Với mong muốn làm cho sản phẩm mới của mình trông thật khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, ông đã tập trung nhấn mạnh vào thông điệp “Nothing to hide” (tạm dịch: Không có gì để giấu) ngụ ý sẽ không có một chi phí ngầm nào đằng sau dịch vụ viễn thông của công ty.
Trong ngày ra mắt công ty, Sir Richard Branson xuất hiện trong một cái cần cẩu giữa Quảng trường Thời đại ở New York. Sau đó, ông trút bỏ y phục và bên trong mặc một bộ đồ bó sát màu da người, với một chiếc điện thoại hiệu Virgin được che kín phần thân dưới của ông. Xung quanh ông là dàn diễn viên của vở nhạc kịch The full monty của Nhà hát Broadway. Tất cả đều tạo dáng trong cùng một tư thế.
Buổi ra mắt hoành tráng này đã mang lại cho ông sự chú ý mà ông hằng tìm kiếm và thêm một thương hiệu mới được ra đời dưới đế chế Virgin. Với hàng trăm công ty trên thế giới và khoảng mười tỷ đôla lợi nhuận hàng năm, Virgin chính là nơi thể hiện mọi sở thích, đam mê và tính bốc đồng của Branson.
Sir Richard Branson - doanh chủ nổi tiếng nhất nước Anh. Nguồn: businessinsider. |
Trong lịch sử của công ty này, những ý tưởng được yêu thích, bao gồm những chuyến du lịch bằng máy bay và tàu hỏa, điện thoại di động, dịch vụ tài chính, Internet, khách sạn và các gói du lịch đều nảy sinh từ mong muốn và nhu cầu của Branson với tư cách là một khách hàng.
“Lý do khiến tôi khởi nghiệp không phải vì tôi muốn kiếm được thật nhiều tiền mà vì kinh nghiệm của cá nhân tôi đối với các ngành kinh doanh rất ít và tôi muốn tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho bản thân và bạn bè mình”.
Không ai nghĩ rằng Branson có khả năng làm được những việc đó. Năm 15 tuổi, ông nghỉ học để bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên của mình với một tờ báo mang phong cách của tạp chí Rolling Stone - nơi ông có thể lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Vào năm 1966, ông không hề có sở thích kinh doanh. Mặc dù mắc chứng khó đọc, Branson vẫn mong muốn trở thành một biên tập viên. Nhưng hóa ra ông lại làm kinh doanh xuất sắc hơn nhiều. Ngay số báo đầu tiên, ông đã kiếm được 8.000 đôla tiền quảng cáo. Chỉ riêng số tiền này cũng đã đủ cho ông trang trải toàn bộ chi phí. Thậm chí, ông còn không thu phí các quầy báo bán tờ tạp chí của mình.
Thế mà đột nhiên, cậu thiếu niên Richard Branson lại trở thành một doanh chủ tài năng. Toàn bộ tài sản ban đầu mà ông có sau đó được đầu tư vào lĩnh vực âm nhạc. Ông mua những thùng đĩa hát giá rẻ từ nơi chuyên bán hàng giảm giá và bán chúng trên chiếc ôtô của mình cho tới khi kiếm đủ tiền để mở một dịch vụ chuyển phát bằng đường bưu điện vào năm 1970.
Chiến lược của ông đơn giản là cung cấp dịch vụ giá rẻ hơn so với những cơ sở bán lẻ nhàm chán của Anh Quốc. Thời đó, các hợp đồng bán đĩa hát luôn có những điều khoản giới hạn về quảng cáo, tiếp thị, dẫn tới việc khó giảm giá thành sản phẩm.
Sau đó, ông đã mở được cửa hàng kinh doanh đĩa hát đầu tiên của mình trên phố Oxford ở thành phố London. Branson chọn cái tên Virgin (nghĩa là trinh nữ) khi một trong những nhân viên đầu tiên của ông gợi ý cái tên này, đơn giản vì tất cả nhân viên đều là người mới vào nghề kinh doanh.
Đến năm 1972, Branson thành lập Hãng Sản xuất Âm nhạc Virgin và trở nên cực kỳ thành công vì ông ký được hợp đồng với những nghệ sĩ mà các công ty thu âm khác không thể hợp tác được. Chẳng hạn khi dòng nhạc punk mới nổi, ông đã ký hợp đồng với ban nhạc Sex Pistols.
Sau đó, việc ký hợp đồng với các nghệ sĩ và nhóm nhạc như Genesis, Peter Gabriel và Rolling Stones đã đưa Virgin và Branson trở thành những cái tên lớn trong làng kinh doanh âm nhạc quốc tế. Nhưng cuối cùng, ông đã bán Virgin vào năm 1992 để tập trung tài chính cho công ty hàng không của mình.
Cá tính liều lĩnh của Branson được thừa hưởng từ bà Eve, mẹ của ông. Bà Eve từng là vũ công và bà có niềm yêu thích tột độ với những cuộc phiêu lưu. Bà là một trong những tiếp viên trên chuyến bay đầu tiên bay qua dãy Andes mà hành khách trong chuyến bay đó đã phải đeo mặt nạ oxy vì trong khoang máy bay xảy ra hiện tượng giảm áp.
Bà cũng từng đóng giả đàn ông để trà trộn vào một chương trình tập huấn phi công dù lượn chỉ dành riêng cho nam giới. Luật sư Ted, cha của Branson, luôn khuyến khích con trai mình liều lĩnh - từ việc bay qua đại dương bằng khinh khí cầu cho tới lần thử sức gần đây nhất của Branson là thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ với thương hiệu Virgin Galatic. Tháng 7 năm 2011, Branson tuyên bố đã dành tiền để nuôi 440 phi hành gia tương lai với tổng số tiền ước tính là 58 triệu đôla.