Lance Armstrong từng là biểu tượng vĩ đại, để rồi cũng chính anh tự đạp đổ tất cả khi tạo ra một trong những scandal gian lận lớn nhất thể thao thế giới. Năm 2013, Bleacher Report gọi Armstrong là kẻ lừa dối đáng khinh nhất thế thao thế giới.
Bảy năm sau, trong công cuộc đào xới quá khứ tai tiếng của mình, Armstrong một lần nữa khiến người ta phải trầm trồ theo kiểu: "Ồ, thế là sau bao năm, bản chất của anh ta vẫn không thay đổi".
Lance Armstrong khiến dư luận thế giới tranh cãi vì lời thú tội thiếu ăn năn trong bộ phim tài liệu mới nhất về cuộc đời mình. Ảnh: Bleacher Report. |
Lời tự thú trước hoàng hôn
Mùa hè năm 2016, một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của Armstrong bất ngờ trở thành tác phẩm ăn khách nhất trên bảng xếp hạng của Apple suốt 3 tuần liền. Ở tuổi xế chiều, tay đua người Mỹ vẫn sống khoẻ nhờ tai tiếng.
Hàng triệu người đã tải cuộc nói chuyện của Armstrong, giúp cua-rơ này kiếm về hơn 1 triệu USD. Thừa thắng xông lên, anh bắt đầu bán đời tư của mình ra công chúng. Tháng 12/2018, Armstrong cho phép Architectural Digest, một tạp chí kiến trúc nổi tiếng của Mỹ đến thăm và viết bài về căn biệt thự tại Colorado của mình.
Đoạn video được phát đi trên mạng và rất nhanh chóng, có hàng triệu người xem nó. Hàng nghìn bình luận bên dưới tỏ thái độ hằn học. “Đó là căn nhà được xây bởi sự gian lận”, một người xem viết. “Architectural Digest thật tuyệt vời, lần sau là đến hang ổ của quỷ Satan nhé, hay thôi nhà của Osama bin Laden cũng được”.
Tất cả chỉ mới là khởi đầu. Hai năm qua, cua-rơ người Mỹ đã chuẩn bị cho một bộ phim tài liệu kỹ lưỡng về đời mình với đạo diễn Marina Zenovich. Một bộ phim mang lời thú tội của Armstrong, ở tuổi 48, do Zenovich là một trong những bậc thầy của loại phim tài liệu, người từng là học trò của Roman Polanski và Robin Williams, hai nhân vật xuất chúng của điện ảnh thế giới.
Cô thậm chí không biết tại sao người đã bị cả nước Mỹ nguyền rủa, sau khi bị tước bảy danh hiệu Tour de France vì bê bối doping, lại đồng ý hợp tác.
Ban đầu, Armstrong khá miễn cưỡng. Tuy nhiên, cơ hội kiếm thêm được món hời từ cuộc đời mình là điều Armstrong không thể bỏ qua. Bộ phim mới đây được công chiếu.
Sự ý nhị của Zenovich về scandal tủi hổ nhất lịch sử môn đua xe đạp được thể hiện qua một trong những câu hỏi dành cho Armstrong: “Thật tình anh có muốn xới lại mọi thứ không?”
Armstrong đáp ngay: “Trông có vẻ khủng khiếp nhỉ, nhưng tôi có liên quan (đến việc gian lận). Tôi là người như thế đó ”.
Gần một thập niên đã trôi qua kể từ ngày Ủy ban phòng chống doping Mỹ (USADA), tước toàn bộ bảy chức vô địch Tour de France và cấm tham gia hoạt động thể thao trong phần đời còn lại của Armstrong.
Danh tiếng của anh bị huỷ hoại. Armstrong nhớ lại một lần mình bị vài người hâm mộ chửi bới từ một quán bar bên kia đường. Bạn bè Armstrong lao đến kẻ chửi bới, riêng anh không phản ứng.
Armstrong kể mình đã bị sốc và gần như phát điên vì điều đó. Anh quay lại, gọi cho quán bar, đưa số thẻ tín dụng và tuyên bố sẽ trả tiền cho tất cả những ai đã sỉ nhục mình. “Nói với họ rằng Lance gửi lời yêu thương của anh ấy đến mọi người”, anh nói.
