Chiều 27/2, hơn chục chàng trai người làng Triều Khúc (Hà Nội) chít khăn mỏ quạ, má phấn môi son cùng nhau diễn điệu múa bồng cổ thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi đổ về xem.
|
Chiều 27/2 (mùng 9 tháng giêng) lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra tưng bừng. Nhân vật chính như thường lệ là các thanh niên trai tráng trong làng với các màn múa rồng, tế lễ... thu hút đông đảo người dân và khách thập phương đón xem.
|
|
Hội Triều Khúc vẫn giữ nguyên được những truyền thống tốt đẹp như rước kiệu quanh làng, trai tráng các thôn cùng mặc những bộ quần áo ngày xưa để hóa thân thành các vị quan.
|
|
Nổi bật nhất trong ba ngày tổ chức (mùng 8, 9 và 10/1 âm lịch) là tiết mục múa mà dân gian vẫn gọi là "con đĩ đánh bồng”. Đây thực chất là một điệu múa cổ do các chàng trai giả gái biểu diễn. Trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, cộng với hóa trang má phấn môi son, mắt lá răm, khăn mỏ quạ, các “cô gái” vừa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng.
|
|
Từng đôi xòe tay, mắt đong đưa, miệng cười tươi trong điệu múa "con đĩ đánh bồng" tạo nên nét đặc sắc mỗi dịp xuân về.
|
|
Anh Nguyễn Huy Công (32 tuổi) người làng Triều Khúc đã có 4 năm đi múa bồng. "Hiện câu lạc bộ của làng có nhiều em nhỏ tham gia, đấy là lớp kế cận cho những người cao tuổi, không còn múa trong mỗi dịp lễ hội nữa", anh nói.
|
|
Điệu múa này chỉ được diễn tấu trong những ngày làng mở hội, vào đám, đó là ngày Phùng Hưng lên ngôi vua từ mùng 9 - 12/1 âm lịch, ngày vua mất (vào tháng 8 âm lịch), biểu diễn ngay ở phương đình, nơi thờ Thành hoàng là đức vua Phùng Hưng vào giữa các tuần tế và trong lễ rước sắc quanh làng.
|
|
Những chàng trai mặt lúc nào cũng phải tươi, miệng cười, mắt đong đưa.
|
|
Múa bồng khá mệt mỏi nhưng ai cũng vui vẻ và tự hào vì góp phần giữ gìn bản sắc quê hương được lưu truyền từ bao đời. Anh Cao Anh, một người có thâm niên 10 năm múa bồng cho biết: "Dù phải trang điểm trai giả gái, mặc váy, tô son nhưng người đi xem hội không ai trêu đùa mà rất kính trọng. Họ còn đem nước, khăn lau cho những người múa bồng mỗi khi đội múa đi qua", anh tâm sự.
|
|
Dân làng Triều Khúc sắp lễ trước cổng nhà, nhiều người vái lạy mỗi khi đội múa và kiệu đi qua. Họ quan niệm, mỗi khi rước long bào - triều phục của Hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Lớn (Triều Khúc có hai đình) mà đi qua nhà mình sẽ gặp may mắn trong năm mới.
|
|
Dù đã quen thuộc nhưng nhiều khán giả và du khách vẫn thích thú đổ về xem mỗi dịp năm mới. |
|
Tiếng trống hai bên dồn dập khiến người múa càng thêm say, thả hồn vào từng bước nhảy. Từng đôi múa dập dìu tình tứ theo tiếng trống, thanh la, chiêng rộn rã, lúc xoay tròn, có lúc dựa lưng hay úp mặt và ngực vào nhau rất hóm hỉnh.
|
|
Điệu múa bồng sẽ tiếp tục diễn ra tại đình làng Triều Khúc vào sáng và trưa ngày 28/2.
|
Tương truyền, vào thế kỷ thứ 8, đức vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) đã đóng đại quân ở làng Triều Khúc. Để khích động tướng sĩ và cũng là giải trí cho nghĩa quân, ngài đã cho binh lính đóng giả trang làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, dân làng hàng năm lại tổ chức lễ hội này để tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương.
Ảnh: Lê Hiếu - Clip: Mạnh Thắng