Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Các bí thư hiến kế phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Các bí thư tỉnh ủy vùng đồng bằng sông Cửu Long cho rằng quy hoạch vùng phải mang tính bền vững, phát huy các thế mạnh và thích ứng với điều kiện tự nhiên.

quy hoach dong bang song cuu long anh 1

Dự hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long sáng 26/11 có bí thư, chủ tịch của 13 địa phương khu vực này. Góp ý, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng cần đẩy nhanh phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế biển, kinh tế biên giới...

Không phải giỏi nuôi cá tra thì mãi bán cá tra

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, khiến cả hội trường bật cười khi kể lại câu chuyện: “Khi tôi tiếp xúc các nhà đầu tư, nhiều người hỏi tôi là khi nào thì Cần Thơ bị ngập hết?”. Ông cho rằng câu chuyện đó để thấy các thách thức của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là việc nước biển dâng, có thể gây ra cản trở về mặt tâm lý. Tuy vậy, cần thay đổi tư duy, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có những thách thức.

“Dù biến đổi khí hậu là thách thức, đây là vùng thuận lợi cho sinh sống và sản xuất kinh doanh, thậm chí hơn một số vùng ở miền núi phía Bắc, một số vùng khu vực miền Trung”, ông Mạnh khẳng định.

quy hoach dong bang song cuu long anh 2

Ông Lê Quang Mạnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MPI.

Bí thư Cần Thơ cho rằng cần xem lại việc có hay không nên coi nông nghiệp là động lực tăng trưởng cho vùng, đặc biệt tầm nhìn đến 2050. Ông nhấn mạnh tỷ trọng công nghiệp khu vực đang tăng dần, việc nông nghiệp suy giảm là hiện hữu.

Tuy nhiên, trong ngành nông nghiệp thì cũng cần phải có một quy hoạch tầm nhìn xa, lấy tín hiệu thị trường để làm quy hoạch. Ông lấy ví dụ, khi bàn chuyện phát triển thủy sản cần lấy tư duy thị trường, phải tìm hiểu thế giới ăn gì, thích món gì thì ngành thủy sản phải cố gắng đáp ứng.

“Chúng ta làm thủy sản giỏi thì không phải mãi theo một loại chúng ta giỏi. Cần nghiên cứu xu hướng thị trường thế giới, tầm nhìn 2030-2045, sau đó chuyển đổi ngành nghề, sản xuất cho phù hợp. Không phải giỏi nuôi cá tra thì mãi bán cá tra”, ông nói.

Về giao thông, ông Lê Quang Mạnh cho rằng về lâu dài, khi định hướng phát triển một vùng độc lập, cần có cảng nước sâu quốc tế. Tuy nhiên, vị trí xây cảng ở đâu thì cần cân nhắc, gắn với hạ tầng đường bộ, đường thủy, gắn với xuất khẩu.

Với luồng sông Hậu, ông cho rằng hiện thực đang là đường hàng hải duy nhất vận chuyển hàng hóa từ miền Tây đi các nước, thông qua cảng biển tại Đông Nam Bộ. Ông nhấn mạnh việc vận chuyển hiện tại với các mặt hàng nông sản, thủy sản với sản lượng lớn, cồng kềnh khiến chi phí logistics rất cao. Do đó, cần tính toán việc cải tạo luồng sông Hậu, gắn với việc phát triển hàng hóa trong tương lai.

Đẩy nhanh làm đường ven biển

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho rằng việc đầu tư làm đường ven biển cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng, có ý nghĩa mở ra triển vọng mới cho vùng, giúp chống biến đổi khí hậu, kiểm soát quốc phòng, an ninh. Do đó, trong thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách thuận lợi, để xây dựng.

Ông Được cũng cho rằng vẫn nên giữ định hướng phát triển công nghiệp cho một số địa phương tại vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi, nhất là các địa phương gần Đông Nam Bộ như Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Thực tế là các vùng này cũng đã và đang phát triển công nghiệp và cần tiếp tục khuyến khích trong thời gian tới.

quy hoach dong bang song cuu long anh 3

Bí thư Long An cho rằng việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đất công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Ông Được nhắc đến việc Quốc hội giao chỉ tiêu giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa giống như một chiếc “vòng kim cô” cho sự phát triển. Ông nhấn mạnh giá trị đất nông nghiệp ở nhiều nơi không quá cao và kiến nghị mạnh dạn chuyển đổi đất để phát triển sang ngành kinh tế có hiệu quả cao hơn. Bí thư Long An đề xuất chỉ nên giữ khoảng 2,8 triệu ha đất lúa là phù hợp.

