Xin tiếp tục trích đăng tự truyện của ca sĩ - chuyên gia trang điểm chuyển giới Lê Duy, với sự chấp bút của nhà báo Hà Tùng Long.
Chương 5: Cơ cực
Về lại Tây Ninh, chúng tôi không có nhà ở vì đất cũ ba dượng đã trả lại cho người họ hàng mất rồi, không còn cách nào khác, 2 má con tôi phải dắt díu về ở nhờ nhà bà ngoại. Khi về đây tôi, đã bị ốm rất nặng. Má thấy tôi ốm càng ngày càng nặng nên đã chở tôi đi bệnh viện. Ở đây, bác sỹ đã khám và kết luận tôi bị sốt rét ác tính, buộc phải nằm lại bệnh viện để điều trị.
Má đã khóc rất nhiều khi hay biết bệnh tình của tôi. Tôi biết, lúc đó, trong lòng má đang có một cơn bão lớn. Vừa bị chồng phản bội, lại phải xa con thơ, lại vừa mới chân ướt chân ráo về lại quê nhà đang chưa có việc làm thì con đổ bệnh. Bao nỗi lo chồng chất khiến má tôi như muốn ngã quỵ xuống. Có một lần, nhìn thấy tôi ốm yếu như người sắp chết, má đã ôm lấy tôi nức nở: “Con ơi, con phải cố gắng lên, con đừng chết bỏ má ở lại một mình”. Câu nói đó, tôi nhớ hoài. Và cũng chính nhờ câu nói đó của má đã tiếp thêm cho tôi nghị lực, sự mạnh mẽ… để vượt qua bệnh tật dù lúc đó tôi mới chỉ là cậu bé 12 tuổi.
Tôi còn nhớ, có những lần má rời bệnh viện về nhà để giặt giũ và cơm cháo, tôi vì sợ má đi không trở lại nên đã trốn khỏi bệnh viện, nhảy xe lôi về nhà theo má. Mỗi lần như thế bà ngoại lại la rầy má con tôi. Má tôi bất đắc dĩ lắm mới phải tá túc ở nhà bà ngoại chứ thực lòng là rất giận bà.
Ca sỹ chuyển giới Lê Duy. |
Được một thời gian thì tôi khỏi bệnh. Má tôi lại để tôi ở nhà bà ngoại rồi tất tả ra ngoài làm thuê kiếm tiền để nuôi tôi. Tôi không biết má tôi làm nghề gì nhưng có vẻ công việc của má khá vất vả. Thế rồi giữa má và bà ngoại tôi xảy ra xung đột. Má tôi dắt tôi tìm đến nhà ông ngoại (ông ngoại và bà ngoại đã chia tay nhau, ông ngoại đã có vợ con mới) để xin tá túc.
Ông ngoại vốn có một ngôi nhà bỏ hoang đã lâu nên khi má tôi đặt vấn đề thì được ông ngoại đồng ý cho mượn để ở tạm. Má xin cho tôi vào học lớp 4 ở trường gần nhà và tiếp tục mưu sinh với nghề may vá. Chúng tôi sống được một thời gian ngắn thì má tôi khi nghe tin 2 đứa em (con của má với ba dượng) tôi bị dì ghẻ đày vào làm phu đá trong núi liền vội vàng cùng cậu Năm tìm cách vào đón về. Khi vào, cậu em sinh năm 1974 vì giận má tôi nên bỏ trốn vào núi, chỉ có cậu em sinh năm 1973 là chịu về ở với má.
Thời điểm này cũng là thời điểm ông kép hát cải lương từng ở nhờ nhà tôi lúc tôi 7 tuổi xuất hiện. Tôi lờ mờ đoán giữa má tôi với ông kép hát cải lương chắc có mối quan hệ thân tình nào đó. Tuy nhiên, vì trong lòng tôi lúc đó đang rất yêu cải lương lại thầm thần tượng vai diễn Lục Vân Tiên của người đàn ông này nên tôi không suy nghĩ gì sâu sa. Cứ mỗi lần thấy ông ta đến nhà thăm má con tôi là tôi rất vui.
