu chọn trưởng giải cần lắng nghe những đề nghị từ các CLB. Nhất là việc tận dụng được khả năng và chất xám từ các ông bầu như Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Đức Kiên, Võ Quốc Thắng. Trưởng giải mới phải là người có chuyên môn và tâm sáng. Nhất là chuyện minh bạch tài chính trong VFF lẫn V-League công khai, minh bạch, bổ sung luật thật sát với bối cảnh bây giờ. Chỉ như thế, cuộc họp bất thường mới có thể nói là đạt thành công trong vấn đề cải tổ như các ông bầu đòi hỏi".
Cựu trưởng giải Ngô Tử Hà |
Cựu trưởng giải Ngô Tử Hà, người từng đưa ra việc xử phạt Công An Hải Phòng, Công An Hà Nội mà không cần bằng chứng vào năm 2001, cho biết: "Tôi chưa tin VFF và các ông bầu sẽ tìm ra hướng cải tổ triệt để cho V-League 2012. Thời gian quá ngắn, còn nhiều bất cập trong khâu điều hành - quản lý trong VFF, mà chưa thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Trưởng giải phải là người có tâm sáng và sẵn sàng chấp pháp làm luật nghiêm chỉnh. Mà V-League thời điểm này, các hành động mờ ám tinh vi và táo bạo hơn rất nhiều và không dễ nhận diện. Để chống lại những sai sót thời điểm này, cần cơ quan hành pháp nhảy vào cuộc, chứ không riêng VFF hay các CLB".
Nhìn chung, cuộc họp bất thường giữa VFF và 28 đội bóng chuyên nghiệp chỉ giải quyết những bức xúc, những yếu kém tạm thời mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam còn mắc phải. Nhưng còn những bất cập mang tính hệ thống thuộc về mặt cơ cấu tổ chức - quản lý, thì còn phải thời gian dài nữa mới có thể thay đổi triệt để, mạnh mẽ được.
Tiểu Thuận
Theo Bưu điện Việt Nam