Tuy nhiên, với bộ óc của một nhà làm phim tài liệu bậc thầy, Zenovich nhanh chóng đẩy Armstrong đến một góc khuất khác trong cuộc đời, thay vì hình tượng u sầu và cao cả như anh kể.
Liệu sau những gì đã làm và trải qua, anh có thực sự thay đổi?
Armstrong trong bộ phim tài liệu được phát mới đây. Ảnh: ESPN. |
Câu chuyện bắt đầu chuyển hướng về thời thơ ấu của Lance, nơi anh lớn lên trong căn nhà của một bà mẹ tuổi teen tại Texas. Terry Armstrong, người cha dượng đã cho anh cái họ Amstrong, kể với giọng rầm rì: “Tôi đã biến nó thành một con thú”. Cựu cua-rơ người Mỹ không bao giờ quên: “Ông ta đã đánh tôi”.
Terry Amstrong tự hào rằng mình đã đào tạo nên một kẻ gian lận vĩ đại nhất lịch sử thể thao thế giới. Ông chỉ hối hận vì mình đã không "thúc" đứa con ghẻ quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, ông Terry có lẽ chỉ là một trong số ít những người của dòng họ Armstrong, một trong những dòng họ nổi tiếng nhất thế giới, tự hào về thành viên không mang huyết thống tên Lance.
Năm 2012, nhiều người mang họ Armstrong trên thế giới đã kiện đòi Lance phải đổi họ của mình sau khi bê bối gian lận nổ ra. Truyền thông Texas tiết lộ những người đứng ra kiện khi đó có cả các thành viên của gia đình Neil Armstrong (phi hành gia người Mỹ người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969), và nhiều ca sĩ, VĐV, người nổi tiếng khác.
“Khi nói đến mặt trăng, người ta nghĩ ngay đến cái tên Armstrong. Vậy mà, hành vi xấu xa của Lance Edward Gunderson (tên họ khai sinh của Lance Armstrong) đã bôi nhọ những di sản và lòng tôn kính đối với dòng họ này", luật sư của gia đình Neil Armstrong viết.
Từ một thần tượng vĩ đại trong mắt nhiều người Mỹ, Amstrong trở thành kẻ "xấu nhất trong những kẻ xấu".
Trong lời tự thú lần đầu vào năm 2013, khi nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey hỏi Armstrong lần đầu tiên sử dụng chất kích thích, anh bảo rằng đâu đó giữa năm 90, chắc là khoảng 23 tuổi. Zenovich lặp lại câu hỏi của Oprah, và câu trả lời là 21.
Câu chuyện của Armstrong tiếp tục quay lại căn nhà thời thơ ấu, nơi cha dượng Terry đã hành hạ anh về mặt thể xác, còn mẹ ruột Linda luôn sẵn sàng dung dưỡng cho những hành vi xấu của con trai.
Rick Crawford, HLV thời trẻ của Lance kể lại rằng trong một cuộc thi ba môn phối hợp ở Bermuda, Lance đã cư xử khá tồi tệ. Anh ta phá hỏng chiếc xe tay ga mà Crawford thuê, trả lại không đúng hạn với thái độ cực kỳ thiếu tôn trọng.
Trở về nhà, tay HLV này liền nói với Linda về cách cư xử của Armstrong. “Anh không có quyền làm gì với con trai tôi”, bà Linda đáp.
Zenovich sau đó hỏi rằng liệu có phải tác dụng phụ từ việc sử dụng doping khi còn quá trẻ đã dẫn tới căn bệnh ung thư tinh hoàn của Lance. Anh không chắc chắn cho lắm. "Thứ duy nhất tôi chắc chắn là đã tiêm hormone tăng trưởng (EPO) lần đầu, cũng là lần duy nhất vào năm 1996 - cùng năm phát hiện ra bệnh ung thư”, Armstrong đáp. Anh tin rằng EPO có thể phát triển các tế bào tốt lẫn tế bào xấu.
