Tên giả, người thật
Từ tháng 3 trở lại đây, hiện tượng sử dụng giấy xác nhận nhân thân mang tên người khác khi đi tàu bay xuất hiện. Lực lượng an ninh hàng không đã phát hiện và xử lý 15 trường hợp, riêng tháng 7 phát hiện 9 vụ. Cả 3 hãng hàng không của Việt Nam đều xảy ra hiện tượng này, nhưng chủ yếu là 2 hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air và Jetstar Pacific.
Vé máy bay giá rẻ luôn được nhiều người săn lùng. |
Ông Nguyễn Trọng Thắng - Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua xác minh, các đối tượng này vì tham vé giá rẻ (vé khuyến mại có tên người khác) nên đã gian dối trong việc nhờ địa phương xác nhận nhân thân “tên giả, người thật”. Để “qua mắt” lực lượng kiểm soát, họ khai tên người có vé rồi dán ảnh mình vào, lấy xác nhận địa phương. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra tại sân bay Nội Bài và chính phòng vé, đại lý bán vé tư vấn cho khách hàng sử dụng cách thức này.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang xác định các nguyên nhân, để từ đó có hình thức xử lý phù hợp, nếu do đại lý vé máy bay sẽ xử phạt đại lý, nếu do địa phương sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để chấn chỉnh việc xác nhận nhân thân và tăng cường kiểm tra an ninh với hành khách. “Việc sử dụng vé máy bay tên người khác không chỉ là gian lận về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh hàng không” - ông Thắng khẳng định.
Lợi dụng tên trên vé không có dấu
Hiện nay, trên mạng đã xuất hiện những mẩu rao vặt bán lại vé máy bay giá siêu rẻ cho người cùng họ tên. Mua lại những tấm vé này, hành khách tiết kiệm được chi phí, song nếu bị phát hiện thì họ sẽ bị dừng chuyến bay và chịu nhiều rắc rối liên quan.
Để thu hút khách hàng, nhiều hãng hàng không thường xuyên có các đợt khuyến mãi với mức giá vé máy bay siêu rẻ cho từng chặng: 0 đồng, 1.000 đồng, 10.000 đồng, 99.000 đồng… Việc “săn” được những chiếc vé này không dễ bởi trong thời điểm vé giá siêu rẻ được bán thì nhiều người cùng truy cập khiến website của hãng bị “treo”.
Tuy nhiên, có một số người, không ngoại trừ các đại lý của hãng hàng không vẫn mua được vé. Những người này lợi dụng vé đặt online chỉ yêu cầu khai tên, không cần số CMND, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, đặc biệt là việc tên ghi trên vé máy bay không có dấu nên đã đặt mua vé với những cái tên phổ thông, sau đó rao bán lại. Dù đã được người bán nâng giá hơn nhiều thì những chiếc vé này vẫn rẻ hơn rất nhiều giá vé mà hãng hàng không đang niêm yết.
Nếu người mua và người bán trùng tên (họ, tên và chữ đệm), chiếc vé sẽ được đổi chủ một cách dễ dàng. Trường hợp không trùng họ tên, nhiều khả năng họ sẽ dùng “chiêu thức” dùng giấy xác nhận nhân thân mang tên người khác để đi tàu bay như đã nói ở trên.
Đại lý lén tăng giá để “ăn” chênh lệch
Mới đây, Vietnam Airlines đã yêu cầu các đại lý trên toàn hệ thống ngừng giao dịch với công ty TNHH Giao dịch và dịch thuật Trần Phú (Hải Phòng) vì công ty này đã tự ý sửa giá ghi trên hóa đơn cao hơn so với mức Vietnam Airlines (VNA) đưa ra.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Nguyên Khôi - Phó trưởng ban Tiếp thị và Bán sản phẩm của VNA cho biết, hãng đã gặp nhiều trường hợp đại lý, hoặc đại lý cấp dưới tự ý tăng giá vé để ăn chênh lệch. Thông thường, khi xuất vé cho khách, đại lý sẽ phải in hóa đơn trong đó có ghi rõ thông tin giá. Trong trường hợp này, công ty trên gian lận bằng cách tự sửa giá vé trên hóa đơn cao hơn so với thực tế.
Thông thường, các đại lý dễ dàng đút túi khoản tiền chênh lệch này vì trên vé máy bay không ghi giá nên hành khách không thể biết nếu lịch trình đi không có gì thay đổi. Chỉ khi khách muốn đổi hay trả vé, điều này mới “lộ” ra rằng đại lý bán cho họ vé giá rẻ (bị hạn chế không thể hoàn vé hoặc hoãn chuyến) dù hành khách đã trả tiền mua vé hạng cao hơn.