Công cụ theo dõi hoạt động giao dịch tiền mã hóa Whale Alert phát hiện 9 giao dịch Bitcoin liên tiếp sau khi đồng tiền mã hóa này đạt mốc giá 44.000 USD. Với con số trung bình mỗi giao dịch từ 10.200-10.400 đồng BTC, những "cá voi" đã chuyển tổng cộng 111.292 BTC, tương đương hơn 4,8 tỷ USD.
Sau đợt sập giá vào tháng 5, công ty phân tích tiền mã hóa Santimet cho rằng "cá voi" những nhà đầu tư nắm giữ từ 1.000-10.000 BTC đã tiếp tục mua thêm Bitcoin. Những đợt điều chỉnh giá là cơ hội để "cá voi" thu mua gần một nửa lượng cung của đồng tiền mã hóa này.
Danh sách giao dịch được Whale Alert thông báo trên Twitter. Ảnh: Twitter. |
"Những nhà đầu tư cá voi đã sở hữu 49,11% tổng cung của Bitcoin, tiến sát mức cao nhất mọi thời đại là 49,18%", công ty Santimet nhận định.
Santimet cho biết việc Bitcoin tăng trở lại và đạt mốc 44.000 USD khiến nhiều nhà đầu tư phấn khích sau thời gian thị trường tiền mã hóa "sập" giá. Trước đó, nhiều sự kiện tiêu cực liên tiếp như Trung Quốc ra lệnh cấm đào Bitcoin vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hay Tesla ngừng chấp nhận thanh toán khiến đồng tiền mã hóa này giảm hơn 50% giá trị trong vài tháng.
Hiện đồng tiền mã hóa này đang được giao dịch ở mức 44.132 vào rạng sáng ngày 8/8. Giá Ethereum - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai - cũng vượt quá 3.000 USD. Tính từ hồi đầu năm, giá của đồng tiền đã tăng gần 300%.
Giải thích với Zing, ông Edward Moya, chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng giá Bitcoin bật tăng sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Christopher Waller bày tỏ sự hoài nghi đối với đồng tiền kỹ thuật số của FED.
Theo giới chuyên gia, việc các ngân hàng trung ương phát triển đồng tiền kỹ thuật số riêng có thể ảnh hưởng đến những loại tiền mã hóa như Bitcoin. "Thế giới tiền mã hóa vẫn cho rằng FED sẽ tạo ra một loại tiền kỹ thuật số của riêng mình. Tuy nhiên, bất cứ sự do dự hay nghi ngại nào cũng có thể hỗ trợ cho giá Bitcoin và Ether", ông Moya nói thêm.