Lance Armstrong bị người Mỹ coi là kẻ gian lận tệ nhất trong những kẻ tệ. Ảnh: Getty. |
Không bao giờ hối hận
Amstrong dẫn câu chuyện đến trường đại học Houston, nơi Luke, con trai của anh đang thi đấu cho đội bóng bầu dục của trường. Một câu hỏi nhức nhối được đặt ra: Amstrong sẽ nói gì với con trai, người đang là gương mặt nổi bật của đội nếu anh ta muốn sử dụng chất gì đó để tăng cường khả năng?
“Thật là một ý tưởng tồi. Con đang là một chàng trai trẻ, đầy nhiệt huyết ở trường đại học. Nó có thể là một câu chuyện khác nếu con thi đấu ở NFL (giải bầu dục chuyên nghiệp hàng đầu Mỹ). Ở thời điểm này thì nó không đáng đâu”.
Câu trả lời ấy dường như khái quát tất cả những suy nghĩ và thái độ của Armstrong về một trong những màn gian lận nổi tiếng nhất thể thao thế giới. “Định nghĩ đơn giản nhất về doping, theo tôi đó là việc nó phá vỡ những quy tắc”, anh nói. “VĐV nào cũng tiêm và thực tình mà nói, chúng hợp pháp. Bản thân tôi thì biết có gì trong những ống tiêm ấy".
"Tôi luôn hỏi kỹ và luôn chắc chắn thứ gì được đưa vào người mình. Tự tôi là người ra quyết định. Không một ai làm gì tôi cả. Tôi chỉ đơn giản đưa tay ra và đón nhận chúng. Tôi tự trải nghiệm và chọn cách sống chung với chúng". Một lời thú tội ráo hoảnh.
Armstrong khẳng định trong thâm tâm, anh lúc nào cũng nghĩ đến việc khiến cơ thể mạnh mẽ hơn: “Tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ rủi ro nào để đạt được mục đích”.
Hai điều hối tiếc nhất của tay đua này, đó là cách anh đối xử với hai đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là một phần của sự cao cả.
Với Floyd Landis, người đồng đội cũ đã tố cáo Lance sử dụng doping và châm ngòi cho quả bom phát nổ, anh không hề giấu sự giận dữ và hằn học của mình. “Tôi đã có thể rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn, tôi có thể trở thành Landis. Thức dậy mỗi ngày với xung quanh toàn rác rưởi”, anh nói.
Thái độ của Armstrong trong bộ phim tài liệu về cuộc đời mình khiến một bộ phận công chúng Mỹ phẫn nộ. "Anh ta có thể đổ lỗi cho gia đình, bạn bè hay bất cứ thứ gì", USA Today viết. "Sự thật là anh ta đã gian lận, hành xử bẩn thỉu và chà đạp lên tất cả. Hãy để mọi thứ ngủ yên".
"Nhiều cuồng nộ, quá ít ăn năn", Guardian viết về Armstrong. Với anh, sử dụng doping giống như một mánh khoé để chiến thắng, chứ không phải sự gian lận bẩn thỉu. Và Armstrong tin rằng có rất nhiều người đẩy anh đến con đường đó.
Tháng 12 năm ngoái, khi bản sao của bộ phim tài liệu hoàn chỉnh được gửi tới Armstrong, anh bày tỏ sự không hài lòng. Khi bộ phim được công chiếu tại một liên hoan phim vào tháng 1, Armstrong chẳng đến dự và không muốn quảng bá bất cứ thứ gì cho bộ phim.
Anh dường như tiên đoán được hình ảnh của mình, sẽ ra sao trong mắt công chúng khi bộ phim được công chiếu. USA Today gọi Armstrong là một kẻ gian lận trơ trẽn. The Times thì viết: “Nghịch cảnh có thể quăng quật Armstrong, nhưng không thể làm mất đi sự ngạo mạn của anh ta”.
Nhưng rốt cuộc Armstrong có thể trách ai? Người ta chỉ đưa sợi dây, còn anh đã tự quấn nó quanh cổ mình, mỗi lúc một siết chặt hơn.