Ông Được cũng cho rằng cần phân cấp, phân quyền cho các tỉnh một cách mạnh hơn nữa. Ông lấy ví dụ hiện tại xin chuyển 10 ha đất trồng lúa sang mục đích khác thì tỉnh phải xin chủ trương của Chính phủ. Trong khi thực tế có rất nhiều dự án cần chuyển đổi trên 10 ha. Bí thư Long An đề xuất cần giao thẩm quyền cho các tỉnh, chỉ cần tuân thủ theo đúng quy hoạch đã thống nhất.

Mạnh dạn làm cảng nước sâu

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho rằng quy hoạch cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng, các địa phương sẽ căn cứ vào đây để xây dựng quy hoạch của tỉnh. Ông Mai nhấn mạnh cần xác định không gian phát triển, không gian sống, không gian kinh tế nông nghiệp, không gian kinh tế phi nông nghiệp trong tổng thể bản quy hoạch.

Từ các thách thức trước mắt, ông đề xuất thời gian tới cần khai mở không gian ra phía biển, tạo ra không gian mới, có thêm không gian phát triển kinh tế. Khi khai thác không gian biển thì sẽ khai mở tiềm năng của hơn 700 km đường biển của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông đồng tình với ý kiến của Bí thư Long An, cần đầu tư làm nhanh tuyến đường ven biển cho toàn vùng. Ông nhấn mạnh khi có thêm đường ven biển sẽ giúp khai mở, phát triển các ngành kinh tế biển, cấu trúc lại không gian sống, không gian kinh tế, đẩy mạnh kinh tế ven biển.

quy hoach dong bang song cuu long anh 4

Việc xây dựng đường ven biển miền Tây đóng vai trò rất quan trọng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để có tiền làm đường, ông Mãi cho rằng nên dùng một phần ngân sách đầu tư những công trình then chốt, mang tính chiến lược, động lực. Sau đó, cần huy động nguồn lực xã hội để phục vụ cho phát triển. Ông nhấn mạnh “vốn nằm ngay ở quy hoạch đúng đắn”.

Bí thư Bến Tre đề xuất trong giai đoạn 2021-2025 Trung ương bố trí khoảng 50.000 tỷ đồng để làm vốn mồi, thực hiện các công trình trọng điểm. Nếu 5-10 năm tới, tập trung phát triển giao thông sẽ có điều kiện rất lớn cho phát triển.

Ông Mãi cũng cho rằng không nên e dè trong việc xây dựng cản biển nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long, mà nên mạnh dạn quy hoạch 1-2 cảng biển nước sâu, kết hợp với đường ven biển, đường nội vùng sẽ giúp nâng cao hạ tầng logistics.

Từ xưa đến nay điểm yếu của vùng là việc liên kết, chưa có hiệu quả. Trong bản quy hoạch là phải gắn quy hoạch với nguồn lực phát triển, đây cũng là lần đầu tiên mà bản quy hoạch toàn vùng làm được. Khi đó sẽ có căn cứ để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chú ý kinh tế biển, nhưng cũng ưu tiên kinh tế biên mậu

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND An Giang đưa ra một số góp ý trong quy hoạch. Ông cho rằng xây dựng quy hoạch cần chú ý đến tính bền vững, không chồng chéo giữa các địa phương.

Nói về khó khăn trong vấn đề giao thông, ông Bình cho biết chất lượng đường bộ hiện nay rất kém, chưa đồng bộ, tạo ra khó khăn về phát triển kinh tế. Ông đề xuất quy hoạch phải tập trung cho phát triển hạ tầng, tập trung phát triển giao thông. Việc xác định ưu tiên đầu tư phải làm rất chi tiết và cụ thể.

Lưu ý phát triển kinh tế biển, nhưng ông Bình cũng cho rằng cần phát triển kinh tế khu vực biên giới. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề xuất cần bổ sung lộ trình, xây dựng các khu vực biên mậu, phát triển các đô thị ven biên giới. Cần tính toán đến quy hoạch kinh tế để đặt mối giao thương với Campuchia, Thái Lan cũng như khu vực ASEAN.

Chủ tịch An Giang cũng đề xuất đưa vào quy hoạch việc xây dựng một số hồ trữ nước ngọt ở thượng nguồn. Vị này mong muốn sớm xây 2 hồ nước tại An Giang và Đồng Tháp với diện tích hàng nghìn ha. Mục đích để điều hòa nước ngọt cho các tỉnh hạ lưu, chống xâm nhập mặn, có thể tưới tiêu cho chính xác địa phương.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm