Theo Bloomberg, chợ Baishazhou - một trong những chợ tươi sống lớn nhất Vũ Hán - đông nghẹt ngay sau khi thủ phủ tỉnh Hồ Bắc dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 76 ngày. Ngay cổng chợ là khẩu hiệu: "Không giết mổ và bán động vật tươi sống".
Chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán bị nghi là nơi làm bùng phát dịch Covid-19. Thời gian qua, quan chức nhiều nước, trong đó có Mỹ, kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các khu chợ tươi sống để ngăn chặn virus corona lây lan. Tuy nhiên, mô hình chợ này rất quan trọng với đời sống tiêu dùng ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á.
Thách thức với Trung Quốc là duy trì mô hình bán lẻ này trong khi phải thực hiện nghiêm ngặt quy định cấm giết mổ và buôn bán động vật hoang dã tại chợ.
Vũ Hán đã mở cửa trở lại sau 76 ngày phong tỏa. Ảnh: AP. |
Nguồn gốc dịch bệnh
“Đóng cửa các chợ tươi sống là điều cực khó và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực ở các đô thị Trung Quốc. Chợ tươi sống đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cư dân đô thị mua được thực phẩm giá rẻ và tươi”, Bloomberg dẫn lời tiến sĩ Zhenzhong Si thuộc Đại học Waterloo nhận định.
Virus corona lần đầu tiên được phát hiện tại chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán. Một nghiên cứu sau đó của các chuyên gia Trung Quốc - được công bố trên tạp chí y học The Lancet vào tháng 2 - khẳng định một vài ca mắc đầu tiên không liên quan tới khu chợ này.
Các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc cho rằng virus corona lây từ động vật hoang dã sang người thông qua một số loài trung gian như dơi. Các khu chợ buôn bán động vật hoang dã tại Vũ Hán đều bị đóng cửa kể từ cuối tháng 1.
Các quan chức chính phủ chức Mỹ đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc đóng cửa các khu chợ tươi sống. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, khẳng địnhdịch Covid-19 là "hậu quả trực tiếp" của tình trạng mất vệ sinh tại các khu chợ ẩm ướt ở Trung Quốc.
Các khu chợ dân sinh từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu của người dân tại các đô thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Các nghị sĩ Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Ông Graham gửi thư cho đại sứ Trung Quốc tại Mỹ yêu cầu chính quyền Bắc Kinh xem xét quyết định này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chợ tươi sống đóng vai trò quan trọng với cuộc sống của hàng triệu nông dân và tiểu thương ở Trung Quốc.
Nghiên cứu của Đại học Wilfrid Laurier (Canada) năm 2018 cho thấy 90% hộ gia đình ở thành phố Nam Kinh (với dân số hơn 8 triệu người) thường xuyên mua thực phẩm tại các chợ tươi sống. Khoảng 75% đi chợ ít nhất 5 lần mỗi tuần.
Vai trò quan trọng với đời sống
Chợ tươi sống rất phổ biến ở Trung Quốc vì tiện lợi, thực phẩm tại đây rẻ và tươi hơn so với siêu thị. Heo, bò và cừu phải được giết mổ ở các lò mổ, nhưng các chợ tươi sống Trung Quốc bán cá và gia cầm sống. Thịt tại chợ không được đóng gói.
Tuy nhiên điều kiện vệ sinh tại các chợ tươi sống nhỏ lẻ ở Trung Quốc là khá tệ hại. Trước dịch Covid-19, chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc cũng đã tìm cách quản lý hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở các chợ.
Ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã ở Trung Quốc có quy mô lên đến 74 tỷ USD hồi năm 2016 và sử dụng hơn 14 triệu lao động.
Hồi tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra lệnh cho Vũ Hán quản lý chặt các chợ và cấm đưa động vật hoang dã, gia cầm sống vào thành phố. Đến tháng 2, khi dịch lan rộng, Quốc hội Trung Quốc ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã vì mục đích giết thịt.
Người Vũ Hán ra đường hôm 8/4 hơn khi thành phố dỡ lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, lệnh cấm trên không bao gồm việc sử dụng các loài động vật quý hiếm làm thuốc, phục vụ ngành thời trang và giải trí. Nhà phân tích Zhenzhong Si thuộc Đại học Waterloo cho rằng Trung Quốc cần quyết liệt cấm buôn bán động vật hoang dã.
Những ngày qua, chính quyền Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và các hoạt động kinh tế vốn bị đóng băng hoàn toàn sau quãng thời gian phong tỏa vì dịch bệnh.
Trong khi nhiều khu chợ tươi sống khác mở cửa trở lại, chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán vẫn đóng cửa trong tuần này. Theo ghi nhận của phóng viên Bloomerg, mùi hải sản vẫn bốc lên từ khu chợ này.