Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca trực đêm của sinh viên trường Y

Hết hai năm đại cương, tới kỳ II năm ba, sinh viên chuyển sang học lâm sàng tại bệnh viện.

Tiết học lâm sàng của sinh viên Trường Y. Nguồn: kinhtedothi.

Lịch học bắt đầu căng như dây đàn và đều như vắt tranh chúng tôi thực hành ở bệnh viện từ 7 giờ sáng đến 11 giờ 30 rồi vội vàng về ký túc xá để ăn trưa quàng quấy, sau đó lại có mặt tại giảng đường lúc 13 giờ để học lý thuyết. Trong tuần chúng tôi sẽ được bonus thêm 1-2 ca trực đêm nữa. Đúng là học đến khô máu luôn.

Chúng tôi bắt đầu khoác áo blouse đến các giường bệnh với tinh thần “không còn thời gian để nghĩ những câu hỏi làm sao đủ thời gian để học, đơn giản vì các em có nhiều việc để làm và việc khả quan nhất là hãy đâm sầm vào từng mục tiêu và chiến đấu”. Thầy giáo chậm rãi và nhấn nhá từng từ như thổi thêm cả hơi thở, bầu nhiệt huyết cho chúng tôi tại buổi tọa đàm “Học lâm sàng như thế nào?”.

Ấn tượng của tôi về buổi tọa đàm đúng là một buổi hiệu triệu, lên tinh thần cho sinh viên Y trước ngày ra trận. Tôi bảo với Hoàng rằng tôi và cậu ấy sẽ hi sinh đầu tiên vì cả hai đều thiếu những tố chất gọi là “đâm sầm”, “chiến đấu”. Còn Hoàng, cậu ấy bảo hơn cả hiệu triệu, câu trả lời đó chẳng khác gì thầy đang hét vào mặt lũ sinh viên đang ngơ ngác rằng “Lũ nhóc! Mới tí tuổi thôi đã than nghèo kể khổ, tối nay về mở sách ra học bài ngay đi!”.

Sau kỳ nghỉ Tết dương, chúng tôi tỏa về các bệnh viện tại Hà Nội. Tổ 8 mở hàng với học lâm sàng Ngoại khoa tại bệnh viện Bạch Mai. Trong đêm trực đầu tiên, em sinh viên được chị điều dưỡng đãi một bát mì quay trong lò vi sóng vì có công trong việc hỗ trợ chị… khiêng bệnh nhân nặng 80 kg từ cáng qua giường:

- Em trai! Đây nhé, một bát mì kèm quả trứng vịt lộn nóng hổi.

Sáng hôm sau, những “ma cũ” túm tụm một góc thì thầm chia sẻ kinh nghiệm trực đêm cho các “ma mới” còn lại trong tổ. Thỉnh thoảng, những âm thanh “ồ”, “hả”, “trời ơi” lại ré lên, phải chăng bạn mình vừa làm được điều gì vĩ đại.

- Đêm qua tớ học được kỹ năng lấy máu tĩnh mạch. - một bạn trong tổ tâm sự.

- Thiệt hả? Mà tớ nghĩ cậu nên nói là “kỹ thuật” chứ làm gì đến mức “kỹ năng”. Nếu dùng từ “kỹ năng” thì cậu phải thực hành cả trăm, cả nghìn ca ấy. - tôi chống cằm thắc mắc.

- Ừ, nhưng cậu cũng bớt bắt bẻ người khác đi, nếu không, cậu sẽ chẳng học được gì trong đêm trực ngoại trừ việc khiêng vác.

Hết vòng lâm sàng Ngoại khoa, chân trời Nội khoa mới thực sự thử thách những đầu óc rỗng tuếch. Năm thứ 3, chúng tôi dừng lại ở mục tiêu khám, phát hiện triệu chứng và chẩn đoán sơ bộ. Năm thứ 4, khó thêm một chút, sinh viên cần biết đề xuất xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán xác định bệnh.

Năm thứ 6, cảm giác như tiếng trống thúc quân, rằng các em phải biết điều trị bệnh, các em phải biết! Cái năm mà ai cũng ví “sự nghiệp bác sĩ ngập đến hai tai rồi, nếu không học khẩn trương lên, tụi mình sẽ chết đuối trong bể kiến thức”. Và sẽ chẳng ai quên nổi những kỉ niệm học lâm sàng thuở sơ khai, thử thách đầu tiên: hỏi bệnh và làm bệnh án.

Chúng tôi chia từng tốp và đến tận từng giường bệnh vào mỗi sáng sớm. Đoàn quân ấy đi đến đâu, sự ồn ào náo nhiệt tỏa ra nơi ấy. Tới buổi học thứ 2, tại khoa Tiêu hóa, thầy cho 24 con người có 1 phút để tập trung đông đủ tại ban công phía tây đầy nắng và gió.

- Nếu các em còn muốn học và khám bệnh trực tiếp trên bệnh nhân, điều số 1 hãy nhớ và đừng bao giờ để tôi nhắc lại lần 2: Hãy tôn trọng và ý thức, kể cả một viên gạch hay ngọn cây khi các em bắt đầu đặt chân tới bệnh viện.

Sau hôm đó, chúng tôi như đánh vật vào công cuộc đoan trang tính nết, tế nhị trong từng câu chữ.

- Chào bác, bọn cháu là sinh viên Đại học Y Hà Nội, bác có thể cho cháu hỏi bệnh một lát không ạ?

Một sự im lặng bao trùm, 4 con mắt, mà không, có lẽ là 8 con mắt vì tôi đếm thiếu 2 cặp kính cận, chúng cứ nhìn đắm đuối vào nhân vật chính đang ngồi trên chiếc giường nhỏ bé. Bác vẫn ở đó và chẳng nói câu nào, 1 phút, 2 phút rồi 3 phút trôi qua.

- Dạ chúng cháu cảm ơn bác, vậy bác nằm nghỉ nhé ạ.

Ôi, khởi đầu không hanh thông, chắc cả năm tôi học dốt mất…

Kết thúc tuần đầu tiên, tôi bị đánh sập về sự tự tin vốn có bấy lâu nay. Tôi từng ra chợ mua cá dù quên mang tiền, có thể đi ăn phở và được khuyến mãi cả dĩa quẩy giòn rụm, nhưng tôi lại đang loay hoay với bài toán “cách để bệnh nhân hợp tác với sinh viên”. Trên con xe Wave RSX, tôi và Linh Lâm (bạn cùng tổ) tập luyện với nhau qua màn đóng kịch “bác sĩ – bệnh nhân”, dù nó hơi lố bịch trong từng tình huống giả định.

- Sáng nay chúng ta sẽ thăm một bệnh nhân xơ gan do rượu nhé. - Tôi đề xuất.

- Vậy mày sẽ hỏi bệnh còn tao đứng cạnh và ghi chép để sau đó làm bệnh án. Nếu mày vừa hỏi vừa viết, bệnh nhân sẽ cảm thấy đây giống như một cuộc hỏi cung.

- Vậy chúng ta có mang sách theo không? Tao sợ đang hỏi thì lại quên bài.

- Mày có thể làm vậy và bệnh nhân sẽ ngay tức khắc nói rằng “hai cô cậu nên ở nhà đọc sách thay vì đứng ôn bài trước mặt tôi”. Yên tâm, tao đã ghi chép lý thuyết vào cuốn sổ A5 nhét trong túi áo blouse, việc còn lại là áp dụng nó cho tới lúc mượt như cháo chảy.

- Ừ nhỉ, tao thật khùng khi nghĩ ra ý tưởng đó. Nào, phòng 502, giường ngoài cùng, gần cửa sổ, tao thấy nét mặt bác ấy có “tiềm năng” của bệnh xơ gan rượu. [...]

- Này! Lại đây. […]

- Dạ, bác gọi cháu ạ?

- Chúng mày là sinh viên mới hả?

- Nhóm cháu đi ở đây đã hơn 1 tuần. Bác vào viện lâu chưa ạ?

- Xem tờ đầu giường ấy, xem đi, không ai cấm.

Ôi, 2 tuần! Tôi và cô bạn nhìn nhau và đều hiểu ý. Một phép toán đơn giản, 14 ngày với 14 lượt “hỏi cung”, đó là tôi chưa tính đến mỗi ngày sinh viên đều tới thăm hỏi bác mấy lượt. […]

- Bọn mày muốn làm gì trên người tao không? Khám đi! Coi như nay tao chiếu cố vì gặp hai bác sĩ tương lai nhưng lại có gốc gác là dân men rượu.

Tôi học khám gan to, bạn tôi học khám phù, rồi tôi kiểm tra dấu hiệu sao mạch còn bạn tôi lại làm dấu hiệu sóng vỗ với chiếc bụng căng phồng do cổ trướng. Sáng đó, chúng tôi chỉ học duy nhất trên bác bệnh nhân “40” (biệt danh chúng tôi đặt cho bác) và thấy quá đủ các triệu chứng mà sách mô tả.

- Bọn mày đang khám thiếu đấy. - Bác 40 nhắc khi hai đứa tưởng chừng như mình đã khám đủ.

Linh Lâm lấy cuốn sổ A5 trong túi áo blouse ra, hai đứa hối hả tìm kiếm chi tiết còn lại và trả lời.

- Cháu không nghĩ là khám thiếu đâu bác ạ.

- Có, bọn mày không làm động tác ấn vào chỗ dưới xương sườn rồi nhìn vào cổ của tao. Lớp tuần trước, tao thấy cô giáo của bọn mày làm và bảo rằng khả năng tao bị cả suy tim.

Có lẽ đó là buổi học lâm sàng tôi nhớ suốt đời và lần đầu tiên tôi đồng ý với câu nói “bệnh nhân là thầy của bác sĩ”. Một ngày đầy ý nghĩa của sinh viên Y năm 3.

Những buổi học về sau, lắm lúc sinh viên dở khóc dở cười khi áp dụng lý thuyết vào thực tế nhưng quá máy móc và khập khiễng.

BS Thái Doãn Minh / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY