Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả thế giới nóng hừng hực

Trung Quốc cảnh báo nhiệt độ tăng cao ở miền nam trong lúc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha báo động vì nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 40 độ C.

Trẻ em tránh nóng tại một đài phun nước ở thủ đô Paris, Pháp hôm 30/6. Ảnh: AP

Hiện tượng toàn cầu ấm dần lên được xem là yếu tố góp phần trầm trọng hóa tình trạng nắng nóng trên thế giới những năm gần đây, gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng và làm hàng nghìn người tử vong.

Châu Âu quằn quại

Châu Âu là "nạn nhân" mới nhất của thời tiết nóng bất thường. Vùng Gironde ở miền Tây Nam nước Pháp ngày 30/6 hứng chịu mức nhiệt độ 42 độ C trong bối cảnh nước này đối mặt mùa hè nóng nhất 10 năm qua. Nhà chức trách Pháp thực hiện hàng loạt biện pháp ứng phó đặc biệt như mở cửa các nơi có máy điều hòa đón cư dân, tư vấn qua điện thoại cho người lớn tuổi, người không thể rời khỏi nhà vì bệnh tật.

Theo AP, giới chức nước này cảnh báo đợt nắng nóng năm nay ở Pháp có thể khắc nghiệt hơn năm 2003, năm nắng nóng kỷ lục với hàng nghìn người chết.

Sau Pháp, thủ đô London của Anh có thể chịu đợt nắng nóng không kém vào ngày 1/7. Nhiều khả năng đây là ngày nóng nhất trong thập kỷ tại xứ sở sương mù với nhiệt độ dự kiến lên đến 36 độ C. Nhiều đoàn tàu được lệnh chạy chậm hơn bình thường, thậm chí một số tuyến bị hủy vì sợ đường ray bị oằn do sức nóng.

Nhà chức trách Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ban bố báo động khi nhiệt độ có lúc vượt ngưỡng 40 độ C. Nhìn chiếc nhiệt kế dừng tại mốc 37 độ C tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha, cô Maria Cerezo, một nhân viên cửa hàng, nói mình chẳng tài nào ngủ nổi và chỉ muốn đi làm ngay để hưởng máy điều hòa.

Trong khi đó, ông Jesus Gutierrez, một người bán nước tại quảng trường Plaza de Colon ở Madrid, kể: "Nước, nước, nước… đó là tất cả những gì khách hàng hỏi". 30 người phải nhập viện vì say nắng ở Madrid kể từ khi đợt nắng nóng bắt đầu vào ngày 25/6.

Tại châu Mỹ, các bang Oregon, Washington và Idaho ở bờ Tây nước Mỹ cũng rơi vào cảnh nắng nóng, dẫn đến một loạt vụ cháy rừng trong những tuần qua.

Châu Á khô hạn

Trong khi đó, châu Á cũng chịu chung số phận. Trung tâm Khí tượng Trung Quốc vào cuối tháng 6 đã cảnh báo về nhiệt độ tăng cao ở miền nam đất nước, trong đó có những nơi lên đến 39 độ C. Thời tiết khắc nghiệt khiến Đại học Sư phạm Trung ương thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc phải mở cửa phòng tập thể dục có điều hòa để sinh viên ngủ tập thể.

Ở Malaysia, Cơ quan Khí tượng đang đợi chính phủ bật đèn xanh cho việc "gieo mây" (phương pháp có thể thay đổi lượng mưa hoặc kiểu mưa bằng cách rải vào không khí các chất hóa học đặc biệt). Thời tiết khô nóng đã hút cạn nhiều hồ chứa khắp Malaysia.

Tại Thái Lan, 22 trong số 76 tỉnh đang đối mặt tình trạng hạn hán, buộc nhà chức trách yêu cầu nông dân ở lưu vực sông Chao Phraya hoãn trồng lúa cho đến khi trời mưa.

Trước đó, nắng nóng vào cuối tháng qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.150 người Pakistan khi nhiệt độ một số địa phương lên đến 44 độ C, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1981. Mất điện khiến người dân không thể dùng quạt. Nước và đèn cũng thiếu thốn trong lúc nhiều người Hồi giáo không được ăn hoặc uống vào ban ngày vào tháng chay Ramadan.

Vài tuần trước đó, hơn 2.000 người đã thiệt mạng vì nắng nóng ở Ấn Độ - con số tử vong cao nhất ghi lại trong hai thập kỷ qua.

Pakistan dùng máy xúc để chôn người chết vì nắng nóng

Chính quyền Pakistan phải sử dụng máy xúc để đào mộ tập thể dành cho hàng trăm nạn nhân thiệt mạng trong đợt nắng nóng kỷ lục.

Sông hồ Ấn Độ nứt nẻ trong nắng nóng gần 50 độ C

Nhiều ao hồ ở Ấn Độ nứt toác vì khô hạn khi nắng nóng kéo dài nhiều tuần khiến hơn 2.200 người thiệt mạng.

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ca-the-gioi-nong-hung-huc-2015070121575648.htm

Theo Huệ Bình/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm