Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi nấu cơm, thổi lửa theo phương pháp cổ xưa

Một trong những lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam là thi thổi cơm thi bằng niêu, đốt lửa từ rơm diễn ra sáng 26/2 được đông đảo người dân tham gia.

Sáng 26/2 (mùng 8 tháng giêng âm lịch), dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức lễ hội chạy thi, kéo lửa, thổi cơm truyền thống.
Bốn chiếc cối đá cùng chày giã thóc được đặt trước sân đình chờ tới giờ khai hội. Phong tục này diễn ra mỗi dịp xuân về với mục đích cầu chúc cho dân làng một năm mới no đủ, hạnh phúc, mọi nhà bình an.
Rơm được người dân chuyển ra sân đình. Lúc này (10h) mọi người bắt tay vào bện để chuẩn bị cho cuộc thi.
11h, sau tiếng trống khai hội của làng, phần thi kéo lửa diễn ra. Bộ kéo lửa là chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn gồm rơm, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang đánh lửa. 4 thanh niên trai tráng, hai người ghì chặt thanh tre già vào bó rơm, hai thanh niên còn lại dùng tay kéo thanh giang cưa nhanh và mạnh liên tục vào thanh tre để tạo ma sát.
Ma sát đủ nóng để tạo ra than trên thân tre, bén với bùi nhùi khô gây cháy. Người trưởng nhóm cầm bó rơm lên thổi mạnh để lửa bốc cháy to hơn.
Nhóm nào phát khói tạo ra lửa sớm nhất sẽ giành chiến thắng trong phần thi này. Sau đó mồi lửa được chuyển sang bếp chuẩn bị sẵn của đội mình để nấu cơm.
Ngay khi có nước lấy từ cuộc thi chạy và lửa mới kéo xong, các đội bắt tay vào đun nước sôi trong niêu đồng để chờ gạo.
Mỗi đội thi tài được phát một cân thóc, những người đàn ông trong đội dùng cối đá giã trên giế rơm. 
Giã xong, thóc được chuyển sang cho các chị em phụ nữ khéo tay để sàng trấu và nhặt sạn. Không khí khẩn trương khiến sân đình lúc này rộn ràng, sôi động.
Người khéo nhất trong hội được lựa chọn để vo gạo bằng nước lấy từ phần thi chạy, gạo vo xong phải thật sạch tấm và trắng tròn từng hạt.
Người dân đổ ra đình xem lễ hội chật kín sân đình làng. Thời gian thi diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong đó thời gian thổi cho cơm chín chừng 30 phút.
Thỉnh thoảng người nấu lại phải mở vung đảo cơm tránh cơm bị cháy đế hoặc bị sống phía trên.
Để kéo dài thời gian cho cơm chín, người phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm.
Chỉ trong phút chốc, sân đình làng mù mịt khói lửa.
Đúng 12h trưa, các vị bô lão trong làng đánh trống tìm cơm được vùi trong những đống tro tàn.
Phần chấm điểm diễn ra trong đình bởi giám khảo là các bô lão có tuổi trong làng. Cơm đạt yêu cầu phải chín dẻo và trắng, không có lẫn hạt thóc, sạn, hạt không bị sượng.
Ngay sau khi công bố giải thưởng, thành viên các đội và người dân nhanh tay bốc cơm được thắp hương để lấy lộc đầu năm.
Những người lấy được cơm giành giải nhất vui mừng hân hoan và tin rằng năm nay sẽ gặp may mắn. Nét đẹp của lễ hội này là không có cảnh tranh giành hay cướp lộc như ở một số lễ hội khác.
Trẻ nhỏ thích thú thưởng thức những hạt cơm dẻo thơm ngày đầu năm mới.

Tương truyền, vào đời vua Hùng thứ 18, vợ chồng tướng tiên phong Phan Tây Nhạc và Hoa Dung khi đưa quân qua làng Thị Cấm để dẹp giặc Thục xâm lược nước ta thì người dân nơi đây xin đi theo. Tướng quân cho mở hội thi nấu cơm để chọn người nuôi quân giỏi. Sau khi vợ chồng tướng quân mất, dân làng tôn thờ làm Thành hoàng.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm