Nhật Bản đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích sau ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy việc cách ly trên tàu đã không hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan, theo AFP.
23 người nước ngoài được sơ tán khỏi tàu đã xét nghiệm dương tính sau khi về nước. Ngày 23/2, giới chức Nhật Bản thừa nhận một hành khách Nhật Bản được phép rời tàu sau khi xét nghiệm âm tính lại vừa cho kết quả dương tính với virus corona.
Bộ Y tế nước này cho biết một người đàn ông Nhật Bản ngoài 80 đã qua đời vì viêm phổi sau khi rời tàu. Trước đó, hai hành khách cao tuổi cũng tử vong ngày 20/2 sau khi xuống bến.
Trên tàu âm tính, xuống bến lại dương tính
Giới chức Nhật Bản ngày 24/2 cho biết thêm hai nhân viên hỗ trợ cách ly trên du thuyền cũng đã nhiễm virus.
Hai người trên, một nhân viên hỗ trợ cách ly ngoài 50 tuổi và một quan chức Bộ Y tế ngoài 40 tuổi, đều xét nghiệm dương tính và đã nhập viện. Như vậy, 6 nhân viên, quan chức hỗ trợ cách ly đã nhiễm bệnh, càng khiến dư luận nghi ngờ về tính hiệu quả của cách ly trên tàu.
Tàu Princess Diamond trở thành ổ dịch lớn, Nhật bị chỉ trích vì cách ly không hiệu quả. Ảnh: AFP. |
Gần 1.000 hành khách được rời tàu sau khi xét nghiệm âm tính, nhưng những thông tin nói trên đang gây lo ngại lớn về độ tin cậy của các xét nghiệm. Trong số đó là một phụ nữ ngoài 60 tuổi, trở về nhà ở tỉnh Tochigi phía bắc Tokyo bằng tàu hỏa sau khi rời thuyền Diamond Express ngày 19/2. Nhưng sau đó bà bị sốt và cho kết quả dương tính ngày 22/2, các quan chức nói với AFP.
Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato thừa nhận ngày 22/2 rằng 23 hành khách đã được cho xuống bến mà chưa hề xét nghiệm virus trong thời gian cách ly.
“Đã có đánh giá rằng những người xuống bến sau khi xét nghiệm âm tính sẽ không gây vấn đề gì, nhưng giờ đây rõ ràng những người đó lại vẫn dương tính”, Thống đốc tỉnh Tochigi Tomokazu Fukuda nói với các phóng viên, kêu gọi có những “biện pháp tăng cường” nhằm kiềm chế virus.
Ngày 23/2, ông Kato, Bộ trưởng Y tế, nói đang xử lý vụ việc “một cách nghiêm túc và sẽ tăng cường việc theo dõi các hành khách”, bằng cách gọi điện mỗi ngày và yêu cầu họ không ra ngoài nếu không cần thiết hay dùng phương tiện công cộng.
Ngoài những người được rời thuyền sau khi xét nghiệm âm tính, 100 hành khách khác từng tiếp xúc gần với những người dương tính đã rời thuyền để cách ly trên đất liền.
Vẫn ở trên tàu là những hành khách đang đợi chuyến bay sơ tán về nước, và gần 1.000 thủy thủ đoàn - đa số đã không phải cách ly, vì họ vẫn cần di chuyển trong quá trình vận hành tàu Diamond Princess.
Chính phủ tự bảo vệ trước những chỉ trích
Nhưng các ý kiến phê phán cho rằng chính những nhân viên có thể đã vô tình phát tán virus ở khắp con tàu, khiến hơn 690 người nhiễm bệnh Covid-19, theo AFP.
Ông Kato đã bảo vệ cách thức cách ly trên tàu, và nói với một chương trình tivi ngày 22/2 rằng không có cơ sở y tế nào đủ lớn để tiếp nhận 3.000 người cùng một lúc (tức tổng số khách và nhân viên trên du thuyền).
Nhóm hành khách đầu tiên bắt đầu rời tàu ngày 19/2 sau thời hạn cách ly 14 ngày. Ảnh: AFP. |
Nhưng việc các chính phủ nước ngoài sơ tán công dân khỏi tàu, cũng như một video chỉ trích từ một chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Nhật về kiểu cách ly “hoàn toàn hỗn loạn” đã khiến lý lẽ của giới chức Nhật bị lung lay.
Giáo sư Kentaro Iwata của Bệnh viện Đại học Kobe đã đăng lên YouTube những ý kiến chỉ trích, cho rằng du thuyền đã trở thành nơi ủ bệnh để virus corona chủng mới lây lan.
Ông Iwata nói ông tình nguyện lên tàu để hỗ trợ, nhưng đã kinh ngạc về những gì ông chứng kiến bên trong tàu. Trái với quy trình mà ông từng theo khi chống dịch Ebola và SARS, không có sự tách biệt giữa vùng xanh (green zone), tức không có virus, và vùng đỏ, tức có khả năng bị nhiễm virus. Ông nêu lo ngại của mình với quan chức trên tàu và được yêu cầu rời tàu.
“Con tàu hoàn toàn thiếu sót về mặt kiểm soát dịch bệnh”, ông nói trong video. “Không có người nào chuyên về kiểm dịch trên tàu, người phụ trách không phải người có chuyên môn về kiểm dịch, các quan chức phụ trách toàn bộ”.
Nếu không tính tàu Diamond Princess, Nhật Bản có 132 ca nhiễm, bao gồm một số người được sơ tán từ tâm dịch Vũ Hán. Trong nhiều trường hợp, giới chức vẫn chưa thể điều tra ra các ca này nhiễm virus từ đâu.
Shigeru Omi, giám đốc Tổ chức Y tế Cộng đồng Nhật Bản và một cố vấn chính phủ, lập luận rằng đa số ca bệnh đã bị lây virus trước khi Nhật Bản can thiệp vào ngày 5/2.
“Tôi thừa nhận việc cách ly không hoàn hảo, nhưng con tàu không được thiết kế như một bệnh viện. Du thuyền chỉ là du thuyền”, ông nói.
Nhưng ông cho rằng cách thức cách ly vẫn “đa phần” là hiệu quả, và lập luận rằng bệnh nhân trước đó xét nghiệm âm tính, sau lại dương tính, có thể là do độ nhạy của dụng cụ xét nghiệm virus hay do lượng virus nhỏ trong người.
Ông nói Nhật Bản đang ở “ngã ba đường” trong nỗ lực chống dịch, và “một, hai, bà tuần tới sẽ là tối quan trọng”. Ông cũng nói còn quá sớm để nói Tokyo có nên tiếp tục đăng cai Thế vận hội hay không.
“Vì chúng ta đang thấy những ca bệnh mà không biết con đường lây nhiễm từ đâu, đây là giai đoạn quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm hàng loạt”, Thủ tướng Shinzo Abe nói với các bộ trưởng trong một cuộc họp bàn về giải pháp chống dịch ngày 23/2.
Chính phủ đã yêu cầu người dân tránh tụ tập đông người, và thủ đô Tokyo đã hủy một số sự kiện lớn do lo ngại virus.