Xin trích đăng chương 3 cuốn tự truyện Cung đàn lỗi nhịp của ca sĩ - chuyên gia trang điểm Lê Duy, với sự chấp bút của nhà báo Hà Tùng Long.
Lạc vào thế giới mới
Thời điểm đó cũng là năm tôi được bước vào lớp 1. Đáng lẽ tôi được đi học lớp 1 vào năm 7 tuổi nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ bị đi tù, ba thì suốt ngày vắng nhà chẳng màng gì đến anh em tôi nên nên tôi chẳng được ai cho đến trường như chúng bạn. Ba dượng tôi đi nhiều đến nỗi anh em tôi bị bỏ đói thành quen. Có lần, đứa em thứ 2 của tôi bị đói quá nên lả đi. Hàng xóm chạy qua tưởng em tôi bị trúng gió nhưng khi lấy cho em tôi một chén cơm, ăn xong được một lúc nó tỉnh lại liền.
Tôi rất muốn được đi học như bọn bạn trong xóm nhưng không biết làm cách nào để nói điều đó ra với ba tôi. Thực sự, kể từ khi biết ông là ba dượng, tôi với ông như có một khoảng cách không thể xóa lấp. Tôi sống dè dặt và cảnh giác với ông nhiều hơn. Thế rồi, một ngày nọ, bỗng dưng dì Út (em ruột má tôi) mang qua cho tôi một cái cặp xách, bên trong có một số tập vở và mấy cây viết chì. Cầm chiếc cặp xách và những cuốn tập dì Út trao mà tôi òa lên một niềm vui khôn tả. Lúc đó, tôi như muốn hét lên thật to nỗi sung sướng mà tôi đang có.
3 tháng sau má tôi được thả tự do. Lúc nhìn thấy bóng má từ xa, tôi đã chạy thật nhanh và hét lên thật to để các em trong nhà biết. Tôi ôm chầm lấy má khóc nức nở. Má cũng ôm chầm lấy tôi và 2 em… rồi khóc như không thể dừng lại được. Sau này, chính má kể lại cho 3 ba anh em tôi nghe những cảm nhận của má khi nhìn thấy con mình sau mấy tháng trời xa cách. Má bảo, lúc nhìn thấy 3 anh em tôi, má không nhận ra con mình nữa. Vì cả 3 đứa, đứa nào cũng gầy guộc, xanh xao, đầu tóc rối mù, quần áo bẩn thỉu, người đầy ghẻ lở… Về hôm trước, hôm sau má tôi nhờ người cắt phăng mái tóc rất dài mượt của mình rồi cạo trọc đầu. Thời đó, ở vùng tôi, nhiều người vẫn làm như thế mỗi khi gặp chuyện xui xẻo, không may mắn. Họ xem đó như một cách xả sự đen đủi đang đeo bám mình.
Thời gian đó, tôi cũng cảm nhận thấy, kể từ lúc má tôi đi tù về, gia đình tôi không được hạnh phúc như trước nữa. Giữa ba và má tôi đã xuất hiện một sự rạn nứt vô hình nào đó mà tôi không thể cắt nghĩa được. Không lâu sau ba tôi đi xa. Hồi đó, ở quê tôi có phong trào góp sức xây dựng các công trình thủy lợi, mỗi một nhà phải có một người nam tham gia phong trào chung ấy.
Lê Duy đã từng trang điểm cho rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong showbiz, trong đó có Hoa hậu Mai Phương Thúy, Ngọc Hân, Á hậu Tú Anh, người đẹp Hồng Quế. Cô cũng là một ca sĩ. |
Để mưu sinh, má tôi bắt đầu học may vá và tự mở một tiệm may ở nhà. Đó cũng chính là thời điểm tôi phát hiện ra mình rất thích những màu sắc rực rỡ và sự mềm mại của vải vóc. Vì quá thích nên mỗi lần má tôi đi vắng, tôi lại lấy những tấm vải khách hàng mang đến may khoác lên người rồi đứng trước gương soi hàng tiếng đồng hồ không chán mắt. Mỗi lần như thế, tôi cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới khác, thế giới đó chỉ có mình tôi với sự thích thú được thỏa mãn, không bị ai cấm đoán.
Càng ngày, tôi càng “ghiền” những khoảnh khắc riêng tư rất khác lạ ấy. Thậm chí, tôi lượm những mảnh vải vụn má thải ra để bắt chước má khâu thành những bộ quần áo búp bê xinh xắn. Mà thật lạ là những bộ quần áo đó tôi tự may nhưng lại rất khéo và hầu như bộ nào cũng vừa khít với búp bê. Có lần nhìn thấy những bộ quần áo búp bê của tôi, má tỏ ra rất ngạc nhiên. Má hỏi tôi “Ai may cho con những bộ quần áo này”. Tôi bảo với má “Con nhìn thấy má cắt may nên con bắt chước”. Má tôi xoa đầu tôi cười thật tươi và nói “Vậy là sau này con có thể kế nghiệp của má được rồi”.
Rồi một ngày nọ, quê tôi được đón đoàn cải lương Tây Ninh về diễn. Do thời đó, ở quê tôi chưa có khách sạn hay nhà nghỉ nên các nghệ sỹ của đoàn cải lương về toàn phải ở nhờ nhà dân. Nhà tôi cũng có 2 nghệ sĩ (1 nam và 1 nữ) đến xin ở nhờ. 2 nghệ sĩ này là 2 diễn viên chính của đoàn. Cũng nhờ thế mà má con tôi được tặng vé để vào xem cải lương miễn phí.
Phải nói rằng, ngay từ phút giây đầu tiên được tiếp xúc với sân khấu cải lương tôi như bị mê hoặc trong sự lung linh của sân khấu, của tiếng nhạc và của những bộ phục trang lấp lánh. Tôi còn nhớ, hôm đó tôi được xem vở cải lương “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga”. Người nghệ sĩ đóng vai Lục Vân Tiên cũng chính là người đang ở nhờ trong nhà tôi. Sau khi xem xong vở này, tôi cứ thơ thẩn như người mất hồn. Trong đầu tôi lúc nào cũng ám ảnh một ý nghĩ duy nhất: “Nhất định mình sẽ trở thành một diễn viên cải lương”.
Cũng từ đó, tôi ăn ngủ với những vai diễn mà tôi đã được xem và những điệu cải lương mà tôi được nghe. Đi đâu, làm gì, với ai… tôi cũng có thể hát một cách say sưa những câu cải lương mà tôi đã học được sau khi xem xong các vở diễn. Cải lương vì thế trở thành liều thuốc tinh thần hết sức nhiệm mầu mỗi khi tôi buồn, tôi cô đơn.
Sau này, trong xóm tôi có nhà tậu được một chiếc ti vi đen trắng. Thời đó, phải nhà nào có điều kiện lắm mới có thể mua nổi được một chiếc ti vi. Vì thế, tivi như trở thành một vật gì đó rất quý hiếm và cao sang trong suy nghĩ của những người dân nghèo ở xóm tôi. Cứ hễ đến tối thứ 7, nhà đó lại mở chương trình cải lương ra cho mọi người trong xóm cùng xem. Từ đó, tôi được xem nhiều hơn những vở cải lương. Có ba vở diễn đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khiến tôi như bị “ám ảnh” đó là: “Tiếng trống Mê Linh” do nghệ sĩ Thanh Nga - Thanh Sang thủ vai chính; vở “Nhị kiều tướng quân” do nghệ sĩ Diệu Hiền đóng vai chính và vở “Thái hậu Dương Vân Nga” do nghệ sĩ Bạch Tuyết đóng chính. Vì mê mẩn cải lương nên tuần nào tôi cũng mong sớm đến thứ 7 để được xem.
Phải kể thêm rằng, từ ngày má tôi mở tiệm may thì cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ vất vả hơn. Ba tôi sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân trở về, do không có công ăn việc làm nên má tôi phải chạy vạy khắp nơi để mở một sạp bán gạo ở chợ gần nhà. Kể từ khi có sạp gạo, ba dượng tôi đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, ba dượng tôi lén lút quan hệ tình cảm với một bà cũng là chủ sạp gạo trong chợ. Khi có quan hệ với người đàn bà này, ba dượng tôi trở thành một người đàn ông vũ phu, lạnh lùng và tàn nhẫn. Ông thường xuyên đánh má mỗi khi có điều gì đó không vừa ý.
Cứ vài hôm ba lại đánh má tôi một lần. Đánh xong, ba tôi lại qua nhà nhân tình ở lại, không đoái hoài gì đến má con tôi. Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần ba đánh, má tôi khóc rất nhiều. Nhiều lần, vì không thể ngăn được ba đánh má nên tôi chạy bộ 2 cây số lên trạm công an nhờ chú công an xuống can thiệp. Khổ nỗi, vì quãng đường khá xa nên khi chú công an xuống đến nhà thì ba tôi đã bỏ đi và má tôi thì đang ngồi khóc với rất nhiều vết bầm tím. Nhưng từ đó, trong tôi dấy lên một sự căm phẫn ba dượng tôi tột độ. Tôi ước, giá như tôi gặp được ba đẻ thì tôi sẽ mách với ông chuyện ba dượng đánh má để ông đánh cho ba dượng một trận.
Tôi nhớ, sau một thời gian sống chung với nhân tình, ba tôi quay trở về ngủ lại nhà tôi một đêm. Giữa đêm khuya, khi cả nhà đang say giấc thì có tiếng đập cửa ầm ầm. Tiếng đập cửa và tiếng la hét lớn đến nỗi cả nhà tôi phải thức giấc. Má tôi vừa mở cửa thì có một người đàn bà cầm dao xông vào nhà đuổi ba tôi chạy. Tôi, với bản năng của một đứa trẻ, nhìn thấy người đàn bà kia cầm cây dao, tôi cũng chạy vào bếp cầm một cây dao ra để bảo vệ má tôi. Sau một hồi chơi trò “đuổi bắt” trong nhà tôi, ba dượng tôi cuối cùng cũng ngoan ngoãn theo nhân tình đi về nhà của bà ta. Trước khi ra về, bà nhân tình kia không quên mắng nhiếc, chửi bới má tôi thậm tệ.
Má tôi lúc đó vì muốn bảo toàn cho các con nên đã cắn răng hứng chịu tất cả sự nhục nhã và đau đớn. Hai người kia đi rồi, má lặng lẽ đưa chúng tôi lên giường rồi ôm chúng tôi vào lòng. Má không dám khóc thành tiếng mà nấc ngẹn từng cơn đầy đớn đau. Tôi biết, má đang trong cơn tột cùng của nỗi đau bị phản bội nhưng tôi không dám lên tiếng. Tôi “ôm” tiếng khóc của má chìm dần vào giấc ngủ. Tuy nhiên, thi thoảng tôi lại giật mình hoảng loạn, phát ra những tiếng ú ớ trong vô thức khi hình ảnh người đàn bà hung dữ cầm cây dao sắc nhọn đuổi ba dượng tôi chạy lòng vòng trong nhà lại hiện về.
Phần tiếp: Trốn chạy