Kết quả nghiên cứu về tình trạng mắc nợ của nông dân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên công bố tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Việt Nam ngày 9/12 cho biết, gần 70% khoản vay dành để đầu tư cho nông nghiệp và 7% để trả các khoản nợ đã có. Trung bình mỗi hộ nợ khoảng 44 triệu đồng. Nợ xấu, không có khả năng chi trả là gần 20 triệu đồng.
Trong đó, 77% là nợ từ các dịch vụ cho vay tư nhân với lãi suất cao, 17% là nợ họ hàng, bạn bè, 6% là nợ xấu từ ngân hàng. Khoảng 90% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy gánh nặng nợ nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Lý do người dân vay nặng lãi từ tư nhân rất đa dạng: không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất. Trong khi đó vay từ tư nhân thủ tục đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn.
“Nợ chồng nợ khiến chương trình phát triển của nhà nước không hiệu quả. Sự trợ giúp của nhà nước không thấm vào đâu so với số nợ người ta phải trả,” TS. Hoàng Cầm, Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Sống chung với nợ, vay nợ để sống
Theo nghiên cứu, quan điểm sinh kế của người Tây Nguyên lạc hậu, cần xây dựng chính sách giúp họ thoát nghèo và làm giàu là thể hiện trong chính sách phát triển Tây Nguyên sau năm 1975.
Cho đến những năm 90, Đảng và nhà nước đã có một loạt chính sách, tiếp cận theo ba khía cạnh: quan hệ sản xuất, văn hoá tư tưởng và khoa học kỹ thuật để giúp người dân tộc ở Tây Nguyên tiến kịp miền xuôi.
Khoảng năm 2000 trở lại đây, nhà nước có một loạt chương trình phát triển, tập trung vào khoa học kỹ thuật, xoá đói giảm nghèo theo hướng thị trường, giới thiệu cho họ cây cà phê, cây tiêu… nhằm mục đích giúp họ phát triển.
Các đại biểu cho rằng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang sống chung với nợ và cần phải có cơ chế tín dụng đặc thù để họ vay vốn cho sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lan Dung. |
“Trong bối cảnh đó, người dân phải chuyển đổi sinh kế, vừa ép buộc vừa tự nguyên. Do không có tiền họ phải vay với lãi suất cao để sản xuất dẫn đến mất cân đối đầu ra và đầu vào. Họ vay lãi suất cao để đáo nợ và để tiếp tục đầu tư sản xuất khiến nợ chồng nợ, nghèo hoàn nghèo. Điều này càng củng cố thêm định kiến về người dân tộc thiểu số: nghèo không biết làm ăn, cần phải can thiệp để giúp họ thoát nghèo,” ông Cầm chia sẻ.
Theo ông Cầm, mỗi đối tượng lại nhìn món nợ theo một cách khác nhau. Một ông phó chủ tịch xã người Kinh nói không có tư nhân người dân không có vốn vay để phát triển nên việc vay nợ là bình thường còn ông phó chủ tịch xã người M’nông rất lo lắng, và nói xã bất lực để tìm cách giúp người ta thoát cảnh nợ nần.
Với người Kinh di cư đến và sống trong buôn, họ nói người dân tộc không biết làm ăn, có tiền thì nhậu… tức là đều bị định kiến khi nhìn người dân tộc thiểu số.
“Với người dân tộc thiểu số, họ rơi vào vòng xoáy sống chung với nợ và tiếp tục vay nợ để sống. Nợ trở thành câu chuyện hàng ngày của họ,” ông Cầm kết luận.
Ông Y Bhiâo MLô, trưởng buôn Tring (phường An Lạc, thi xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), cho biết buôn ông có 141 hộ người dân tộc Êđê thì hộ nào cũng đang gánh nợ. Các hộ nông dân trồng cà phê, thường vay tiền để mua phân, dầu, thuốc trừ sâu, thuê người hái, làm cỏ, chi phí lớn, trong khi mấy năm nay thiếu nước nghiêm trọng, giá cà phê giảm trong khi giá phân vẫn giữ nguyên hoặc có khi còn tăng lên.
“Người trong buôn nợ nhiều nhất là 100-200 triệu đồng, dù lúc đầu chỉ vay tầm 4-5 triệu. Vay ngân hàng khó, hơn một tháng mới có tiền. Nhiều khi đến hạn trả ngân hàng chưa có, người dân phải vay từ đại lý. Khi vay đại lý, người dân phải trả lãi suất 50-60% một năm.”
Cần chương trình tín dụng đặc thù cho Tây Nguyên
Ông Cầm cho rằng cần xây dựng chương trình tín dụng đặc thù cho dân tộc thiểu số Tây Nguyên bởi Nghị định 55 của Chính phủ thay thế Nghị định 41 về tín dụng không hiệu quả. Nghị định cho phép người nông dân có thể vay tối đa 100 triệu nhưng yêu cầu phải liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Tây Nguyên sản xuất theo hộ gia đình nên quy định như vậy cản trở họ vay tiền.
Theo khuyến nghị của báo cáo, vấn đề tín dụng nông nghiệp phải thay đổi để phù hợp vấn đề mùa vụ, nhu cầu đồng tiền để sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên với cây ngô, cà phê hơn công thức tín dụng cứng nhắc như hiện nay.
TS. Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng nhu cầu tài chính vi mô của đồng bào dân tộc rất nhiều so với khả năng đáp ứng của Ngân hàng Chính sách của nhà nước. Ông đề xuất thúc đẩy các chương trình tài chính vi mô, có thể huy động từ các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm…
Người dân Tây Nguyên đang ngập trong gánh nặng nợ nần. Ảnh minh họa: Báo Gia Lai. |
Theo ông, giải pháp tín dụng nên đi kèm hướng dẫn về kỹ thuật có hiệu quả để tiết kiệm đầu vào, không hướng dẫn nông dân sử dụng ngày càng nhiều phân bón. Phân bón chất lượng không tốt, lại tăng tiền, tức là tăng đầu vào.
Khuyến nông đi kèm với tín dụng giúp nông dân giảm vay từ những người bán phân hay bán giống. Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả mới giảm dần nợ. Với tốc độ như hiện nay, nợ tích lũy, không thể giảm được.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì là quyền của người Tây Nguyên.
“Có lẽ trong các chương trình phát triển, kể cả chương trình giảm nghèo như 30a, tôi nghĩ không nên đưa các cây mang tính hàng hóa. Chương trình 30a đưa cây cô ca, macca vào một số vùng là sai lầm. Những chương trình giảm nghèo hiện nay cần khuyến nông, đào tạo nông dân các cơ chế để giảm rủi ro về thị trường. Cái này thực sự phục vụ cho người dân tộc và người nghèo. Còn các cây trồng mới, hãy để thị trường quyết định,” ông Thế Anh chia sẻ.
Ông cho rằng giải pháp quan trọng đối với phát triển nông nghiệp bền vững Tây Nguyên là phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái. Nếu làm theo hướng sinh thái, sử dụng phân hữu cơ tự sản xuất có thể giảm nửa phân đạm mà năng suất thậm chí còn cao hơn. Nếu chỉ bón phân hóa học, năng suất chỉ giảm, không thể tăng.
Nghiên cứu “Hiện trạng nợ ở các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên hiện nay” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn miền Nam (SCAP) tiến hành từ ngày 28/6 đến ngày 4/7 ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn sâu 44 người, trong đó có người dân tộc M’nông, K’ho, Châu Mạ, Tày và người Kinh, và điều tra ngẫu nhiên 56 hộ gia đình người K’ho và M’nông.