Cá voi, tắc kè và những điệp viên quân sự kỳ lạ nhất thế giới
Chủ nhật, 5/5/2019 11:01 (GMT+7)
11:01 5/5/2019
Không chỉ có cá voi, cơ quan tình báo khắp thế giới có thể đã sử dụng cả bồ câu, mèo, đại bàng, bồ nông... cho các nhiệm vụ gián điệp.
Sự kiện Na Uy phát hiện cá voi có đeo thiết bị đặc biệt từ Nga một lần nữa củng cố tin đồn về chương trình huấn luyện động vật gián điệp của quốc gia này. Theo Insider, Viktor Baranets, một đại tá quân đội Nga, từng trả lời trên truyền hình rằng nước này không sử dụng cá voi làm gián điệp mà huấn luyện chúng cho mục đích chiến đấu.
Từ những năm 1960, Hải quân Mỹ đã sử dụng cá heo để tìm mìn dưới nước và phát hiện tàu ngầm. Nga cũng đã huấn luyện cá heo cho các nhiệm vụ tương tự. Vào năm 2015, Hamas cáo buộc Israel sử dụng một con cá heo để theo dõi họ, mặc dù có giải thích rằng thiết bị gắn vào cá heo chỉ nhằm tìm hiểu quá trình di cư của chúng.
Sư tử biển có thị lực tuyệt vời, giống như cá heo, chúng rất giỏi trong việc tìm kiếm các vật thể dưới nước hoặc thiết bị thất lạc. Hải quân Mỹ sử dụng cá heo để tìm các loại thiết bị như mìn phi quân sự cho các nhiệm vụ trinh sát thử nghiệm, theo National Geographic.
Bồ câu được sử dụng vào mục đích truyền tin quân sự từ xa xưa. Trong lịch sử hiện đại, chúng được huấn luyện để do thám tình hình đối phương, mang theo thiết bị dẫn đường cho tên lửa. Theo tạp chí Smithsonian, trong những năm 1960 và 1970, quân đội Mỹ đã dùng chim bồ câu bay qua lãnh thổ của kẻ thù và ngăn chặn các cuộc phục kích có thể xảy ra bằng cách thả thiết bị ghi âm khi nhìn thấy quân địch. Pakistan cũng bị cáo buộc sử dụng chim bồ câu vào mục đích do thám Ấn Độ.
Tạp chí Smithsonian cũng tiết lộ Mỹ sử dụng quạ tương tự như chim bồ câu cho nhiệm vụ do thám. Chúng rất giỏi trong việc phát hiện các mẫu vật, vì vậy chúng có thể được sử dụng để phát hiện chiến binh địch. So với bồ câu, quạ có sức mạnh, có thể mang theo thiết bị lớn hơn hoặc nhặt được vật dụng tương đối lớn.
Trong những năm 1960, CIA đã chi khoảng 10 triệu USD để phẫu thuật mèo, biến chúng trở thành thiết bị ghi âm di động để do thám tình hình bên trong đại sứ quán Liên Xô. Tuy nhiên, dự án có tên Acoustic Kitty này đã bị hủy bỏ vào năm 1967 vì những "điệp viên mèo" thường đi lang lang khắp nơi, không thực hiện "nhiệm vụ" của chúng.
Năm 2016, tạp chí New Scienceist thông tin Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ đã lên kế hoạch kiểm soát cá mập từ xa bằng cách cấy điện cực vào não của chúng. Những con cá mập này sẽ được dùng vào mục đích theo dõi tàu ngầm.
Iran từng cáo buộc Israel dùng sóc để làm giáp điệp quân sự. "Trong những tuần gần đây, các nhà hoạt động tình báo đã bắt giữ 14 con sóc trong biên giới của Iran", hãng thông tấn nhà nước IRNA đưa tin. "Những con sóc đang mang theo thiết bị gián điệp của các cơ quan nước ngoài và bị chặn lại trước khi chúng có thể hành động".
Năm 2018, Hassan Firuzabadi, cố vấn quân sự cấp cao của nhà lãnh đạo Iran, Ayatollah Ali Khamenei, nói rằng các cơ quan tình báo phương Tây đã cố gắng tuồn tắc kè hoa vào nước này. Ông nói chúng có thể phát hiện các mỏ uranium. Tuy nhiên, các nhà động vật học đã nói rằng tắc kè hoàn toàn không có khả năng đó.
Vào năm 2011, một thợ săn Saudi đã bắt được một con kền kền Griffon được gắn thẻ "Đại học Tel Aviv" trên chân. Các tờ báo địa phương nêu thuyết âm mưu rằng Israel sử dụng con chim để làm gián điệp. Một năm sau, đến lượt Sudan tìm thấy một con kền kền có đeo thiết bị chứa dòng chữ Do Thái. Gần đây, một phe trong cuộc nội chiến ở Yemen đã cáo buộc một phe khác sử dụng kền kền Griffon làm gián điệp.
Vào những năm 1970, Sudan cũng cáo buộc cơ quan tình báo Mosad của Israel sử dụng chim bồ nông vào mục đích do thám. Đến năm 2011, nước này lại bắt được một con bồ nông có gắn GPS của nhà nước Do Thái. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng khẳng định chú chim được dùng vào mục đích nghiên cứu.
Năm 2011, các chiến binh Hezbollah đã bắn hạ một con đại bàng Bonelli quý hiếm. Các cơ quan truyền thông của tổ chức này xem con chim là gián điệp của Israel. Tuy nhiên, Giáo sư Yossi Leshem, một nhà nghiên cứu về loài chim tại Đại học Tel Aviv, người đã gắn thiết bị theo dõi GPS vào nó khẳng định rằng nó được dùng trong nghiên cứu khoa học. "Thật không may, con chim này đã phạm sai lầm ngu ngốc khi di chuyển đến Lebanon".
Một thuyết âm mưu về việc sử dụng động vật vào mục đích do thám cũng xuất hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2012. Dân làng ở phía đông nam nước này tìm thấy một con chim ăn ong phổ biến ở châu Âu có đeo vòng kim loại quanh chân đóng dấu "Israel".
Vào năm 2013, đến lượt chim cắt lưng hung (kestrel) bị buộc tội làm gián điệp cho Israel. Tại Lebanon, đài truyền hình Al-Manar do Hezbollah kiểm soát nói rằng họ đã phát hiện một con chim cắt mang theo công nghệ của các cơ quan tình báo Israel. Một cá thể tương tự cũng được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ tuy nhiên các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xác nhận thiết bị nó mang theo không có khả năng truyền tín hiệu về Tel Aviv.
Đáp trả thông tin có "cửa sau" trên các thiết bị mạng gia đình của Huawei tại Italy, công ty công nghệ Trung Quốc giải thích đây chỉ là điểm yếu bảo mật.
Huawei liên tục mời phóng viên đến đại bản doanh của mình ở Trung Quốc để giới truyền thông phương tây có cái nhìn cụ thể hơn về "cừu thù công nghệ" của nước Mỹ.
Đại dương vẫn chưa nhiều điều bí ẩn, lý thú và những phát hiện ít ỏi dưới đây sẽ phần nào giúp bạn giải đáp những suy tư bấy lâu về cuộc sống kỳ diệu nơi biển cả.