Cho đến một ngày nọ, ông ta đến thăm má con tôi như thường lệ nhưng đến khuya ông ấy không về mà ngủ lại nhà tôi. Lúc đó, tôi mới thực sự nhận thức được, má tôi và người đàn ông kia đang yêu nhau. Một thời gian sau, người đàn ông này thường xuyên lui tới và ở lại nhà tôi. Thi thoảng ông có chở tôi vào đoàn cải lương của ông chơi, mỗi lần như thế tôi vui sướng khôn cùng. Một năm sau má tôi mang bầu và sinh ra một em trai. Em trai chính là con của má với người kép hát cải lương đó. Em trai tôi được khoảng 3 tháng thì ông kép hát cải lương cũng mất tích. Ông đi diễn và không thấy trở về nhà với má tôi như thường lệ.
Má tôi lại phải một mình xoay sở nuôi con. Khổ nỗi, đứa em trai út của tôi rất yếu. Bệnh này chưa khỏi em đã vướng vào bệnh khác. Tôi không hiểu ngày đó em tôi mắc bệnh gì mà toàn bị tiêu chảy. Một đêm phải thay không biết bao nhiêu chiếc tã lót màu trắng. Đến sáng thì dưới gầm giường đã chất đầy một thau tã. Má tôi vì phải bế em nên công việc giặt tã một mình tôi phải cáng đáng.
Mỗi sáng, vừa đặt chân xuống khỏi giường là tôi phải bê chậu tã ra trước hiên nhà, đổ nước vào rồi rũ sạch các vết bẩn bám trên bề mặt sau đó mới cho xà bông vào xát. Giặt xong chậu tã to đùng tôi mới được đi học. Tan lớp lại phải chạy về thật nhanh để nấu cơm và trông em cho má may đồ để còn kịp giao cho khách.
Cuộc sống má con tôi thời điểm đó rất khó khăn và túng quẫn. Thậm chí, có lúc túng quẫn quá nên má tôi đã quyết định bế em tôi lên Sài Gòn tìm ông kép hát cải lương. Lúc đi, má tôi mang theo chiếc xe đạp cũ bỏ lên xe đò lên Sài Gòn để lấy phương tiện đi lại vì không có tiền đi xe ôm. Lên đến Sài Gòn, má con tôi tá túc trong nhà một người bà con của má ở Quận 5. Hàng ngày tôi phải đạp xe chở má tôi đi khắp Sài Gòn để tìm nhà ông kép hát.
Tìm được nhà rồi nhưng má tôi không dám đến gần nhà của ông ấy vì má sợ vợ lớn của ông ấy biết chuyện. Má tôi bế em tôi đứng ở đằng xa, bảo tôi mang chiếc bình sữa đến quán cà phê của mẹ ruột ông kép hát cải lương (tức bà nội em trai tôi) xin sữa cho em tôi bú. Tôi nhớ, mỗi lần thấy tôi mang bình sữa đến trước quán cà phê xin sữa là những người ở đó tỏ ra rất khó chịu.
Có lần, vừa xin được ít sữa má chưa kịp cho em tôi bú thì trên đường về khi đi qua bùng binh do xe cộ đông quá nên tôi không vững lái làm đổ xe ngã xuống vỡ tan cả bình. Trong quãng thời gian tìm đến nhà ông kép hát, ông ấy không một lần ló mặt để gặp con trai mình, còn những người thân của ông ta dù biết đó là con của ông ấy nhưng họ cũng không tơ tưởng gì. Thấy chẳng có chút hy vọng nào về việc ông ấy sẽ giúp đỡ má con tôi nên má con tôi lại đùm gói đưa nhau về lại Tây Ninh.
Trở lại Tây Ninh em tôi lại tiếp tục bị bệnh. Bệnh em tôi mắc là chứng bệnh rất lạ. Em ăn uống rất ít nhưng lại suốt ngày bị tiêu chảy. Mới ốm một tuần mà người chỉ còn da bọc xương. Đã thế da lại bị nhăn nhúm lại như da của một con khỉ con. Có lần, đang bế em thì tôi thấy mắt em trợn trắng lên. Sợ quá tôi gọi má: “Má ơi, sao mắt thằng Đởm nó trợn trắng lên sợ quá!”. Má tôi lúc đó đang gội đầu ngoài sân liền chạy vội vào, nhìn thấy em tôi như thế má tức tốc bảo tôi lấy xe đạp chở má và em ra bệnh viện. May là bệnh viện chỉ cách nhà hơn 1km nên đến em tôi được cứu kịp nếu không tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Bệnh của em tôi sau này được mọi người gọi là bệnh đau bang khỉ, nghĩa là nhìn em tôi giống như một con khỉ con. Vì bệnh này mà một tháng em tôi phải sống 20 ngày trong bệnh viện. Má tôi cũng dẹp luôn tiệm may vì không còn thời gian và tâm trí để may vá, khách khứa cũng vì thế mà bỏ đi sang chỗ mới hết. Nguồn sống duy nhất của mấy mẹ con lúc đó là những bộ quần áo cũ của má. Má cứ chọn chiếc quần, áo nào còn mới lại mang ra bán để lấy tiền cầm cự qua ngày.
Một lần, má đưa tiền cho tôi bảo đi đong 1 lít gạo (1 lít gạo hồi đó tương đương với 3 lon sữa bò), trên đường về nghĩ tới cảnh những cô gái Ấn Độ vẫn hay đội gạo trên đầu trong phim nên tôi bắt chước làm theo. Không ngờ đang đội thì chậu gạo đổ ụp xuống đất. Tôi sợ hãi vô cùng. Vội vàng hốt gạo vô chậu và khóc liên hồi vì sợ bị đòn. Phải nói thêm, thời điểm trở về từ Long Toàn bắt đầu cuộc sống mới, tôi thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn của má. Bao nhiêu sự ấm ức, khổ cực, đắng cay… không biết trút lên đầu ai má lại trút lên đầu tôi. Chỉ cần má nổi cơn bực tức là nồi niêu, nắp vung, bát đũa… có thể bay vèo vèo. Chuyện tôi bị sứt đầu mẻ trán, bầm dập thân thể… vì những cơn giận của má cũng trở thành cơm bữa
. Má tôi lúc đó trở thành một con người khác, dễ cáu bẳn, dễ nổi giận và dễ động tay chân… dù trong lòng lại rất yêu con. Chính vì thế khi làm đổ gạo tôi hoảng loạn thực sự. Chỉ cần nghĩ đến việc má biết chuyện tôi làm đổ gạo là tôi sẽ không còn đường sống. May mắn làm sao, đúng lúc tôi đang hốt gạo thì ông ngoại đi qua (ông ngoại tôi lúc đó làm chủ nhiệm hợp tác xã). Thấy tôi vừa hốt gạo vừa khóc nên ông dừng lại hỏi: “Ủa, làm gì mà mày vừa hốt gạo vừa khóc thế?”.
Tôi kể lại toàn bộ sự thật cho ông ngoại nghe, ông nói: “Thôi, mày đến hợp tác xã ông đưa cho gạo khác mà mang về không má mày đánh mày chết”. Đến kho hợp tác xã ông ngoại lại đưa cho nhiều hơn số gạo tôi đã mua. Khi về, má tôi cứ thắc mắc không hiểu vì sao hôm nay tôi lại mua được nhiều gạo đến thế. Tất nhiên là tôi không dám kể cho má nghe chuyện tôi làm đổ gạo. Đến tối, khi 2 má con đang ăn cơm thì ông ngoại tôi qua nhà chơi. Thấy ông ngoại cứ cười cười nên má tôi hỏi: “Làm gì mà ba cứ cười cười vậy?”. Ông ngoại tôi lúc đó mới kể lại cho má tôi nghe câu chuyện tôi làm đổ gạo.
Thời gian sau, khi không còn quần áo để bán nữa má tôi đành phải quay sang bán cháo gà. Mỗi tối, má lại nấu một nồi cháo gà to ra phía đường lớn gần nhà ông ngoại để bán. Sau đó má còn bán thêm thuốc lá và bánh mỳ. Cứ được đồng lãi nào má lại lo thuốc thang cho em tôi. Một buổi chiều, sau khi tắm cho em tôi xong, má cho em đứng lên giường để chuẩn bị mặc quần áo thì phát hiện em tôi chỉ đứng được một chân, còn một chân kia co lại. Má dùng tay gãi dưới lòng bàn chân còn lại thì bàn chân này không có cảm giác.
Má tôi hoảng hốt bảo: “Chết rồi, hay thằng Đởm bị sốt tê liệt” (thường sau khi bị sốt tê liệt trẻ em hay bị bại liệt nửa người hoặc các chi). Nói rồi má ôm em khóc, tôi cũng khóc theo. Thấy thế, người hàng xóm bên cạnh nhà chạy sang, sau khi biết rõ sự tình người này mách cho má con tôi tìm đến một ông thầy chữa bệnh này rất giỏi, ở cách nhà tôi mấy cây số.
Từ đó, sáng nào tôi cũng phải chở em qua nhà ông thầy để thầy bấm huyệt, châm cứu cho em. Tôi chở em bằng cách đặt em lên yên xe còn tôi ngồi ở phía sau gác chở hàng rồi đạp đi. Lúc đó tôi mới được 13 tuổi. Và phải mất 2 tháng trời ròng rã em tôi mới lành bệnh. Em tôi vừa dứt bệnh liệt chân thì lại được một người quen mách cho biết có một bà thầy chữa bệnh đau bang khỉ rất hay. Vậy là tôi lại có trách nhiệm đạp xe chở má và em tôi tìm đến gặp bà thầy đó để chữa bệnh bang khỉ cho em. Tôi không còn nhớ địa chỉ cụ thể của nhà bà thầy thuốc đó nữa, chỉ biết, với một đứa trẻ 13 tuổi như tôi hồi đó thì quãng đường đến nhà bà thầy thật là xa. Không chỉ xa mà còn rất ngoằn ngèo vì nhà của bà thầy nằm giữa cánh đồng.
Lần đầu tiên gặp bà thầy, trong tôi đã dấy lên một cảm giác sợ hãi khủng khiếp. Bà có khuôn mặt rất ma quái, hai con mắt cứ lừ lừ như muốn “làm thịt” người đối diện. Vừa nhìn thấy em tôi bà phán luôn một câu: “Đúng rồi, tìm đến đây là đúng rồi. Bị đau bang khỉ, cứ ngồi chờ đấy”.
Nói xong bà ra phía trước nhà dùng tay moi lên hai nắm đất sét rồi nắn thành hai con khỉ. Bà nắn rất nhanh và rất giống khỉ thật. Một con khỉ bà để ở ngoài hiên còn một con bà mang vào nhà đặt trước bàn thờ làm phép. Sau đó bà dùng con khỉ đó vỗ nhẹ vào người em tôi để hút bang khỉ ra. Trước khi về, bà còn đưa cho má tôi mấy gói thuốc để về nhà cho em tôi uống. Nhờ có thuốc của bà mà bệnh bang khỉ của em tôi giảm rõ rệt. Không lâu sau em tôi hồi phục rồi khỏe mạnh bình thường. Sự việc này khiến mẹ tôi sống bớt nặng nề hơn.
Thời điểm đó, một buổi tôi đi học, một buổi tôi đi bán vé số dạo để phụ giúp má. Có lần, khi đang đi bán vé số thì có một nhà mở tuồng cải lương “Lan và Điệp”, mê quá, tôi đứng lại nghe. Vì mải mê nghe nên quên mất là giờ sổ vé đang đến gần trong khi trên tay vẫn còn một sấp vé dày cộm chưa bán được. Tôi vừa chạy đi vừa khóc, gặp ai cũng mời… may mắn là hôm đó mọi người thương tình mua ủng hộ gần hết sấp vé, nếu không thì không biết lấy tiền đâu mà đền cho người ta. Nhờ đi bán vé số dạo mà tôi phát hiện ra cách nhà mình khoảng 2km có một ông già mở lớp dạy hát đờn ca tài tử. Vậy là cứ tối tối, tôi lại lén má đi học hát ở lớp của ông giáo già. Được mấy tháng thì tôi đã có thể hát được một bài cải lương hoàn chỉnh.