Ngày 18/4, South China Morning Post đưa tin Indonesia chọn Ayunda Faza Maudya - nữ ca sĩ kiêm diễn viên 28 tuổi - làm người phát ngôn cho nhiệm kỳ chủ tịch G20. Tuy nhiên, quyết định này gây tranh cãi.
Ayunda được bổ nhiệm trong bối cảnh Indonesia đang đối mặt với nhiệm vụ đảm bảo tính cân bằng của nhóm trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Các đại biểu Nga được mời dự cuộc họp G20 ở Washington, Mỹ trong tuần này, bất chấp sự đe dọa tẩy chay của các quốc gia khác.
Việc chỉ định Ayunda Faza Maudya nằm trong nỗ lực đưa hàng loạt người nổi tiếng, nhà khởi nghiệp hay con của các tài phiệt vào những vị trí chính trị của chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ông muốn kết nối với nhóm dân số trẻ của đất nước vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao.
Hiện, hơn phân nửa trong tổng 273 triệu người Indonesia là người dưới 35 tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 16 đến 30 của quốc gia châu Á dao động ở mức 14% vào năm 2021.
Ca sĩ Ayunda Faza Maudya được bổ nhiệm làm phát ngôn viên G20 của Indonesia. Ảnh: The World News. |
Ayunda không có bất kỳ kinh nghiệm ngoại giao hoặc kinh tế. Cô đã đảm nhận vai trò mới từ ngày 31/3. Trong cuộc họp giao ban đầu tiên, cô dường như phớt lờ các câu hỏi về sự tham dự của Putin.
Nhiệm vụ chính của Ayunda là báo cáo kết quả cuộc họp G20 có liên quan đến Indonesia, trong khi vấn đề nhạy cảm sẽ do các đại diện khác xử lý, theo Bloomberg.
Dedy Permadi - phát ngôn viên của Bộ truyền thông - cho biết Ayunda được chọn vì có thể tiếp cận công chúng dễ dàng hơn, đặc biệt là thế hệ Millennial và Gen Z. Khi Bloomberg gửi danh sách câu hỏi về G20 tới Bộ Ngoại giao và Bộ Truyền thông, văn bản sẽ được chuyển đến tay Ayunda với tư cách người phát ngôn.
Trả lời South China Morning Post, Irfan Wahyudi, phó trưởng khoa Khoa học xã hội và Chính trị của Đại học Airlangga, tin rằng việc bổ nhiệm Ayunda có ý nghĩa do cô được đào tạo ở nước ngoài và có sự thúc đẩy của chính phủ trong việc tạo ra hình mẫu cho người trẻ. Nhưng đối với G20, Indonesia cần đại diện có thể phát biểu về vấn đề toàn cầu.