Danh mục đầu tư chứng khoán chưa niêm yết (OTC) lâu nay luôn được các công ty chứng khoán (CTCK)… tránh nói đến, bởi giá đầu tư ban đầu lên đến tiền tỷ, nay nhiều khoản gần như vô giá trị, vì một phần do giá giảm đến mức không thể giảm thêm, phần khác chẳng có thanh khoản. Tuy nhiên, nhiều CTCK đã phải nói về điều không muốn này, do bị kiểm toán “tuýt còi”. Những thông tin mà CTCK vừa tiết lộ khiến cổ đông, NĐT, thị trường không khỏi giật mình.
Theo giải trình ý kiến lưu ý của kiểm toán khi soát xét BCTC bán niên năm 2013 mà CTCK APEC (APS) vừa công bố, tại thời điểm 30/6/2013, danh mục đầu tư chứng khoán OTC của APS có tới 9 DN, với giá trị đầu tư theo sổ sách lên tới gần 90 tỷ đồng… Với danh mục này, thấp thì giá mua cổ phiếu bằng mệnh giá, cao thì gấp 3 - 4 lần. TTCK khó khăn kéo dài, khiến thị giá nhiều cổ phiếu trên sàn hiện chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/CP, liệu giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu OTC này có còn giá trị, hay APS đối mặt với nguy cơ trắng tay? Trong khi đó, do không xác định được thị giá của các cổ phiếu này, nên APS không thực hiện trích lập dự phòng.
Những thông tin mà CTCK vừa tiết lộ khiến cổ đông, NĐT, thị trường không khỏi giật mình. |
CTCK Dầu khí (PSI) cũng vừa công khai giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu OTC khủng, sau khi kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ. Theo đó, đến giữa năm nay, tổng giá trị khoản đầu tư cổ phiếu OTC của PSI lên tới hơn 291 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới các khoản ủy thác và hợp tác đầu tư cổ phiếu OTC với tổng giá trị đầu tư hơn 49,6 tỷ đồng.
Hay mới đây, tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án giải thể CTCK Sao Việt (SVS), ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch SVS cho biết, trong danh mục tự doanh của công ty có 7 mã cổ phiếu OTC, nhiều mã mua vào với giá 40.000 - 50.000 đồng/CP, nhưng nay may mắn lắm mới bán được 1.000 đồng/CP.
Với hiện trạng trên, việc CTCK lỗ nặng với danh mục cổ phiếu OTC là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, điều khiến thị trường quan ngại khi cùng với một “điểm đen” khác, là khả năng mất vốn do trước đây các CTCK vượt rào triển khai các hợp đồng hợp tác đầu tư, liệu khoản lỗ, thậm chí mất vốn do đầu tư vào cổ phiếu OTC đã được phản ánh xác thực trong BCTC, báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK?
Mối nghi ngờ trên không phải không có cơ sở, khi Thông tư 89/2013 sửa đổi Thông tư 228/2009 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính... tại DN, do Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ cuối tháng 7/2013, không đưa ra hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC áp dụng cho các CTCK, công ty quản lý quỹ. Đây là bức xúc của thị trường hàng chục năm qua, nhưng không hiểu sao đến nay Bộ Tài chính vẫn không giải tỏa!?
Chừng nào Bộ Tài chính tiếp tục để cho khoảng hở pháp lý trên tồn tại, chừng đó các CTCK còn có cớ mập mờ về giá trị của danh mục đầu tư chứng khoán OTC. Điều này tạo ra những rủi ro khó lường cho không chỉ cho cổ đông, NĐT, mà còn cho chính CTCK và cả thị trường.