Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các cuộc tấn công sứ quán Mỹ sẽ không thể sớm kết thúc?

Vì một bộ phim nhạo báng đạo Hồi, các cuộc bạo loạn chống Mỹ bùng phát khắp thế giới Arab. Giới phân tích quan ngại, sự kiện này có thể là sự khởi đầu cho phong trào chống Mỹ phổ biến và mạnh mẽ.

Các cuộc tấn công sứ quán Mỹ sẽ không thể sớm kết thúc?

Vì một bộ phim nhạo báng đạo Hồi, các cuộc bạo loạn chống Mỹ bùng phát khắp thế giới Arab. Giới phân tích quan ngại, sự kiện này có thể là sự khởi đầu cho phong trào chống Mỹ phổ biến và mạnh mẽ.

Ngay khi lan truyền trên mạng, bộ phim có tựa đề Sự vô tội của người Hồi giáo đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong lòng tín đồ đạo Hồi. Các cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài, từ Mauritania cho tới Indonesia, trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình. Họ  rầm rộ xuống đường và không ngại đụng độ với các lực lượng vũ trang. Xem như mọi nỗ lực để “lấy lòng” cộng đồng Hồi giáo của Tổng thống Obama trong bài diễn văn ở Cairo và Ankara năm 2009,  đều đổ hết xuống sông xuống biển.

Những cuộc biểu tình chống Mỹ đang diễn ra phức tạp ở các quốc gia Arab khiến nỗ lực "vun vén" quan hệ giữa Mỹ với cộng đồng Hồi giáo đổ bể.

Tuy nhiên, điều đáng ngại thực sự đối với chính quyền Obama lúc này đó là, bạo loạn nhiều khả năng sẽ không dễ dàng và nhanh chóng chấm dứt. Có ba lý do chính để tin điều này.

Lý do đầu tiên, có mối bất đồng lớn và sâu sắc giữa khái niệm quyền cơ bản của Mỹ và cộng đồng Hồi giáo.

Trong khi Mỹ ưu tiên tự do ngôn luận và xem đây là giá trị phải được tôn trọng và bảo vệ trong bất cứ tình huống nào thì cộng đồng Arab quan niệm, bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì cũng không có quyền xâm phạm sự thiêng liêng tôn giáo của họ.

Cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin và kết quả của sự phổ biến thông tin trong thời đại ngày nay, sự khác biệt cơ bản đó càng trở nên sâu sắc và nguy hiểm hơn. Đó là khi những sản phẩm tầm thường, ít người biết đến tương tự như bộ phim Sự vô tội của người Hồi giáo cũng có khả năng đẩy sự khác biệt thế giới quan trở thành những cuộc đụng độ đẫm máu.

Người biểu tình ở Istanbul đốt cờ Mỹ để phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi được sản xuất tại Mỹ.

Có lẽ cách đây 5 năm, sẽ chẳng mấy người Mỹ biết đến Sam Bacile (tác giả phim Sự vô tội của người Hồi giáo) cũng như tác phẩm của vị đạo diễn này huống hồ người dân Ai Cập hoặc Libya. Tuy nhiên, ngày nay, khi các phương tiện có kết nối internet, máy tính xách tay hay điện thoại trở thành thứ phổ biến tràn lan thì việc tạo ra một sản phẩm tầm thường gây tranh cãi và đảm bảo rằng, nó được hàng triệu người trên thế giới biết đến là điều bất cứ ai cũng có thể làm được.

Điều này có nghĩa là những sản phẩm tương tự như bộ phim trên sẽ có thể tiếp tục được sản xuất và kích động cộng đồng Hồi giáo, gây ra các vụ bạo lực tương tự như bao vây, tấn công các cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài, thậm chí, còn tồi tệ hơn thế.

Khi những kẻ như Sam Bacile trở thành lực lượng kích động bạo lực sắc tộc ghê gớm nhất nhưng chính quyền Mỹ lại không thể làm gì để ngăn chặn họ, sự phẫn nộ và thù địch trong cộng đồng Hồi giáo với Mỹ sẽ càng phình ra. Nói cách khác, tín đồ đạo Hồi trên thế giới sẽ chống lại Mỹ mạnh mẽ và quyết liệt hơn khi nhận thấy những gì được cho là quyền lợi và thiêng liêng đối với họ bị xâm hại, phỉ báng bởi người Mỹ nhưng chính quyền nước này lại bất lực để ngăn chặn công dân họ.

Người biểu tình ở Chennai, Ấn Độ đập vỡ kính toà nhà sứ quán Mỹ tại đây.

Lý do thứ hai, sự tín nhiệm đối với Mỹ trong thế giới Arab ngày càng giảm, thậm chí, giảm về con số không, không chỉ bởi vai trò của Washington trong sự kiện mùa xuân Arab, quan hệ đồng minh thân cận của nước này với các nhà độc tài trong khu vực mà còn bởi hàng loạt những sai lầm của Mỹ tại đây. Đặc biệt, những sai lầm này lại không thể được khắc phục chỉ trong một sớm một chiều.

Hiện những động thái mâu thuẫn của Mỹ trong khu vực khiến cộng đồng Arab phải nhìn họ bằng ánh mắt ngờ vực. Cụ thể, trong khi tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ của Mỹ ở một số quốc gia Arab như Libya và Tunisia, chính quyền Mỹ cũng lại ra sức bảo vệ các chế độ độc tài khác trong khu vực như Bahrain. Điều này khiến người biểu tình và các nhóm dân chủ trong khu vực chẳng hạn Ai Cập xem Mỹ như là một kẻ đạo đức giả hoặc thậm chí tồi tệ hơn, một kẻ thù.

Người biểu tình xé cờ Mỹ và tấn công Đại sứ quán của nước này ở Cairo, Ai Cập.

Chưa hết, hơn bất cứ cường quốc nào khác, Mỹ thường phản ứng lúng túng và chậm chạp trong các trường hợp giá trị và lợi ích của họ mâu thuẫn nhau. Trong khi đó, mong muốn của thế giới Arab là chính quyền Mỹ nhanh chóng giải quyết các vấn đề rắc rối tương tự như “Sự vô tội của người Hồi giáo”. Họ muốn kẻ tạo ra bộ phim phải bị xử lý mà không cần quan tâm đến việc Mỹ khó xử thế nào trong quyết định có truy tố nhà làm phim hay không. Thực tế là, điều này mâu thuẫn với quan điểm quyền tự do ngôn luận được xem là quyền tuyệt đối ở Mỹ.

Lý do cuối cùng xuất phát từ sự nổi lên của các nền chính trị dân chủ non trẻ ở các quốc gia Hồi giáo sau sự kiện mùa xuân Arab.

Các chính phủ mới được bầu đang phải nỗ lực để phổ biến tự do và dân chủ, làm hài lòng cử tri nhằm củng cố quyền lực. Do đó, họ khó lòng đáp ứng yêu cầu của Mỹ để ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Thậm chí, trong một số trường hợp, các chính phủ còn khuyến khích những cuộc biểu tình này. Chính phủ Anh em Hồi giáo mới ở Ai Cập là một ví dụ khi Tổng thống Mohamed Morsy mạnh mẽ yêu cầu Mỹ phải xử lý những kẻ tạo ra bộ phim phỉ báng đạo Hồi.

Trong những ngày tới, các cuộc bạo loạn bị kích động bởi bộ phim Sự vô tội của người Hồi giáo có thể được kiểm soát ở một số khu vực nhưng khó lòng bị dập tắt triệt để. Cơn giận dữ và sự thù địch đối với Mỹ nhiều khả năng sẽ âm ỉ cháy trong cộng đồng Hồi giáo. Và không có gì đảm bảo chúng sẽ không bùng nổ khi chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể thổi bùng lên một đám cháy lớn.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm