Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cà phê rớt giá, tiền tỷ bốc hơi

Những vườn cà phê mênh mông trái chín đỏ cành năm nay không rộn tiếng cười như năm trước, vì năng suất, chất lượng, giá cà phê đều giảm.

Đợt nắng hạn kéo dài đã tác động mạnh đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cà phê ở Tây Nguyên. Niên vụ 2014-2015, tỉnh Đắk Lắk có hơn 203.000 ha cà phê, cao hơn vụ trước 185 ha, nhưng sản lượng giảm tới 18.000 tấn.

Cần tiền vẫn phải bán

Bà Lê Thị Hải (xã Cư Dliê Mnông, Cư Mgar, Đắk Lắk) nói: “Thời điểm đầu mùa thu hoạch niên vụ trước, giá cà phê tươi đạt 9.000-10.000 đồng/kg. Năm nay, đầu vụ nhưng thương lái chỉ thu mua với giá 6.000-7.000 đồng/kg cà phê tươi. Vừa rồi kẹt tiền, nhà tôi phải bán 1 tấn cà phê nhân với giá 34.000 đồng/kg, để lo tiền cho con ăn học và trang trải nợ nần. Bán giá này, nông dân chẳng lời lãi chút gì, chỉ vì phải chạy theo giá tư thương tự đưa ra thôi”.

Cách nhà bà Hải 15 km, nhà ông Nguyễn Văn Truyền (xã Ea Tar, huyện Cư Mgar) có 6 ha cà phê được đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng. Nhưng năm nay mưa to nối liền nắng gắt nên cà phê nhanh chín hơn, rụng đầy đất, nhân rất nhỏ. Ông Truyền nhẩm tính, các năm trước, 1 ha cà phê cho thu hoạch 5-6 tấn nhân, nhưng năm nay chỉ thu được chừng 4 tấn, coi như bay hơi cả trăm triệu đồng. Vốn đầu tư trung bình mỗi hécta/vụ khoảng 40-50 triệu đồng, chưa kể tiền công.

“Nông dân ở đây chủ yếu bán cà phê cho các đại lý thu mua nhỏ lẻ, thường mất vài giá so với giá thị trường. Trung tuần tháng 10, thị trường mua 42.300 đồng/kg nhưng chúng tôi chỉ bán được 42.000- 42.100 đồng/kg. Biết là thiệt, nhưng cần tiền nên phải bán thôi”, ông nói.

Do chất lượng cà phê giảm, nhiều tiểu thương ép giá. Bà Lê Thị Phương (huyện Krông Pắk) nói: “Mấy hôm trước tôi bán mấy tạ cà, đại lý chê nhân nhỏ. Nếu cà cũ thì họ mua với giá 35.500 đồng/kg, còn cà mới chỉ mua 34.500 đồng/kg. Tới hôm nay, giá cà phê mua trên địa bàn đã hạ xuống chỉ còn hơn 33.000 đồng/kg”. Từ đầu năm, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh cà phê đã mua gom hàng trăm tấn cà phê nhân chờ giá tăng cao. Nhưng giá cà phê nhân ngày càng giảm sâu khiến họ lâm tình cảnh bán cũng không được, giữ cũng không xong, chịu lỗ từ vài trăm triệu đến bạc tỷ.

Mới giữa vụ thu hoạch mà gia đình anh Y Bel ở xã Ea Tar đã hái gần hết cà phê, xát thành hạt để bảo quản. Anh nói rằng, gia đình có 3 ha cà phê, mọi năm thu hoạch hơn 12 tấn, nhưng năm nay chỉ thu được gần 8 tấn, mất cả trăm triệu đồng. “Năm nay mất mùa, lại rớt giá. Để trả tiền thuê nhân công hái cà, tôi phải bán một ít, còn lại cất trữ đợi khi cà lên giá”, anh cho biết.

Gia đình bà Lê Thị Hải thu hoạch cà phê.

Gia đình bà Lê Thị Hải thu hoạch cà phê.

Gia đình ông Đinh Hữu Đằng (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) có 1 ha cà phê. Những năm trước thời tiết thuận lợi, gia đình thu hoạch 5-6 tấn cà phê nhân/vụ, nhưng vừa qua nắng hạn kéo dài, không đủ nước tưới, nên cà phê cho quả nhỏ, hạt lép, một nhân xuất hiện nhiều. “Vườn cà phê nhà tôi năm nay chỉ hái được khoảng 3 tấn, thấp hơn vụ cà phê năm ngoái 2 tấn. Cà lại rớt giá, thu hoạch không đủ chi phí bỏ ra, người sản xuất cà phê chỉ lấy công làm lãi”, ông Đằng than thở.

Khó thuê nhân công

Việc thuê nhân công cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Ea Kiêng, huyện Krông Pắk) nói: “Cứ đến mùa, gia đình tôi thuê 2 người làm công. Khoán theo sản lượng, 75.000 đồng/tạ. Hái được một ngày, họ đã bỏ về kiếm việc khác. Họ nói một ngày hái không được 1 tạ thì chúng tôi không có tiền về quê”.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ đành tự hái. Anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho biết: “Công thuê hái cà phê đến nay đã là 170.000 đồng/ngày, trong khi giá cà phê lại quá thấp. Nếu thuê nhân công thu hoạch thì chỉ vừa đủ trả tiền công. Thế nhưng vẫn không tìm đâu ra người để hái, nên gia đình tự hái, tới đâu hay tới đó”.

Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 (Đắk Lắk), cho biết, giá cà phê hạ, lợi nhuận doanh nghiệp giảm rõ rệt. Khi giá xuống thấp, nông dân găm hàng, hạn chế bán ra nên công ty không mua được. Công ty buộc phải tăng lên vài giá so với ngoài thị trường để mua đủ hàng xuất khẩu đúng thời hạn cam kết với nước ngoài. “Nông dân đã biết lo tạm trữ trước những biến động của thị trường. Công ty phải chậm bán lại, chậm phát sinh các hợp đồng mới”, ông nói.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Giá cà phê giảm, người nông dân có tâm lý hái sớm nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê và cả vụ thu hoạch vào mùa sau. Cà phê vẫn được xác định là cây công nghiệp chủ lực, song, cần làm gì để người dân có thể sống và làm giàu từ cà phê vẫn là bài toán khó”, ông nói.

Trước thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tạm ngưng cung cấp tất cả các sản phẩm cà phê hoà tan khiến mặt hàng cà phê G7 trở nên khan hiếm, giá tăng vọt, phóng viên báo Tiền Phong đã trao đổi với Phó tổng giám đốc Công ty Võ Thị Hà Giang. Bà Giang nói: “Tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn ổn định, có nhiều đơn hàng lớn từ Âu, Mỹ. Cuối năm nào lượng hàng cà phê hòa tan G7 cung cũng không đáp ứng đủ cầu, dù các nhà máy của công ty chạy hết công suất. Gần đây, công ty phải tạm ngưng hoạt động một số dây chuyền, tổ máy để bảo trì, nên có gián đoạn cung ứng, nhưng nguồn hàng cung ứng ra thị trường đã trở lại bình thường từ ngày đầu tháng 12/2015”.

Cà phê Việt Nam thời khủng hoảng kinh tế thế giới

Kể từ đầu năm đến nay, giá hạt cà phê Robusta đã tăng 10%, không phải do người trồng cà phê Việt Nam găm hàng mà chủ yếu do giá hạt cà phêArabica tăng vọt buộc các nhà chế biến tăng cường sản xuất cà phê tan.

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/ca-phe-rot-gia-tien-ty-boc-hoi-946627.tpo

Theo Nga-Mai-Thảo/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm